Sau sáu ngày nghị án, ngày 17-4, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ tranh chấp hợp đồng cho vay tài sản giữa nguyên đơn là luật sư Nguyễn Thị Ngọc Linh, bị đơn là Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất Thương mại Phạm Nguyễn. Theo đó, tòa tuyên bác kháng cáo của Công ty Phạm Nguyễn, yêu cầu công ty này phải trả cho luật sư Linh 100 triệu đồng tiền vay trước đó.
Bên nói có, bên bảo không
Theo đơn kiện, đầu năm 2012, bà Linh có quen với ông Phạm Văn Hiệu (Giám đốc Công ty Phạm Nguyễn) qua giao dịch pháp lý. Khoảng tháng 8-2012, ông Hiệu đề nghị bà Linh cho công ty vay 100 triệu đồng để bổ sung vốn, không tính lãi suất, hạn vay một tháng. Bà Linh đồng ý nhưng không lấy phiếu thu. Ngày 29-9-2012, bà Linh giao tiền cho ông Hiệu. Đến kỳ trả nợ, Công ty Phạm Nguyễn gửi đơn đề nghị chậm thanh toán vay nhưng sau đó không trả nên bà Linh kiện để đòi lại.
Đại diện phía Công ty Phạm Nguyễn phản bác, cho rằng không có chuyện công ty này vay. Phía Công ty Phạm Nguyễn cho biết trước đó công ty có mâu thuẫn trong việc thuê mặt bằng để làm ăn. Vì vậy ngày 27-9-2012, công ty có nhờ luật sư Linh soạn thảo đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp hợp đồng thuê mặt bằng với mức phí 1 triệu đồng. Sau đó Công ty Phạm Nguyễn tiếp tục ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với bà Linh, mức phí 5 triệu đồng. Trong hợp đồng ghi rõ bà Linh phải thay mặt Công ty Phạm Nguyễn đi gặp cơ quan chức năng và bên cho thuê mặt bằng để giải quyết việc hòa giải. Vụ việc kết thúc, bà Linh đòi tiền nhưng công ty cho rằng luật sư chỉ giúp mình giải quyết được một số việc nhỏ nên thỏa thuận chỉ trả phí 3 triệu đồng. Bà Linh không đồng ý.
Xử sơ thẩm, TAND quận 7 đã tuyên chấp nhận đơn kiện của bà Linh, yêu cầu Công ty Phạm Nguyễn phải trả tiền cho bà. Cho rằng quyết định của tòa thiếu căn cứ, xét xử không có mặt bị đơn mà vẫn tuyên án, Công ty Phạm Nguyễn kháng cáo.
Không chứng minh được thì thua kiện
Tại tòa phúc thẩm, Công ty Phạm Nguyễn cho biết trong giai đoạn sơ thẩm, công ty chỉ nhận được thông báo thụ lý vụ án và giấy triệu tập hòa giải của tòa vài lần nhưng không có mặt của nguyên đơn nên không thể giải quyết. Ngoài ra, công ty không nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử mà tòa vẫn cho xét xử vắng mặt bị đơn là vi phạm tố tụng.
Tòa hỏi: “Sao đường đường là một công ty cổ phần thuê phí luật sư có 5 triệu đồng mà cũng không trả được?”. Công ty Phạm Nguyễn cho biết do khó khăn về vật chất và tinh thần nên chưa thanh toán ngay khoản phí tư vấn pháp lý như thỏa thuận với luật sư. Sau đó công ty đã nhiều lần liên hệ với luật sư Linh để trao đổi và thanh toán tiền nhưng không được hợp tác.
Phía Công ty Phạm Nguyễn khẳng định không vay bà Linh 100 triệu đồng. “Công ty chúng tôi chỉ mới quen bà Linh khi làm dịch vụ pháp lý vào ngày 27-9-2012 thì chẳng cớ nào hai ngày sau bà Linh lại tin tưởng để cho vay 100 triệu đồng. Hơn nữa bà ấy là một luật sư, hiểu biết pháp luật, cho người khác vay tiền mà không lấy phiếu thu là vô lý”.
Bà Linh đáp lại: “Nếu không vay thì sao lại có đơn đề nghị chậm thanh toán vay, có con dấu của công ty và chữ ký của ông giám đốc? Trong đơn còn cảm ơn tôi đã cho vay tiền và muốn trả nhưng do khó khăn chưa trả được thì phải khất nợ và sẽ trả dần trong hai lần…”.
Tòa hỏi: “Sao cho người khác vay tiền mà không lấy phiếu thu?”. Bà Linh nói: “Thấy công ty khó khăn và tin tưởng thân chủ của mình, tôi đã cho vay mà không tính lãi suất. Dù không lấy phiếu thu nhưng sau đó công ty đã có đơn hứa sẽ trả”.
Đáp lại, phía Công ty Phạm Nguyễn nói đơn yêu cầu chậm thanh toán vay nợ của bà Linh cung cấp cho tòa chỉ trang 2 và trang 3 mà không có trang 1. “Toàn bộ nội dung trong đơn trùng khớp với đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp hợp đồng thuê mặt bằng mà trước đó bà Linh đã soạn thảo gửi qua email kêu công ty đóng dấu giáp lai rồi gửi lại cho bà ấy. Thực chất chúng tôi không gửi bất cứ đơn yêu cầu chậm thanh toán nào cho bà Linh…”.
Cuối cùng, tòa cho rằng việc bà Linh cho Công ty Phạm Nguyễn vay 100 triệu đồng là có thật, thể hiện ở việc phía công ty đã gửi đơn đề nghị chậm thanh toán nợ vay, có dấu giáp lai và chữ ký của giám đốc. Phía công ty cho rằng mình không vay tiền nhưng đã không cung cấp được chứng cứ để chứng minh nên phải chấp nhận hậu quả của việc chứng minh không đầy đủ. Cũng theo tòa, tòa cấp sơ thẩm đưa vụ án ra xét xử vắng mặt của bị đơn là đúng, vì đã nhiều lần tòa có giấy triệu tập nhưng phía bị đơn không có mặt, lúc có mặt lại không hợp tác và không đưa ra được những bằng chứng thiết thực. Vì vậy tòa đã tuyên án như trên.
NGỌC THÂN