Sau một ngày xét xử, chiều ngày 6-3, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tuyên án tử hình bà Lê Thị Hường, vợ nguyên Bí thư xã Kim Long, huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) về tội giết người. Bà Hường là người đã chém vợ chồng ông Nguyễn Chí Hùng - bà Phan Ngọc Nga nhằm quỵt nợ. Bà Hường cũng là nghi can số một trong nghi án giết người, đốt xác mà cơ quan tố tụng đã tách ra để điều tra riêng trong vụ án khác.
Từ sáng sớm, rất đông nhà báo và người dân đã đến tòa để theo dõi phiên xử.
Chủ đích chém chết để quỵt nợ
Theo cáo trạng công bố tại tòa, do có quen biết, bà Hường đã vay mượn nợ của vợ chồng bà Nga. Theo giấy biên nhận, đến ngày 15-1-2013, vợ chồng bà Hường còn nợ của bà Nga 80 triệu đồng. Ngoài ra, bà Nga còn cho hay bà Hường nợ bà 80 triệu đồng gồm tiền chơi hụi nhưng số nợ này không có giấy tờ chứng minh.
Với mục đích quỵt tiền của chủ nợ, bà Hường đã lên kế hoạch giết chủ nợ. Từ sáng đến trưa 15-1, bà Hường liên tục gọi điện thoại cho bà Nga đến nhà mình để giải quyết chuyện nợ nần. Chiều cùng ngày, bà Nga xuất viện (bà đang trị bệnh), nhờ chồng chở đến nhà bà Hường.
Tại nhà, bà Hường bảo bà Nga nằm nghỉ tạm trong nhà và nói với ông Hùng - chồng bà Nga - ra vườn chặt chuối, lấy trứng gà về tẩm bổ cho vợ. Khi ông Hùng ra vườn, bà Hường vào bếp lấy rựa dài hơn nửa mét mang theo. Đến chuồng gà, bà Hường đưa cho ông Hùng một cái rổ nói ông nhặt trứng gà và khi ông này ngồi xuống nhặt, bà Hường ra tay. Ông Hùng đưa tay lên đỡ và bị chém nhiều nhát vào tay. Nghe tiếng chồng kêu cứu, bà Nga từ trong nhà chạy ra cũng bị bà Hường chém vào đầu…
Kết quả giám định: Ông Hùng bị thương tật gần 79%, còn bà Nga 26%. Bà Hường bị truy tố tội giết người ở các điểm a, n và q khoản 1 Điều 93 BLHS (thuộc trường hợp giết nhiều người, có tính chất côn đồ và động cơ đê hèn) (khung hình phạt từ 12 năm tù đến chung thân, tử hình).
Tại tòa, ông Hùng - bà Nga khai như nội dung cáo trạng nói trên. Theo đó, khi ra tay, bà Hường mở tivi rất to. “Khi thấy đầu choáng váng, tôi quay lại thì thấy bà Hường cầm rựa. Tôi nói sao chị chém tôi, bà Hường nói: “Chém chết để trừ nợ”” - ông Hùng nói.
Bị cáo Lê Thị Hường đang nghe tuyên án. Ảnh: KHÁNH LY
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: KHÁNH LY
Dã man, vô nhân tính
Tuy nhiên, khai trước tòa, bà Hường nói mình chỉ nợ bà Nga 8,5 triệu đồng, không hiểu sao sau này viết giấy nợ thành 85 triệu đồng. “Anh Hùng, chị Nga đến xin măng chua chứ không phải đòi tiền. Khi ghé nhà thì chị Nga đưa ra giấy mượn tiền và yêu cầu ký vào. Số tiền không nhiều nên có cãi qua cãi lại. Lúc đó bực mình quá nên tôi dùng rựa chém hai vợ chồng chứ không phải chém ngoài vườn khi nhặt trứng…” - bị cáo nói.
“Bị cáo có biết vụ án của bị cáo gây chấn động trong cộng đồng không?” - chủ tọa hỏi. Bà Hường trả lời: “Có biết, điều tra viên nói”.
Chủ tọa nói tiếp: “Bị cáo ra tòa với thái độ rất tỉnh táo như theo dõi phiên tòa của một bị cáo khác. Tòa không thấy bất cứ sự hối hận nào của bị cáo. Trong thời gian tạm giam, bị cáo có thực sự ăn năn hay không? Với những chứng cứ có trong vụ án, liệu ai có thể tin được những lời bị cáo khai trước tòa không? Bị cáo có muốn khai trung thực lý do chém vợ chồng ông Hùng không?”.
Bà Hường: “Nhưng bị cáo đã nói sự thật rồi”.
Tòa: “Chúng tôi chờ đợi ở bị cáo một yếu tố nào đó có thể ăn năn, thành khẩn để có tình tiết giảm nhẹ. Nhưng với thái độ của bị cáo như vậy, không thành khẩn thì chúng tôi không còn gì để hỏi nữa. Bị cáo cho rằng nếu không có mâu thuẫn, cãi vã gì cho đến thời điểm hai vợ chồng bà Nga tới nhà thì tại sao lại ra tay chém vợ chồng bà Nga như vậy? Tôi sẽ thống kê lại toàn bộ hành động của bị cáo và vợ chồng bà Nga. Bị cáo suy nghĩ sao khi đến giờ này vẫn khai báo như vậy? Khi xuống tay với đồng loại bị cáo có cảm thấy run tay không mà có thái độ thản nhiên như vậy? Thực hiện hành vi dã man, vô nhân đạo, vô nhân tính như thế nhưng đến giờ này vẫn dửng dưng, vô cảm như đang nói về chuyện của một người khác. Như đang kể về một bộ phim mà mình đã xem, như một người đang thưởng thức, vô can…”.
Không còn cải tạo được nữa!
Tại tòa, phía bị hại yêu cầu đòi bồi thường gần 1 tỉ đồng. Bà Hường cho rằng quá cao so với khả năng nhưng cuối cùng bà cũng chịu mức này.
Chuyển qua phần tranh luận, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa đã phát biểu quan điểm luận tội. Theo Viện, vụ án này và cả vụ bà Dương Thị Thủy Bình Hà mất tích được dư luận đặc biệt quan tâm. Tội ác của bị cáo phải bị trừng trị nghiêm minh. Mục đích, động cơ của bị cáo là giết vợ chồng bà Nga để quỵt nợ. Việc vợ chồng bà Nga không chết là ngoài ý muốn của bị cáo. Nếu hành vi này không bị phát hiện hoặc nếu vợ chồng bà Nga chết có thể bị cáo Hường sẽ đốt xác phi tang như đã hành động đối với bà Hà. Đây là hành vi đê hèn, gây dư luận xấu, phẫn nộ trong người dân. Xét thấy không còn khả năng cải tạo bị cáo, cần loại khỏi đời sống xã hội.
Từ đó công tố viên đề nghị xử tử hình đối với bị cáo.
Luật sư (bào chữa chỉ định cho bị cáo) cho rằng hành vi của bị cáo không có tính chất côn đồ mà chỉ là giết nhiều người. Bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, con còn nhỏ… nên đề nghị tòa xem xét giảm án. Riêng chi tiết mà VKS cho rằng nếu vợ chồng bà Nga bị chết hôm đó có thể bị cáo cũng ra tay chặt xác phi tang như trường hợp của bà Hà, luật sư cho rằng suy luận như vậy là không cần thiết. Bởi đến nay chưa có kết luận nào về việc bà Hường giết bà Hà.
Tranh luận lại, Viện vẫn giữ nguyên quan điểm đề nghị tuyên bị cáo mức án cao nhất vì hành vi giết người có tính chất côn đồ, động cơ đê hèn, giết nhiều người.
Nói lời sau cùng, bị cáo rơm rớm nước mắt: “Bị cáo chỉ xin tòa giảm nhẹ mức án vì còn nuôi con nhỏ”.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định từ lời khai của bị hại, nhân chứng, các tài liệu chứng cứ khác đã có đủ chứng cứ kết tội bị cáo Hường đúng như cáo trạng truy tố. Ông Hùng bị chém 17 nhát, bà Nga cũng bị chém hai nhát vào đầu. Việc người bị hại không chết là ngoài ý thức chủ quan của bị cáo. Bị cáo giết nhiều người với sự liều lĩnh, côn đồ hung hãn cao độ để che đậy khoản tiền nợ của bị cáo đối với bị hại. Đây là tình tiết định khung tăng nặng. Vì vậy tòa tuyên xử tử hình bị cáo.
KHÁNH LY
Tách vụ giết người, đốt xác ra điều tra riêng Bà Lê Thị Hường còn là nghi can trực tiếp liên quan đến việc mất tích đầy bí ẩn của bà Dương Thị Thủy Bình Hà (thủ quỹ xã Kim Long) vào ngày 14-5-2012. Đây là nghi án giết người, đốt xác mà đến nay cơ quan công an chưa thể làm rõ. Tại cơ quan điều tra, bà Hường khai nhận đã đốt xác bà Hà nhưng không nhận đã giết nạn nhân. Cụ thể, bà khai nhờ bà Hà cắm điện nổ máy bơm và bị điện giật chết, sợ quá nên bà đã đốt xác bà Hà và phi tang. Cơ quan điều tra đã tổ chức tìm kiếm nhiều ngày tại khu vườn của bà Hường, thu được một số mẩu xương. Theo kết quả điều tra, những mẩu xương thu được trong vườn nhà bà Hường đúng là xương người nhưng do đã bị đốt trụi nên không thể xác định được cấu trúc xương.
Vậy nếu không xác định được cấu trúc xương thì làm sao xác định được đó chính là bà Hà để khẳng định bà Hà đã chết? Trường hợp này thì lời khai nhận của bà Hường có được xem là chứng cứ để kết luận đó là thi thể còn lại của bà Hà hay không? Một giám định viên của Phân viện Khoa học hình sự phía Nam cho biết: Giám định gen (AND) đòi hỏi phải có những mẫu vật như lông, tóc, máu, tinh dịch, nước bọt, xương, răng… Trong đó nếu có mẫu vật là răng thì chắc chắn nhất. Nhưng trong vụ án này, do các mẫu xương và răng đã bị đốt cháy, bị than hóa, nên với kỹ thuật hiện nay, cả ở Việt Nam cũng như trên thế giới, đều không truy nguyên được nữa. “Cũng cần lưu ý, kết quả giám định mẫu xương chỉ là một trong những căn cứ để xác định xác nạn nhân. Trong vụ án còn có các tình tiết, chứng cứ khác như lời khai của nghi phạm, các cuộc điện thoại, tin nhắn… Trên cơ sở xem xét tổng thể các chứng cứ đó mà cơ quan điều tra có thể ra kết luận. Cũng tương tự như trong vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường, dù không tìm thấy xác nạn nhân nhưng dựa trên các chứng cứ khác, cơ quan điều tra vẫn xác định được nạn nhân đã chết để từ đó truy cứu những người liên quan với các tội danh tương ứng” - vị giám định viên nói. Vậy thì bà Hường có thể bị khép vào tội gì trong khi bà chỉ khai nhận đốt xác bà Hà phi tang chứ không nhận giết người? Theo luật sư Trương Xuân Tám (Ủy viên BCH Liên đoàn Luật sư Việt Nam), lúc này bà Hường chắc chắn sẽ phải chịu trách nhiệm về tội xâm phạm thi thể người khác. T.HOA - T.DUNG - T.TÙNG Chồng bà Hường không đến tòa Sau khi phiên tòa diễn ra, ông Võ Thanh Mỹ (chồng bà Hường, người được tòa mời với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) vẫn không có mặt. Chủ tọa cho rằng lời khai của ông Mỹ đã thể hiện đầy đủ trong hồ sơ vụ án nên việc ông vắng mặt không ảnh hưởng tới quá trình xét xử của tòa. Vì vậy tòa tuyên bố phiên xử vẫn tiếp tục diễn ra. |