Hỏi: Khi ly hôn, người vợ có quyền nhận nuôi con hay không?
Luật sư Nguyễn Bảo Trâm – Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời: Theo luật hôn nhân gia đình, sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có trách nhiệm với các con chưa thành niên (dưới 18 tuổi) hoặc các con trên 18 tuổi nhưng mất khả năng lao động, tàn tật , mất năng lực hành vi dân sự, không có tài sản để tự nuôi bản thân mình.
Theo khoản 2 điều 92, người vợ hoàn toàn có quyền nhận nuôi con với điều kiện thỏa thuận được với người chồng. Nếu hai bên không thỏa thuận được, tòa án sẽ căn cứ trên quyền lợi nhiều mặt của các con để quyết định ai là người trực tiếp nuôi dưỡng. Người không trực tiếp nuôi con vẫn có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con hàng tháng.
Trường hợp những đứa con từ 9 tuổi trở lên, tòa sẽ xem xét nguyện vọng của các con muốn ở với cha hay mẹ.
Hỏi: Thu nhập của người vợ thấp, tài sản chủ yếu đứng tên chung 2 vợ chồng hoặc chỉ 1 mình người chồng. Vậy khi ly hôn người vợ có được hưởng gì không?
Luật sư Nguyễn Bảo Trâm – Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời: Pháp luật quy định, tài sản chung là những tài sản có được từ thu nhập trong thời gian chung sống, những tài sản được cho/tặng/thừa kế chung trong thời kỳ chung sống, hoặc tài sản riêng nhưng đã thỏa thuận sẽ là tài sản chung. Tài sản riêng là những tài sản có từ trước khi kết hôn, tài sản được cho/tặng/thừa kế riêng, hoặc tài sản đã được phân định là của riêng trong thời gian chung sống.
Nếu là tài sản chung, không phân định ai đứng tên, khi ly hôn đều sẽ phải chia. Trong trường hợp các bên muốn thỏa thuận, tòa án sẽ để đương sự tự phân chia theo ý chí của mình. Nếu không thỏa thuận được, tòa án sẽ căn cứ trên điều 95 để chia.
Một số nguyên tắc căn bản khi chia tài sản ly hôn như sau:
- Về nguyên tắc tất cả tài sản chung sẽ chia đôi. Tuy nhiên, tòa cân nhắc tình trạng tài sản, công sức của mỗi bên trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung đó, xem xét hoàn cảnh các bên. Lao động của vợ hoặc chồng trong gia đình được coi là thu nhập hợp pháp. Ví dụ: người vợ nội trợ, người chồng đi làm thì không vì thế mà coi như người vợ không làm gì thì không được chia, mà cần hiểu thu nhập của người vợ ngang với người chồng đang đi làm.
- Bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người vợ, người con dưới 18 tuổi hoặc trên 18 tuổi nhưng có vấn đề về sức khỏe, trí tuệ như đã nêu trên.
- Chú ý đến lợi ích chính đáng của cả 2 bên trong quá trình sản xuất kinh doanh nghề nghiệp. Ví dụ có tài sản đã đưa vào sản xuất kinh doanh, nếu chia không khéo có thể không phát huy được công dụng của nó.
- Chia theo hiện vật hoặc theo giá trị. Người được chia hiện vật có giá trị nhiều hơn giá trị đúng ra mình được hưởng thì sẽ phải chi trả tiền chênh lệch cho người kia.
Đối với các trường hợp nhà của riêng người chồng, người vợ đã được thụ hưởng trong thời gian chung sống thì khi ly hôn, tài sản riêng của ai trả về cho người đó, trừ khi có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, tòa án sẽ lưu ý đến vấn đề tạo điều kiện cho người vợ kiếm nơi ở khác. Người vợ có quyền lưu cư trong thời gian 6 tháng và người chồng có trách nhiệm hỗ trợ tìm nơi ở mới cho người vợ. Nếu căn nhà đã cũ nát, trong quá trình ở chung đã phải sửa chữa, cải tạo thì giá trị sửa chữa này sẽ được chia theo nguyên tắc chia tài sản chung.