Ảo và giả

Có nhiều người - nhất là giới trẻ hiện nay sống trong thực tế ảo, như những phiên bản của kỹ thuật 3D. Trong sinh hoạt hằng ngày, trong quan hệ xã hội, trong suy nghĩ, họ không phân biệt được đâu là thực đâu là ảo. Những cuộc tình ảo. Những danh xưng ảo. Những giá trị ảo. Đã xuất hiện những đồng tiền ảo nhưng lại mang giá trị thực, như đồng bitcoin đang tìm cách lưu hành song song cùng những đồng tiền thực.

Hoặc chuyện vừa qua có một ông in một tập gọi là thơ nổi đình nổi đám không phải do giá trị văn học mà là do PR rất giỏi. Được biết đây là những câu giống khẩu hiệu có vần hay vè gì đó ông ta viết, post lên Facebook cá nhân. Rồi những bài ấy được gom lại in thành một tập gọi là tập thơ đầu tay. Và dĩ nhiên ông này trở thành nhà thơ. Và ngay sau đó nghe đâu có một công ty bỏ mấy trăm triệu đồng mua bản quyền tập thơ ấy để làm quảng cáo. Ông nhà thơ này khoe với báo chí rằng có công ty còn thương lượng mua tập thơ của ông với giá vài ba tỉ ấy chứ! Còn bà phó giám đốc công ty “may mắn mua được” tập thơ này cho biết tác giả còn mời được mười mấy đơn vị khác tài trợ mua tập thơ ấy. Mà chỉ được mua mang đi tài trợ vùng sâu, vùng xa chứ cấm bán ra thị trường! Hỏi ra mới biết ông nhà thơ này là thư ký của vị thứ trưởng quản lý nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, điện ảnh và các vấn đề về công nghiệp sáng tạo. Nói chung là thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. À ra thế.

Bỗng nhiên tôi nhớ mấy câu trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm: ... Ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi/ Cái cuốc con dao đánh lừa cái tuổi/ Chén rượu đánh lừa cơn mỏi cơn đau/ Con nộm nang tre đánh lừa cái chết...Những sự tự đánh lừa mình để mà sống đàng hoàng rất đáng trân trọng. Không như nhiều người bây giờ tự đánh lừa mình bằng những danh xưng nghe rất kêu nhưng rỗng tuếch. Nên đã có không ít người bỏ tiền thực để mua những giá trị ảo. Nhưng thật ra tự đánh lừa mình thì chỉ hơi lố bịch thôi chứ cũng chẳng hại ai. Cái nguy hại thật sự đáng lo nhất hiện nay là cái giả đang lộng hành. Bằng cấp giả, nhân phẩm giả, lương tâm giả, giá trị giả. Đến nỗi một vị nguyên chủ tịch tỉnh lúc đương chức đã làm hồ sơ giả để nhận danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang, sau khi ông ta về vườn, có người tố cáo, danh hiệu bị thu hồi! Đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung đã phát biểu tại cuộc họp cuối cùng của Quốc hội vừa qua rằng bà có bảy nỗi lo, trong đó đứng đầu là ngoại xâm, thứ hai là nội xâm (tức tham nhũng, lãng phí), kế đến là “suy thoái đạo đức xã hội, đạo đức giả ngày càng lấn át đạo đức thật, chủ nghĩa thực dụng, tính tham lam, ích kỷ, tệ dối trá, lừa đảo ngày càng phổ biến trong một bộ phận xã hội...”.

Trong đời sống hiện nay, hàng giả có mặt trong hầu hết ngành hàng, được bày bán gần như công khai khắp nơi. Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, phát biểu tại hội nghị về chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngày 25-5 vừa qua rằng: “Tôi đố các vị chỉ ra mặt hàng nào không bị làm giả ở Việt Nam?”. Hàng hóa thật giả lẫn lộn cũng còn có cách phân biệt, loại bỏ, chứ còn giá trị ảo, chân lý “lộng giả thành chân” không dễ nhận ra còn tai hại cho xã hội hơn gấp bội.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm