Trên số báo Chủ nhật tuần trước, Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Thần tượng Bolero có thật là bolero?”. Bài viết đề cập đến những tranh cãi xung quanh chương trình Thần tượng Bolero đang diễn ra trên kênh VTV3, rằng chương trình làm sai bolero. Hiện đang có hai luồng ý kiến: Một là tên chương trình với ý nghĩa bolero là tên gọi chung cho thời bolero phát triển vào thập niên 1960-1970 ở miền Nam, thời đó có bolero lẫn nhiều bản nhạc trữ tình sâu lắng khác. Một bên khác cho rằng bolero là bolero, không thể lẫn lộn với nhạc trữ tình.
Bolero có gốc nhạc hàn lâm
Và trong tuần qua, trên nhiều mặt báo tiếp tục tranh cãi không thể gọi nhạc thập niên 1960-1970 là bolero bởi có những phân định rõ ràng đâu là bolero và đâu là… sang hơn bolero. Nhằm giúp hiểu thêm về bolero, chúng tôi đã lần giở lại lịch sử của bolero trước khi du nhập vào Việt Nam.
Ở lãnh địa khiêu vũ thì từ nguồn gốc đã có hai kiểu bolero, một loại bolero xuất hiện ở Tây Ban Nha vào thế kỷ 18 và loại bolero bắt nguồn từ Cuba. Hai loại khiêu vũ này khác biệt về nguồn gốc và kiểu cách. Bolero Tây Ban Nha là một điệu nhảy kết hợp cả hai điệu contradanza (một điệu nhảy nguồn gốc đa quốc gia) và sevillanas (điệu nhảy vùng Seville, Tây Ban Nha). Theo một số chuyên gia, điệu khiêu vũ bolero Tây Ban Nha do Sebastiano Carezo phát minh năm 1780. Và bolero Tây Ban Nha mang nhịp 3/4, ngược lại ở Cuba, bolero mang nhịp 2/4. Ngay tại Cuba có rất nhiều biến thể của bolero như: bolero trong điệu nhảy danzón, bolero-son nhiều người thường gọi là rumba, bolero-mambo là bolero kết hợp nhảy mambo, bolero-cha là bolero kết hợp cha cha cha… vẫn gọi là bolero.
Ở lãnh địa âm nhạc hàn lâm, bolero còn có thể tìm gặp ở âm nhạc hàn lâm với nhiều sáng tác của các nhà soạn nhạc Ravel, Chopin, Debussy, Bizet, Saint-Saens, Moszkowski… Và trong một vài loại âm nhạc bolero hàn lâm, nguồn gốc của bolero còn nằm ở điệu habarena, một điệu nhảy tiền thân của tango Cuba, từng xuất hiện trong ca kịch của Pháp, nhạc kịch zarzuela của Tây Ban Nha…
Cặp “đào-kép” Phương Anh và Đình Phước trình diễn Nếu mình cách trở trong chương trình Thần tượng Bolero tối 24-3 vừa qua. Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG
Sến vẫn sang
Có thể nói bolero hiện nay có các tiết điệu 2/4, 3/4, 4/4… và vô vàn biến thể khác. Mỗi lần du nhập của bolero đến một địa phương là mỗi lần biến cải và nếu đó không phải là điệu nhạc hay thì hiển nhiên sự biến cải sẽ sớm mất đi.
Tại Việt Nam, bolero đã có từ những năm 50 của thế kỷ trước với cái tên mở màn là Hoàng Thi Thơ. Và cũng như khi bolero đến vùng đất nào đó khác, sự thích ứng của nó với những làn điệu dân ca địa phương, ca từ mang màu sắc quê hương như Duyên quê, Trăng về thôn giã, Về miền Tây, Sông núi miền Nam… đã làm giới trẻ thuở đó là những sinh viên văn khoa, luật khoa mê đắm.
Bolero thuở đó phổ cập và được gắn mác nhạc sến. Theo các nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, Tuấn Khanh…, sở dĩ có từ nhạc sến bởi những cô giúp việc nhà hoặc nhà nghèo đi ra phông-ten nước (fontaine - vòi nước công cộng) để lấy nước về dùng, người ta thường gọi những người này theo cách đùa là Mari Đờ La Phông-ten (Marie de la fontaine). Cùng thời điểm đó diễn viên Maria Schell (diễn viên người Áo Maria Margarethe Anna Schell) cũng nổi đình đám tại các rạp chiếu bóng ở Sài Gòn làm thịnh hành cụm từ Maria Sến trong giới trẻ. Giới trẻ ngày đó và các cô giúp việc nhà… đều thường nghe bolero nên vô tình bolero được dần gọi là nhạc sến. Dẫu gắn tên sến thì tên sến này đôi khi mang hàm nghĩa dễ thương chứ không mang nghĩa ít sang hay miệt thị.
Chúng tôi xin kết lại bài viết bằng lời của nhà phê bình âm nhạc José Loyola đã nói trong tác phẩm Trong tiết điệu bolero (En ritmo de bolero), một quyển sách “gối đầu giường” của bất cứ ai nghiên cứu về bolero, rằng “Đặc tính của bolero là dung hợp và thích ứng với các loại nhạc nhảy khác, điều làm cho bolero phát triển và trường tồn với thời gian”.
Bolero rất hút khán giả truyền hình Cùng với Solo cùng Bolero, Thần tượng Bolero… trên sóng truyền hình hiện nay, rất nhiều chương trình chọn các nhạc phẩm trữ tình trong đó có bolero để các ca sĩ, thí sinh tranh tài. Nhiều nhà sản xuất cho rằng họ chọn dòng nhạc như thế để sản xuất chương trình bởi dòng nhạc trữ tình, quê hương vẫn là dòng nhạc thu hút khán giả nhiều lứa tuổi nhất. Mới nhất như chương trình Hãy nghe tôi hát có dàn giám khảo lẫn thí sinh tham gia hầu hết là những người thành danh ở dòng nhạc trữ tình, dân ca quê hương như Phương Dung, Thái Châu, Phi Nhung, Dương Ngọc Thái, Hà Vân, Ngọc Liên,… Tuy nhiên, chương trình còn thu hút nhờ những cái tên vốn thành danh với nhạc trẻ như Chi Dân, Quách Thành Danh, Nhật Kim Anh… đã thể hiện rất tốt nhạc trữ tình. |