Đầu tư từ đâu?

Về mặt công khai trên báo chí, ngoài nhà văn Nguyên Ngọc, ít nhất được biết có thêm nhà thơ Ý Nhi và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từ chối nhận khoản đầu tư chiều sâu 25 triệu đồng của Hội nhà văn Việt Nam cho việc sáng tác của mình. Trong khi đó, phía những người đã nhận tiền đầu tư này, nhà văn Võ Thị Hảo dũng cảm cho biết mình “điềm nhiên nhận mà không chút băn khoăn”, vì “hướng đầu tư đã có đổi mới” và “trong đó có cả những đồng tiền thuế và giá trị thặng dư lao động của tôi đã cần cù góp cho toàn xã hội”...

Thật ra đúng như nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nhận định việc nhận tiền đầu tư hay từ chối không phải là vấn đề đạo đức. Sẽ không ai kết luận người từ chối là người cao cả và ngược lại. Vấn đề chính cần đặt ra ở đây là nếu nhất thiết phải đầu tư thì cần làm sao cho có hiệu quả. Bởi đó là những đồng tiền mà toàn xã hội - dù còn rất nhiều người dân sống dưới mức nghèo khó đã chắt bóp để dành cho các văn nghệ sĩ sáng tác (kế hoạch năm năm 2006-2010, nhà nước sẽ dành... hơn 175 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư sáng tác cho văn nghệ sĩ, hiếm có nước nào tốt như vậy!).

Bởi vì việc đầu tư từ đầu vào trong thời gian qua chẳng cho thấy hiệu quả gì cả nên đã có ý kiến rất đáng quan tâm cho rằng nên đầu tư từ đầu ra, nghĩa là trong khi việc quảng bá và phát hành sách còn quá yếu thì nhà nước nên tài trợ bằng những giải thưởng danh giá (vừa có danh, vừa có giá trị cao) cho những tác phẩm thật sự hay, đẹp của văn nghệ sĩ sau khi nó đã chào đời. Làm như vậy sẽ động viên được những người dành hết tâm huyết cho việc sáng tác, chứ nếu cứ đưa tiền trước theo kiểu “đặt hàng” sẽ rất dễ tạo ra tâm lý ỷ lại, tâm lý chỉ có tiền mới viết, tâm lý chỉ viết đúng ý ông đặt hàng..., tất cả đều sẽ không thể làm nên một tác phẩm hay, đẹp.

Một ý khác yêu cầu có quy chế đầu tư thật chặt chẽ (tiêu chuẩn nhận đầu tư, quyền lợi và nghĩa vụ của người nhận đầu tư...), công tâm, hướng đến hiệu quả chứ không phải theo kiểu xin-cho, ban phát, xoa dịu... Quan trọng nhất ở đây chính là sự công khai hóa về tiêu chuẩn, về danh sách người nhận, danh sách tác phẩm hoàn thành, đánh giá chúng như thế nào, phổ biến chúng ra sao... Chứ nhiều năm qua, ai nhận nấy biết, có nộp lại tác phẩm hay không và nộp tác phẩm gì, có đúng đề cương ban đầu hay quấy quá “đầu voi đuôi chuột” gì thì cũng chẳng ai biết... Không có quy chế rõ ràng, mọi việc cứ theo ý của một hội đồng thẩm định (mà mấy năm qua đã cho thấy rất chủ quan qua việc kết nạp hội viên mới, việc xét đầu tư và việc trao các giải thưởng hàng năm). Kiểu làm việc kín như đang hoạt động bí mật ấy vừa khó tránh được điều tiếng, lại vừa không thể nào có hiệu quả được!

Xin có thêm vài ý gọi là đóng góp cho một vấn đề mà mọi công dân đã cần cù đóng thuế nhưng không nhận lại được đồng đầu tư nào đang rất quan tâm.

NGUYỄN TRUNG QUÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm