Để bảo tàng không chỉ là nơi giải trí

Đó là lý do khiến Bảo tàng Dân tộc học và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) cùng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) được trang web về du lịch uy tín nhất thế giới bình chọn là những bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á.

“Không có bảo tàng nào là không có lợi thế của mình, vấn đề là làm sao phát hiện và phát huy nó. Làm bảo tàng phải đau đáu, trăn trở lắm chứ không thì cứ bày ra mấy hiện vật để đó thì làm sao hút khách được” - Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Võ Quang Trọng mở đầu cuộc trò chuyện như thế.

Thổi hồn vào hiện vật

Sinh sau đẻ muộn lại không có được lợi thế về vị trí như nhiều bảo tàng khác ở Hà Nội nhưng Bảo tàng Dân tộc học đã hai lần được trang web TripAdvisor vinh danh. Theo ông Trọng, thành công này có được là nhờ bảo tàng đã biết thổi hồn vào những hiện vật tĩnh. Khi mới nhận nhiệm vụ, ông cũng đã tổ chức các chương trình, trò chơi dân gian theo chuyên đề, tuy nhiên khách đến rất ít, lác đác chưa đầy 10 người. Để tìm hiểu nguyên nhân, ông đã hỏi chuyện rất nhiều du khách, từ đó rút ra phải tìm cách đưa được các chủ thể văn hóa tham gia vào các hoạt động của bảo tàng. Thêm vào đó, thời gian mở các chuyên đề cũng được tính toán lại, bỏ luôn việc thu phí khi vào xem. “Rất bất ngờ, từ khi chúng tôi chuyển lịch các chuyên đề vào thứ Bảy và Chủ nhật, thay đổi cách thức trình bày… thì khách đông hơn hẳn. Cứ cuối tuần là khách lại đổ về” - ông Trọng chia sẻ.

Để bảo tàng không chỉ là nơi giải trí ảnh 1

Học sinh tham quan trong một chuyên đề của Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội). Ảnh: HỒ VIẾT THỊNH

Chủ thể văn hóa mà ông Trọng đề cập ở đây là việc đưa những nghệ nhân dân gian, những người dân từ chính cộng đồng của họ vào bảo tàng. Có lần bảo tàng đã đón một nhóm thợ từ cộng đồng xuống để họ tự xây nhà của dân tộc mình trong bảo tàng. Những phường múa rối nước cũng được bảo tàng cho xe đón về trình diễn theo chuyên đề cố định. “Chúng tôi mất nửa tỉ một năm để nuôi các phường múa rối. Một số trò chơi dân gian cũng được chúng tôi đưa vào. Các nghệ nhân thực hành việc làm những đồ chơi ấy trước mặt khách tham quan, giao lưu với khách và hướng dẫn họ làm những công việc ấy” - ông Trọng nói.

Nỗ lực này của Bảo tàng Dân tộc học đã phát huy hiệu quả: Số khách tăng lên. Đến bây giờ ông Trọng đã tự hào gọi bảo tàng này là “Bảo tàng đa dạng và sinh động của các loại hình văn hóa phi vật thể”. Tôn trọng cá tính sáng tạo từ chính nhân lực của mình, tuy nhiên theo ông Trọng thì “Đừng bao giờ tự khoe mình có thể làm được mọi việc”. Với nhận thức đó, Bảo tàng Dân tộc học thường xuyên có sự hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài, tổ chức nghiên cứu, bổ sung thêm kiến thức cho các hiện vật, nhờ vậy mà không tạo sự nhàm chán cho khách tham quan.

Đa dạng các chuyên đề

Cũng giống như Bảo tàng Dân tộc học, việc tổ chức các chuyên đề cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được TripAdvisor bình chọn là “một trong những điểm tham quan hấp dẫn nhất Việt Nam”.

Chia sẻ thành công của mình, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc bảo tàng, cho biết bằng việc thay đổi cách trưng bày, tăng cường chuyên đề cũng như công tác giới thiệu, tuyên truyền, chỉ riêng trong ba tháng đầu năm 2013, lượng vé tham quan của bảo tàng bán ra đạt 150.000 lượt, bằng cả năm 2012. “Trước đây, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chỉ có lượng khách rất khiêm tốn, 50-70 khách/ngày. Từ đó, toàn bộ ban lãnh đạo bảo tàng đã quyết định “bắt đầu tất cả lại từ đầu với những chiến lược hoàn toàn mới”, mà việc đầu tiên là thay đổi diện mạo bấy lâu”.

Việc đổi mới được bảo tàng thực hiện bằng cách gửi cán bộ đi đào tạo thêm ở nước ngoài, sau đó là đổi mới hệ thống trưng bày với yêu cầu bắt mắt và hiện đại nhất có thể. Cụ thể, chỉ riêng chuyên đề về gian trưng bày tín ngưỡng thờ Mẫu “được đầu tư và phát triển trong suốt hai năm rưỡi”.

Ngoài hệ thống trưng bày thường xuyên, bảo tàng còn phối hợp với các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ và quốc tế… tổ chức trưng bày các chuyên đề phản ánh cuộc sống đương đại, thể hiện tiếng nói của cộng đồng, đặc biệt là những nhóm phụ nữ trong xã hội như trưng bày ảnh về thân phận, số phận của những phụ nữ có cảnh đời éo le, thiệt thòi, những phụ nữ bán hàng rong hoặc sống tại các khu ổ chuột… 

Phục vụ tận tình

Theo giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, để duy trì các chuyên đề thường xuyên như thế, bảo tàng cũng phải tự chi một số tiền không nhỏ nhưng vẫn theo phương thức “lấy nó nuôi nó”. Tuy nhiên, bảo tàng vẫn phải đảm bảo mục tiêu phi lợi nhuận, nếu không sẽ đi chệch mục đích. Bằng cách này, bảo tàng đã cân đối được các hoạt động và nâng cao chất lượng các chuyên đề.

Cùng với việc đổi mới hoạt động trưng bày, giới thiệu… thì thái độ đối với khách tham quan cũng được chú trọng. Nếu như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đề cao tiêu chí: “Dù chỉ một người khách lẻ đến bảo tàng cũng được phục vụ chu đáo, tận tình” thì Bảo tàng Dân tộc học lại phục vụ khách với tiêu chí: “An toàn, hiểu biết, tôn trọng khách”.

“Trước đây ở bảo tàng vẫn có hiện tượng trộm cắp. Sau này tôi lập ra một số tổ phản ứng nhanh, mỗi tổ ba người thường xuyên có mặt ở chỗ đông người, chú ý quan sát, thấy đối tượng khả nghi là ập vào khống chế ngay. Vì thế mà tình trạng này đã giảm đi rất nhiều, du khách yên tâm hơn khi vào bảo tàng” - ông Trọng cho biết.

Theo bình chọn của trang web du lịch nổi tiếng thế giới TripAdvisor.com (Mỹ) về top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á dựa trên đánh giá của du khách thì ba bảo tàng của Việt Nam là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) lần lượt xếp ở vị trí thứ năm, sáu và 11.

Đứng đầu danh sách là Bảo tàng Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, kế đến là Bảo tàng Tử Cấm Thành (Trung Quốc). Bảo tàng Tội ác diệt chủng Tuol Sleng (Campuchia) xếp thứ ba và Bảo tàng Tưởng niệm hòa bình Hiroshima (Nhật) xếp thứ tư.

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm