GS Phan Huy Lê: "...Tôi đề nghị gác công trình này lại"

Nhìn vào danh sách 39 công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (10 công trình hạ tầng đô thị, 20 công trình văn hóa - xã hội, 9 công trình công nghiệp - thương mại du lịch) mà phần lớn đều ở tình trạng không kịp tiến độ, dù có nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, nhưng không thể không băn khoăn.

Liệu chúng ta có dàn trải quá không? Liệu mốc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long có nên là thời điểm khánh thành cho quá nhiều những công trình kinh tế - xã hội của thành phố?

GS sử học Phan Huy Lê.
GS sử học Phan Huy Lê.

Thời gian còn lại chỉ hơn 900 ngày, nên chăng ta có sự chọn lọc lại để chỉ tập trung vào những công trình tiêu biểu nhất.

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xung quanh đề cương các hoạt động kỷ niệm do Hà Nội đưa ra.

Theo GS, đâu là điểm nhấn quan trọng nhất cho Thăng Long - Hà Nội 1000 năm? Thông điệp nào Hà Nội nên đưa ra trong dịp này?

- Theo tôi, chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội đưa ra rất toàn diện, trên nền tảng là sự phát triển Hà Nội trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Nhưng có quá nhiều công trình nằm trong kế hoạch phát triển tất nhiên của Hà Nội, không cần dịp kỷ niệm 1000 năm ta vẫn phải phát triển. Vậy thì, trên cơ sở chiến lược phát triển đó, phải tập trung vào một số trọng điểm để tạo nên bộ mặt thủ đô.

Chẳng hạn, về hạ tầng cơ sở, ta nên tập trung một số cây cầu quan trọng, chứ không nên đề ra nhiều rồi cái nào cũng dở dang. Phải tập trung hoàn thành xây dựng sân bay quốc tế, hay những đường lớn, quan trọng, để đảm bảo nhu cầu của du khách đến với lễ hội hoành tráng. Còn lại có thể làm theo kế hoạch, đảm bảo chất lượng, chứ không nên "ép" quá nhiều công trình phải gán biển kỷ niệm.

Lịch sử 1000 năm Thăng Long kết tinh trong văn hóa, nên những người yêu Hà Nội sẽ chờ đợi được nhìn thấy những nét văn hóa đặc trưng nhất của Hà Nội. Thông điệp thủ đô với bề dày lịch sử 1000 năm sẽ rất đáng tự hào. Nhưng văn hóa nếu nói chung chung sẽ là khái niệm rất rộng, nên phải tập trung cho một số công trình là điểm nhấn, có sức hấp dẫn, thể hiện bề dày 1000 năm. Cũng phải tập trung xây dựng một số công trình mới biểu tượng cho Hà Nội hôm nay.

Xin được đề cập đến việc trùng tu, tôn tạo và khai thác các di sản văn hóa đã sẵn có trước. Thủ đô Hà Nội hiện tại tập trung khối lượng rất lớn các di sản văn hóa (hơn 390 di tích được xếp hạng)...

- Bên cạnh những di tích được bảo tồn tốt, còn rất nhiều di tích ở tình trạng đáng "báo động". Với những di tích vẫn đang bị xâm lấn, không thể không tập trung giải tỏa trước đại lễ 1000 năm. Có nhiều công trình phải đầu tư tôn tạo, nhưng là để nâng di tích lên cho xứng đáng với bộ mặt Thăng Long 1000 năm, chứ không phải làm sai, làm lệch lạc các di tích, nhất là phần nguyên gốc của di tích.

Tiền không phải là vấn đề lớn, bởi gần đây hình thành rất nhiều tổ chức xã hội sẵn sàng đóng góp công sức bảo tồn di tích. Lòng dân là lợi thế rất lớn, nhưng cái yếu của ta là hệ thống chỉ đạo về chuyên môn, không thể "khoán trắng" cho các tổ chức của nhân dân được. Đừng để Hà Nội xảy ra tình trạng như Đền Cuông ở Nghệ An bị phá đi xây lại hoàn toàn mới.

Cũng không thể xử lý như thành cổ Sơn Tây, bỏ gạch cũ đi để thay gạch mới vào. Nhiều di tích chỉ tôn tạo nhỏ cũng thấy vấn đề, nước sơn cũng phải rất cẩn trọng chứ không thể tùy tiện, ngay chùa Trấn Quốc cũng bôi màu mè, nhìn vào gây phản cảm không hay.

Một di tích "độc nhất vô nhị" như Cổ Loa, nằm trong trọng điểm lớn của quốc gia, nhưng cũng còn ngổn ngang bao nhiêu vấn đề. Gần đây nhất là việc Hà Nội thông qua dự án mở con đường mở rộng 25m xuyên suốt từ Cửa Nam đến Cửa Bắc do Sở Du lịch đề xuất, nếu thực hiện sẽ phá tan tành cả di tích Cổ Loa. Việc làm này vi phạm nghiêm trọng luật di sản. Chưa kể trước đây địa phương đã có những việc làm đáng tiếc do thiếu ý thức, khi cấp sổ đỏ cho cư dân trong thành, trong đó có một phần ở trên thành và hào...

Cấp sổ đỏ thì họ được quyền xây dựng. Bây giờ phải chấn chỉnh, để các di tích lịch sử văn hóa trên đất HN được bảo tồn và tôn tạo thật sự theo đúng nguyên tắc của bảo tồn.

Chỉ khi chú trọng kêu gọi sự chung sức của các tổ chức xã hội, ta mới đủ khả năng để gìn giữ và phát huy cả trăm di sản văn hóa trên địa bàn thủ đô. Nhưng Chính phủ và Hà Nội cũng nên tập trung cho những công trình lớn ở tầm quốc gia chứ, thưa GS?

- Hiện nay trong chương trình kỷ niệm cấp quốc gia có tập trung vào Cổ Loa và khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Cá nhân tôi hoàn toàn nhất trí, nhưng xin đề xuất hãy tập trung trước hết cho khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long để đạt mục tiêu được công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2010, đồng thời xây dựng khu công viên văn hóa lịch sử là điểm nhấn sâu sắc nhất cho dịp đại lễ, bởi nơi đây ngưng tụ lịch sử và văn hóa của cả chiều dài 1000 năm.

Còn với Cổ Loa thì còn cần cả quá trình dài, trước mắt phải chấm dứt tình trạng vi phạm di tích, bước đầu quy hoạch bảo vệ nguyên trạng để không bị tiếp tục xuống cấp, xâm lấn nữa. Chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, như việc Chính phủ đã thông qua dự án bảo tồn Cổ Loa đầu tư tới hơn trăm tỷ từ năm 1997, nhưng đến nay vẫn chưa có qui hoạch và dự án khả thi để triển khai.

Riêng với khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, xin được hỏi kỹ GS trong một bài viết khác. Một mảng quan trọng khác của chương trình kỷ niệm là những công trình văn hóa được xây dựng mới, sẽ khánh thành trước Đại lễ. Cảm giác của nhiều người về mảng này là mông lung, dàn trải? Chỉ còn 930 ngày, xin GS đề xuất cụ thể những công trình nào nên đưa ra khỏi danh sách vì không khả thi?

- Phải có một số công trình xây dựng mới, nhưng rất cần sự tập trung, cân nhắc. Nhiều công trình khiến ta thật sự băn khoăn. Chẳng hạn định xây dựng Cửa ô Phía Nam, nhưng công trình đã sai từ cái tên (Cửa ô là cửa ra vào La thành), cũng không lý giải được về vị trí, đầu đề không rõ ràng, nên các Kiến trúc sư, nhà tạo hình không đưa ra được phương án nào khả dĩ có thể chấp nhận, không ra cửa ô, không ra tượng đài, không ra công viên. Tôi đề nghị nên gác công trình này lại.

Hay như ý tưởng phục dựng Điện Kính Thiên? Làm sao ta đủ khả năng phục dựng một công trình khi chưa có đủ cứ liệu lịch sử? Thậm chí còn có thông tin đến Chủ tịch UBND Hà Nội là đã tìm thấy ảnh Điện Kính Thiên trên internet, nhưng tôi kiểm tra lại thì đó là ảnh của chùa Báo Ân bên hồ Hoàn Kiếm do Nguyễn Văn Giai xây dựng thời Nguyễn, đến cuối thế kỷ XIX bị thực dân Pháp phá hủy, chỉ còn lại tháp Hòa Phong bên bờ hồ.

Khả thi hơn nhiều là việc phục dựng Điện Kính Thiên bằng công nghệ 3D trong không gian ảo, rồi sau đó sẽ bổ sung dần bằng những tư liệu thu thập thêm, nhất là tư liệu khảo cổ học, cho đến lúc nào có đủ căn cứ được giới khoa học và nhân dân chấp nhận, sẽ lập thiết kế để phục dựng trên thực tế. Một số chuyên gia Nhật sẵn sàng hỗ trợ cho chúng ta trong công việc này.

Ngay việc dựng đền thờ Lý Thái Tổ cũng nên xem xét lại, bởi cần suy nghĩ kỹ là có cần xây dựng một đền thờ mới ở Hà Nội không? Nếu xây thì phải chọn vị trí nào? Không thể xây trong thành Hà Nội vì như thế là... phạm luật. Còn nếu đưa ra xa trung tâm Hà Nội thì thay vì xây đền mới, hãy tập trung sửa sang nâng cấp đền Lý Bát Đế (Bắc Ninh, chỉ cách Hà Nội hơn 20 km). Còn rất khó để tìm ra một vị trí tốt cho đền Lý Thái Tổ ở trung tâm Hà Nội, bởi đền cần cảnh quan không gian thoáng đãng.

Cũng may là đề xuất phá tượng vua Lê Thái Tổ ở đền Vua Lê bên Hồ Gươm để đúc lại một tượng mới bằng đồng thật "hoành tráng" đã không đưa vào chương trình kỷ niệm. Bởi cái đẹp của Hà Nội không phải chỉ là sự hoành tráng, mà những cái đẹp tinh tế trong những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Có những công trình nhỏ nhưng hòa với mình không gian, với cảnh quan tự nhiên, với đất trời sông nước của Hà Nội thì lại rất đẹp.

Riêng với ý tưởng xây dựng tháp Nghìn năm Thăng Long. Tôi tán thành rằng trong dịp đại lễ, phải có một công trình mang dấu ấn của thời đại hôm nay tưởng niệm 1000 năm Thăng Long, biểu thị một cột mốc lịch sử trên diện mạo kiến trúc của Hà Nội hiện nay. Nhưng tại sao lại khẳng định Tháp 1000 năm? Tháp hiểu theo nghĩa phương Tây là tower chỉ một công trình cao, còn theo phương Đông là tháp trong chùa. Như thế rất trừu tượng, mơ hồ.

Nên có những hội thảo để các chuyên gia bàn tính kỹ xem nên chọn công trình như thế nào? Rồi nghiên cứu kỹ quy hoạch để xác định vị trí và địa điểm cụ thể với không gian cảnh quan được định vị rõ ràng. Có như thế các kiến trúc sư và các nhà điêu khắc mới có thể phát huy tính sáng tạo của mình để đưa ra phương án cùng thiết kế phù hợp.

Ý tưởng thì hay, người đề xuất ý tưởng có động cơ tốt đẹp, nhưng ta đang làm theo quy trình ngược. Phải thay đổi quy trình, còn cứ để tháp nghìn năm Thăng Long trừu tượng như hiện nay thì đồng hồ đếm ngược cứ trôi, cuối cùng vẫn là số 0 to tướng.

KHÁNH LINH - (Theo VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm