Luật “chồng” luật, vẫn hở!

Hiện nay, người sử dụng email thường bị tra tấn vì phải nhận hàng chục, hàng trăm thư rác (spam) mỗi ngày, mất thời gian nhận xóa, tốn kém cước Internet (nhất là người sử dụng đường truyền dial-up). Thậm chí, máy tính có thể bị trục trặc nếu thư rác đính kèm virus.

Hiện nay, có những phần mềm chuyên gửi thư rác. Với phần mềm này, một máy tính có thể gửi hàng ngàn email tới hàng ngàn địa chỉ trong cùng một lúc. Từ lâu nay, tại Việt Nam đã hình thành một thị trường mua bán địa chỉ email, phần mềm chuyển thư rác hoặc dịch vụ chuyển rác thuê.

Công khai quảng cáo

Những kẻ thu lợi trên sự phiền toái, tốn kém của người khác không hề lén lút mà công khai quảng cáo trên mạng. “Nhà kinh doanh rác” (spammer) Đình Hòa cho biết giá một phần mềm gửi thư rác hoàn chỉnh là 200 ngàn đồng, đã bao gồm 10 triệu địa chỉ email, vừa có chức năng tự động gửi thư đến các “nạn nhân”, vừa tìm kiếm thêm những địa chỉ email mới. “Để quảng cáo, cực rẻ và cực hiệu quả” - anh ta nói. Người mua có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Nếu chuyển khoản, “hàng” sẽ được gửi file đính kèm qua Yahoo Messenger hoặc gửi đĩa CD qua đường bưu điện. Chúng tôi lo ngại nếu lỡ chuyển tiền rồi không chuyển hàng thì sao. Hòa gạt đi: “Tôi có số điện thoại, có địa chỉ công ty, đã bán cho hàng trăm khách hàng, anh lo ngại gì!”.

Lần theo địa chỉ rao vặt trên mạng, chúng tôi gặp spammer Bá Nghiệp đang cung ứng dịch vụ chuyển rác với chi phí là 500 ngàn đồng, tính cả công cài đặt, hướng dẫn sử dụng. Nghiệp cam kết phần mềm sẽ hoạt động trong thời gian ba năm, sau đó anh ta sẽ cung cấp miễn phí một mật mã mới để người sử dụng có thể tiếp tục “bỏ bom thư rác” tới hộp thư người khác. Những spammer khẳng định trong số 10 triệu địa chỉ email, đã có khoảng 95% là địa chỉ vẫn đang hoạt động và khoảng 75% là của người Việt Nam.

Được hỏi việc mua bán địa chỉ email này có phạm luật hay không, Nghiệp tỉnh bơ: “Tôi không quan tâm đến “luật lá” gì cả. Làm dăm năm nay rồi, chẳng thấy ai nói gì!”.

“Mánh” lấy địa chỉ email

Nghiệp cho biết có rất nhiều cách để thu thập địa chỉ email như dùng chương trình tìm kiếm chuyên dụng để “thu hoạch” những ký hiệu liên quan đến chữ @, đến chữ “email” hoặc “mailto”... Một số trang web yêu cầu người sử dụng cung cấp các thông tin cá nhân khi truy cập, trong đó có địa chỉ email. Các spammer có thể mua hoặc lấy địa chỉ email từ những web này. Một phương thức khác là lấy địa chỉ từ các phòng chat (vì thông thường nick chat cũng là địa chỉ email), lấy từ các danh bạ trực tuyến, các biểu mẫu giấy đăng ký...

Ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng BKIS, cho rằng các spammer thường dùng virus để ăn cắp các email từ máy tính khác, rồi chuyển về tập hợp thành danh sách.

Một ngày chỉ được năm thư?

Hiện nay, dự thảo nghị định chống thư rác đã được soạn thảo, chỉnh sửa, dự kiến trình Chính phủ vào cuối năm 2007.

Ông Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, cho biết nếu không kiểm soát những luồng thông tin qua thư rác có thể sẽ dẫn đến nhiều hậu quả. Thông điệp “rác” khi được gửi trên diện rộng gây nghẽn mạng, gây lãng phí hạ tầng mạng, ảnh hưởng tới chính trị, xã hội, văn hóa, thuần phong mỹ tục...

Một thành viên ban soạn thảo cho biết trên thế giới có hai mô hình quản lý thư rác. Mô hình thứ nhất, người gửi chỉ được gửi email khi có sự đồng ý hoặc đăng ký của người nhận (còn được gọi là phương thức off-in). Mô hình thứ hai, mặc định chấp nhận thư quảng cáo nhưng phải có mục để người nhận từ chối nhận thư (còn gọi là phương thức off-out). Dự thảo nghị định của Việt Nam sẽ kết hợp nội dung của cả hai mô hình này.

Ông Đỗ Ngọc Duy Trác, Trưởng phòng nghiệp vụ của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), cho biết mô hình off-in sẽ được sử dụng cho các đối tượng quảng cáo không chuyên, còn mô hình off-out dùng cho các nhà quảng cáo chuyên nghiệp (quảng cáo thuê cho người khác). Trong một ngày, một nick chỉ được phép gửi không quá năm thư tới một địa chỉ email, trong thư phải có thông tin rõ ràng về nhà quảng cáo...

Các chữ cái đầu tiên của tiêu đề thư quảng cáo phải là QC (viết tắt của Quảng cáo) hoặc ADV (viết tắt của Advertise).

Việc thu thập địa chỉ email để gửi thư rác phải được sự cho phép của chủ địa chỉ. Dự thảo cũng nghiêm cấm các hành vi làm sai lệch tiêu đề thư, chuyển tiếp thư rác, mua bán, trao đổi, phát tán các phần mềm thu thập địa chỉ điện tử, gửi thư rác, phần mềm gửi thư rác; mua bán, trao đổi danh sách địa chỉ điện tử... Những người có hành vi như Nghiệp, Hòa nêu trên có thể bị phạt tiền đến 80 triệu đồng. Nếu hành vi có mục đích chống phá nhà nước, tiết lộ bí mật nhà nước hoặc lăng nhục người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt đến 100 triệu đồng.

“Giẫm chân” nghị định khác

Luật sư Vũ Văn Nam, Đoàn luật sư thành phố Hải Phòng, cho biết dự thảo chưa cụ thể hóa Luật Công nghệ thông tin. “Ngay đến khái niệm về thư rác “Thư rác là thư điện tử, tin nhắn được gửi đến người nhận mà người nhận đó không mong muốn hoặc không có trách nhiệm phải tiếp nhận theo quy định của pháp luật. Thư rác bao gồm thư điện tử rác và tin nhắn rác”, dự thảo “bê nguyên xi” từ luật vào” - luật sư Nam phát biểu.

Ông Phạm Tuân, Giám đốc Công ty Phong Cách Số, Hà Nội, cũng cho rằng khái niệm thư rác như vậy thì “quá chung chung và máy móc”. Ông Tuân nói: “Mục đích chính của thư rác là quảng cáo hoặc tuyên truyền, tại sao không bám vào đó để đưa ra khái niệm, để phân loại? Đặt ví dụ, tôi gửi email “tán” một cô gái nào tôi thích mà cô ta không biết tôi, tôi cũng có thể bị xử lý hay sao?”. Ông Tuân đề nghị: “Nên quy định cụ thể thế nào là “không mong muốn tiếp nhận” và “không có trách nhiệm phải tiếp nhận””.

Theo luật sư Nam, trong Điều 18 Nghị định 63/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin cũng đã có một số quy định xử phạt về hành vi gửi thông tin quảng cáo, phát tán địa chỉ... “Cả hai văn bản đều quy định về một hành vi. Nếu hành vi đó xảy ra, biết áp dụng văn bản nào để xử lý?”- ông Nam nói.

Theo số liệu từ một cuộc khảo sát của Bộ Thông tin-Truyền thông, hơn 1/3 số người được hỏi khẳng định mỗi ngày nhận được từ 20% đến 50% số thư rác mang nội dung tiếng Việt trên tổng số thư rác phải nhận mỗi ngày và 33%-45% cho rằng các công ty được quảng cáo thông qua thư rác là không có uy tín thương hiệu, tiềm lực hạn chế.

MAI MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm