Lưu Trọng Ninh là Tổng đạo diễn phim Lý Công Uẩn?

Sau một thời gian “mai danh ẩn tích” và gần như tránh tuyệt đối việc xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Như Lưu Trọng Ninh giải thích: anh mua nhà, lấy vợ và… trồng cải bắp tại Đà Lạt, và trong mấy tháng gần đây lại đóng cửa ngồi nhà viết kịch bản phân cảnh Lý Công Uẩn.

Sau thời gian “mai phục” khá kỳ công, chúng tôi đã bắt được “gã nông dân lãng tử” Lưu Trọng Ninh ngay trước thời điểm 1000 ngày tiến tới Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.

Đạo diễn chỉ có một!

Trong tình hình các vấn đề về “cụ Lý” đang nước sôi lửa bỏng thế này mà anh cứ phiêu bạt nơi nào. Có vẻ như anh không quan tâm đến “cụ” lắm?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh.

- Mấy tháng nay tôi ngồi viết kịch bản phân cảnh. Đâu phải tôi không quan tâm, tôi đã mất mấy năm trời viết kịch bản và theo sát “cụ” đó chứ. Nói thật, đã có lúc tôi cũng chán nản muốn bỏ rồi. Tôi sống trong Nam với gia đình, phải bay ra bay vào vì “cụ” bao nhiêu lần khá vất vả, tốn kém. Lần này do anh Tiến (Lê Đức Tiến, Giám đốc Hãng phim truyện VN – PV) gọi điện bảo tôi ra để chính thức bổ nhiệm tôi làm Tổng đạo diễn, tôi mới ra.

Tôi cũng chẳng muốn xuất hiện nhiều. Còn khi bắt tay chính chức vào việc tôi cũng sẽ phải cắt đứt mọi mối quan hệ để chuyên tâm làm việc. Hiện tại tôi vẫn chưa cầm quyết định trong tay nên chưa thể nói gì.

Vậy anh có thể phát biểu trên phương diện cá nhân, quan điểm riêng của anh về dự án với tư cách một trong những đạo diễn tham gia dự án?

- Không! Đạo diễn chỉ có một thôi, không thể có “những”. Có chăng chỉ đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cùng tham gia viết kịch bản dự thầu.

Và kịch bản của các anh (Lưu Trọng Ninh – Đỗ Minh Tuấn) đã được sử dụng làm chất liệu cho kịch bản chung. Anh nhận xét thế nào về kịch bản mới này?

- Kịch bản của Đỗ Minh Tuấn gần như không được sử dụng nhiều. Kịch bản chung có sườn chính từ bản thảo của hai đồng tác giả Lê Phương – Lê Đức Tiến.

Chứ không phải bản thảo của Đinh Thiên Phúc?

- Không! Tôi chẳng thấy chút hình bóng nào của bản thảo của Đinh Thiên Phúc trong đó.

Phức tạp quá! Cuối cùng thì kịch bản này sẽ được đề tên tác giả nào?

- Chắc sẽ được đề là nhóm tác giả.

Anh đánh giá kịch bản này như thế nào?

- Tốt! Theo đánh giá như của Hội đồng thẩm định. Còn tôi không có ý kiến gì vào thời điểm này. Mọi việc đã theo Hội đồng rồi, còn bàn thêm làm gì?

Khai thác văn hóa con người là quan trọng nhất

Nhưng (nếu) anh làm Tổng đạo diễn, anh phải có quan điểm riêng chứ?

- Tất nhiên! Tôi nghĩ tôi sẽ đi sâu khai thác văn hóa thông qua đời sống của các nhân vật. Nhu cầu của người xem, theo quan điểm của tôi, họ muốn biết những con người 1000 năm trước đây sống như thế nào? Họ làm gì, yêu đương, sinh hoạt ra sao? Các mối quan hệ của họ như thế nào?

Đó mới là những vấn đề nên đào sâu khai thác, còn những thành quách, ngựa xe… chỉ là hình thức. Nếu chúng ta chăm chú khai thác mảng này tôi e ta sẽ sa vào tình trạng “nhái” điện ảnh Trung Quốc. Tôi nghĩ bộ phim này gần giống như một công trình lịch sử, trong đó yếu tố văn hóa con người quan trọng hơn.

(Nếu) tôi là Tổng đạo diễn, và tôi có quyền trong tất cả mọi việc thì tôi sẽ khai thác theo hướng đó. Còn, tất nhiên, tôi không có quyền thì chịu.

Trong bảng phân công công việc của Giám đốc sản xuất Lê Đức Tiến, anh được giao nhiệm vụ tuyển chọn diễn viên. Hiện công việc này đã được triển khai đến đâu?

- Hiện tôi đang viết kịch bản phân cảnh, còn việc chọn diễn viên phải đến khi đạo diễn chính thức được bổ nhiệm đã.

Nhưng ít ra anh cũng phải tạm hình dung về vua Lý như thế nào chứ?

- Những vấn đề về hình thức không quan trọng. Vấn đề là phải thể hiện tư chất, khí thái con người ấy ra sao. Chúng ta đã có bài học rất lớn: Những người làm lịch sử hiện nay đang có một vấn đề khi chỉ tìm cách làm đẹp lên những nhân vật lịch sử, không bao giờ làm đúng hay làm xấu! Vấn đề ở chỗ: xấu làm đẹp thì không sao; nhưng đẹp thành xấu thì “chết” ngay. Các loại búa rìu sẽ rơi vào đầu.

Lý Công Uẩn là ai, ông ta như thế nào thì 1000 người sẽ có 1000 câu trả lời khác nhau. Vì sao? Lý Công Uẩn không phải là Tào Tháo trong Tam quốc diễn nghĩa, cũng không phải Khổng Minh hay Lưu Bị.

Chúng ta chưa có văn học sử. Chưa có tác phẩm văn học nào mô tả chính xác về các nhân vật lịch sử. Tất cả đều là truyền thuyết, không có bằng chứng lịch sử. Chính vì thế có những khoảng mở rất lớn về Lý Công Uẩn. Nó làm cho ta có điều kiện để tưởng tượng theo quan điểm chủ quan của mình.

Theo tôi, Lý Công Uẩn làm được hai việc rất lớn đáng để làm phim: 1, Ông có quyết định dời đô. Trước Lý Công Uẩn là thời kỳ phong kiến hoang dã. Lý Công Uẩn đã mở ra một trang mới về lịch sử, văn hóa, đời sống. Khi quyết định dời đô ông đã mang theo tư tưởng cấp tiến mà ngay trong xã hội hiện đại của ta ngày nay vẫn còn ảnh hưởng; 2, Trong Thời Lý, Phật Giáo rất phát triển. Lý Công Uẩn đã mang tư tưởng Phật Giáo vào nền tảng xã hội. Hai việc này là những điều lớn đáng khai thác về Lý Công Uẩn.

Hơn nữa điều rõ ràng “tư tưởng Lý Công Uẩn” là hòa hiếu, thịnh trị, đây luôn là vấn đề thời sự và phù hợp với mọi thời đại, cũng là điểm mạnh cho bộ phim.

Phải tìm được lối đi riêng

Anh từng phát biểu trên báo: “Lý Công Uẩn của tôi sẽ không giống ông Lý Công Uẩn đứng tại Bờ Hồ, Hà Nội”?

- Tôi chưa nói thế bao giờ, có thể báo chí đưa sai. Tôi không có bình luận gì về tượng Lý Thái Tổ tại Bờ Hồ. Tôi cho đó là bức tượng đẹp. Còn có thể có ai đó cho rằng bức tượng đó giống một ai ở Trung Quốc, cũng đúng thôi. Người Việt Nam và người Trung Quốc khá giống nhau.

Văn hóa con người là chìa khóa cho "chất Việt" trong Thái tổ Lý Công Uẩn?
Văn hóa con người là chìa khóa cho "chất Việt" trong Thái tổ Lý Công Uẩn?

Hơn nữa, thời Lý, Trần, Lê phục trang, văn hóa cơ bản ảnh hưởng Trung Quốc khá nhiều.

Điều này thuận lợi hay bất lợi cho việc làm phim?

- Thuận lợi hay bất lợi thì chưa biết nhưng chắc chắn làm khác đi là vấn đề rất lớn.

Phim lịch sử từ trước đến nay vẫn là đề tài bị tránh né nhiều nhất trong điện ảnh. Theo anh lý do lớn nhất là gì? Những lý do đấy có xảy ra với Lý Công Uẩn?

- Theo tôi cái khó nhất chính là tìm ra được một con đường riêng để làm phim. Hay đúng hơn, người đạo diễn phải tìm ra một cái “tinh” riêng cho phim của mình, làm sao khi xem người ra phải công nhận đó là phim Việt Nam, làm về văn hóa Việt Nam.

Nói gì thì nói, văn hóa Việt Nam vẫn khác văn hóa Trung Quốc. Hãy so sánh những cái chùa: chùa Việt có một màu nâu mềm mại, giản dị, khiêm nhường; còn chùa Trung Quốc luôn to đẹp, rực rỡ, hoành tráng và luôn vươn cao. Tôi nghĩ bộ phim về văn hóa Việt sẽ có tông màu nâu dung dị, đó chính là đường nét văn hóa.

Thứ hai là chất liệu. Người Việt sẽ ít mặc tơ lụa mịn, mà dùng các loại đũi, thô sần gai nhiều hơn. Tôi cũng quan tâm trang phục người dân mặc hơn trang phục vua chúa. Tôi nghĩ rằng trong phim mà không có dân thì không được, mà chính những người dân với những phục trang, lề thói của họ mới thể hiện văn hóa Việt nhiều nhất.

Nếu chiếc ghế Tổng đạo diễn được trao cho anh, anh có đủ bản lĩnh để đứng ngoài tất cả những bình luận để không “đẽo cày giữa đường” và thể hiện bộ phim hoàn toàn theo quan điểm riêng của anh mà anh cho là đúng?

- Rất tiếc, tôi không được làm như thế. Tôi phải thỏa mãn và làm theo những người bỏ tiền ra, không thể làm theo ý mình được. Tôi chỉ có thể cố gắng đưa ảnh hưởng của mình lồng vào ý tưởng của nhà đầu tư mà thôi.

Khi ông Trương Nghệ Mưu làm về Tần Thủy Hoàng, ông ta được toàn quyền quan niệm Kinh Kha là ai, Tần Thủy Hoàng là người thế nào. Trần Khải Ca cũng làm phim về thích khách, nhưng Tần Thủy Hoàng hay Kinh Kha trong phim của ông ta lại khác hẳn. Vấn đề hai ông đạo diễn kia có quyền sáng tạo theo ý muốn riêng của họ. Còn tôi, tôi làm phim kỷ niệm theo đơn đặt hàng, tôi không thể làm như vậy được.

Tiền không quan trọng?

Nếu Hà Nội cho anh cái quyền đó?

- Chúng ta có hai mệnh đề: vua Lý và thành Thăng Long. Vấn đề là nhà đầu tư muốn chọn mệnh đề nào. Xây dựng hình tượng vua Lý là ai, có ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước và đời sống văn hóa, kinh tế, chính trị của đất nước như thế nào; hay nhấn mạnh thành Thăng Long được xây dựng, hưng thịnh và tồn tại suốt 1000 năm qua như thế nào.

Quan điểm của tôi nghiêng về mệnh đề thứ nhất: vua Lý. Bởi lẽ, thành Thăng Long không phải Vạn Lý Trường Thành, không phải kim tự tháp Ai Cập, nghĩa là nó không phải là một di sản còn tồn tại. Bản thân thành Thăng Long đã không còn trong tâm trí người Việt. Vấn đề họ quan tâm hiện nay là những con người thời đó sống ra sao.

Kịch bản hiện nay có đi theo hướng đó?

- Tôi không được phép nói ra.

Vậy anh có thể nói về tinh thần chính của kịch bản?

- Một số chuyên gia như giáo sư Lê Văn Lan, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Phạm Quang Long có nói với tôi: không nhất thiết cứ phải quá phụ thuộc lịch sử, làm phim phải “bay lên”, hư cấu lên, không ai bắt chúng ta phải lệ thuộc lịch sử. Đấy là ta tự lấy dây trói chân mình đấy thôi.

Tốt quá! Được bật đèn xanh rồi, anh cứ thoải mái “bay” thôi?

Đâu có đơn giản vậy, còn nhiều mối quan hệ lệ thuộc nữa, đâu phải tự mình quyết định được. Làm đạo diễn khổ nhất chỗ đó: khi làm thì chịu ảnh hưởng rất nhiều áp lực và dư luận, nhưng khi chịu trách nhiệm tất cả chỉ đổ lên đầu đạo diễn. Cũng giống như một ông giám đốc: trách nhiệm thì chịu cả, nhưng lại không được quyền quyết định một mình.

Cái khổ thứ hai là dân mình đã được xem quá nhiều phim hay của Trung Quốc và Mỹ. Phim chúng tôi làm ra phải cố gắng ít nhất cũng phải gần được bằng những phim đó, trong khi theo được công nghệ của họ chúng ta không đủ tiền.

Ta phải tìm được cách riêng. Đó là điều thiết yếu, theo tôi, tiền không phải điều quan trọng.

Tiền không quan trọng? Câu này nghe rất lạ tai, đặc biệt từ một nhà làm phim Việt Nam?

- Đương nhiên để làm phim này chúng tôi cần số tiền nhiều hơn những phim khác. Nhưng điều cơ bản, như tôi đã nói, là phải tìm được lối đi riêng. Tiền chỉ thỏa mãn được những vấn đề về công nghệ. Còn thủ pháp, thông điệp và hình tượng nghệ thuật phụ thuộc vào tài năng của đạo diễn.

Mỗi đạo diễn có quan niệm, góc nhìn, cách khai thác về các nhân vật lịch sử, thời đại lịch sử khác nhau, và họ cho ra đời những bộ phim khác nhau, đó mới là nghệ thuật. Cũng như tôi quan niệm cái tên Thăng Long hay hơn Hà Nội, hay Đại Việt hay hơn Việt Nam. Nhưng quan niệm của mình là một chuyện, còn đưa được vào phim hay không lại là chuyện khác…

Nói chung, còn rất nhiều vấn đề, còn phải bàn cãi nhiều!

Xin cảm ơn anh!

HOÀNG HƯỜNG - (Theo VietNamNet)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm