Ngọc Sơn là Giáo sư, ở đâu ra?

Ca sĩ Ngọc Sơn vừa được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam (VN) trao tặng bằng khen vì có những hoạt động xuất sắc trong sự nghiệp bảo tồn, phát triển di sản văn hóa VN. Điều đáng chú ý là trong bằng khen này, tên anh được gắn với danh hiệu Giáo sư (GS) âm nhạc! 

Bằng khen được trao cho Ngọc Sơn. Ảnh: internet 

Hẹn làm việc rồi mất tăm

Trong thông tin gửi báo chí, đại diện ca sĩ Ngọc Sơn cho biết: “Nam ca sĩ vui mừng khi được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu VN tặng bằng khen vì có những hoạt động xuất sắc trong sự nghiệp bảo tồn, phát triển di sản văn hóa VN. Bằng khen này phong tặng cho anh danh hiệu “GS âm nhạc”. Ngọc Sơn đã không giấu được niềm vui khi được nhà nước ghi nhận với danh hiệu này. Có thể xem Ngọc Sơn là nam ca sĩ Việt duy nhất hiện nay được ghi nhận danh hiệu GS. Với anh, danh hiệu này không chỉ là nguồn động viên mà còn là động lực để anh tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho âm nhạc và tiếp tục chia sẻ, dìu dắt các thế hệ ca sĩ đàn em tiếp tục cố gắng theo đuổi hết mình với nghề nghiệp...”.

Để làm rõ thông tin này, ngày 21-8, một số cơ quan báo chí đã đến trụ sở của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu VN để gặp Tiến sĩ Lê Ngọc Dũng- Chủ tịch Hội theo lời hẹn.

Tuy nhiên ông Dũng không có mặt tại cơ quan, liên hệ vào số điện thoại của ông, điện thoại đổ chuông nhưng không có người nhấc máy. Một điểm đáng chú ý, trong bằng khen ở phần thể hiện cơ quan được ghi là Hội Nghệ nhân và Thương hiệu VN, nhưng người ký là ông Dũng lại thể hiện chức danh là Ủy viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ngọc Sơn quỳ tăng mẹ tấm bằng khen trong đêm nhạc mừng thọ. Ảnh: Internet

Bộ VH-TT&DL không thể quản

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL ông Phạm Xuân Phúc cho biết, Bộ VH-TT&DL không quản lý việc trao tặng các bằng khen này. Tuy nhiên ông Phúc cũng cho hay, theo điều lệ, các hội được cấp bằng khen.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên cũng đã ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị chỉ đạo dừng việc chứng nhận tôn vinh nghệ nhân, công nhận VN thiêng liêng cổ tự, chứng nhận cây di sản…

Công văn của Bộ VH-TT&DL nêu rõ: theo Luật di sản văn hóa thì thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích thuộc Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Luật thi đua khen thưởng quy định việc phong tặng danh hiệu nhà nước thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước.

Vì vậy việc Liên hiệp Các hội UNESCO VN và Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN, Hội Sinh vật cảnh VN tổ chức vinh danh và cấp bằng công nhận, bằng chứng nhận là trái với thẩm quyền của các tổ chức hội.

Các tổ chức hội không có chức năng, nhiệm vụ cấp bằng công nhận cây di sản, cấp bằng cho các hệ thống đền đạt chuẩn hóa đền thờ tam, tứ phủ theo nghi lễ văn hóa truyền thống VN. Các hội cũng không được cấp bằng chứng nhận nghệ nhân văn hóa dân gian, bằng chứng nhận tôn vinh nghệ nhân…

Nói thêm về vấn đề trên, ông Phúc cho hay văn bản của Bộ chỉ đề cập đến các hoạt động phong tặng, công nhận thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, còn đối với trường hợp Ngọc Sơn liên quan đến chức danh Giáo sư, Bộ không quản lý.

Giáo sư không thể tự phong

Cùng ngày, chúng tôi đã liên hệ với GS. TSKH. Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh GS nhà nước nhiệm kỳ 2014-2019.

Từ chối bình luận trực tiếp vấn đề liên quan đến chức danh của ca sĩ Ngọc Sơn, do chưa tiếp cận được hồ sơ, tuy nhiên khi được hỏi về quy trình để được công nhận chức danh này, ông Nhung nói: “Đương sự có nguyện vọng công nhận chức danh GS ở VN thì phải làm đơn, gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội đồng chức danh GS nhà nước, trong quyết định 174 cũng nói những người được các trường Đại học có uy tín ở nước ngoài phong là GS có nguyện vọng đặc cách công nhận là GS của Việt Nam thì phải có hồ sơ, sơ yếu lý lịch có nguyện vọng gửi về hội đồng, hội đồng sẽ gửi cho hội đồng chuyên ngành về văn hóa và âm nhạc, xem xét và góp ý và sau đó sẽ quyết định”.

Theo quyết định 174 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS, thì một trong những tiêu chuẩn để được công nhận chức danh GS, PGS là:

Có bằng tiến sĩ từ đủ 36 tháng trở lên kể từ ngày có quyết định cấp bằng tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ và có chuyên ngành được đào tạo phù hợp với ngành chuyên môn của chức danh giáo sư, phó giáo sư đăng ký xét đạt tiêu chuẩn.

Nếu đã có bằng tiến sĩ nhưng chưa đủ 36 tháng tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ thì phải có số công trình khoa học quy đổi gấp hai lần tiêu chuẩn quy định tại khoản 4 Điều 8 của Quy định này, bao gồm cả các bài báo khoa học và các công trình thực hiện trong ba năm cuối.

Có đủ số công trình khoa học quy đổi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có ít nhất 50% số công trình khoa học quy đổi từ các bài báo khoa học và 25% số công trình khoa học quy đổi được thực hiện trong ba năm cuối tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ.

-------------------------

Phát biểu trên báo Thanh Niên, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ VH-TT cho biết, hiện không có chức danh GS âm nhạc, mà chỉ có GS chuyên ngành lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc hoặc GS chuyên ngành âm nhạc học. Thêm vào đó, nhà nước có một hội đồng học hàm do Bộ GD-ĐT là cơ quan thường trực. Hằng năm, hội đồng sẽ họp, xem xét phong GS. Không có bất cứ tổ chức, cá nhân nào được thay thế hội đồng này làm việc đó.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm