Người vẽ chân dung tội phạm

Đại tá Phạm Ngọc Hiền gắn kỷ niệm chương cho họa sĩ Võ Tấn Thành.
Đại tá Phạm Ngọc Hiền gắn kỷ niệm chương cho họa sĩ Võ Tấn Thành.

Vào năm 1999, dọc tuyến Quốc lộ 51 thuộc địa bàn huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai và huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu liên tiếp xảy ra các vụ án: đêm khuya đối tượng đột nhập vào nhà, quán, dùng dao khống chế cưỡng hiếp nạn nhân và cướp tài sản của họ rồi tẩu thoát, thậm chí ngay lúc công an tiến hành điều tra thì các vụ án tương tự vẫn tiếp tục xảy ra như một sự thách thức.

Đối tượng có chung đặc điểm là khoảng 30 đến 40 tuổi; cao từ 1,6 đến 1,7 mét, tóc dài chấm vai, mặt xương xương, da ngăm đen, người nặng mùi hôi khó chịu và hút thuốc lá liên tục...

Theo yêu cầu của Ban chuyên án Công an tỉnh Đồng Nai, họa sĩ Võ Tấn Thành căn cứ vào những mô tả của nạn nhân và nhân chứng, xác lập chân dung đối tượng, được họ xác nhận là rất giống nhân dạng của đối tượng đã gây ra các vụ án ở dọc Quốc lộ 51.

Một thời gian sau, Công an huyện Tân Thành phát hiện đối tượng có nhân dạng rất giống với nhân dạng đã được vẽ. Đó là Phó Văn Chính, SN 1963, ngụ đường Nguyễn Văn Nghi, phường 7, quận Gò Vấp, có một tiền án 3 năm tù về tội trộm cắp tài sản và một số tiền sự. 4 giờ sáng 30-9-1999, tổ công tác phối hợp trên Quốc lộ 51 địa bàn huyện Long Thành tóm được Phó Văn Chính cùng chiếc xe đạp y vừa chôm được của một gia đình ở xã Tam Phước.

Y có khuôn mặt khá giống với chân dung đối tượng mà họa sĩ Võ Tấn Thành vẽ theo mô tả của nạn nhân, nhân chứng. Kết thúc điều tra, cơ quan điều tra xác định từ tháng 2-1997 đến khi bị bắt Phó Văn Chính đã thực hiện 58 vụ án, trong đó có 9 vụ vừa hiếp dâm vừa cướp của.

Chân dung thật của Phó Văn Chính và chân dung đối tượng (ảnh nhỏ) do họa sĩ Võ Tấn Thành vẽ theo mô tả của nạn nhân.
Chân dung thật của Phó Văn Chính và chân dung đối tượng (ảnh nhỏ) do họa sĩ Võ Tấn Thành vẽ theo mô tả của nạn nhân.

Năm 2001, trên địa bàn các tỉnh ở khu vực miền Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương đã xảy ra một loạt vụ cướp có vũ khí, phần lớn đều nhằm vào các xe tải chạy trên các tuyến đường vắng vào ban đêm, trước khi trời sáng... thậm chí đối tượng còn nổ súng bắn về phía các trinh sát hình sự.

Cùng với các biện pháp nghiệp vụ khác, ban chuyên án cũng đã nhờ họa sĩ Võ Tấn Thành phác thảo chân dung đối tượng theo mô tả của các nạn nhân. Ảnh vẽ xong được một số bị hại, nhân chứng nhận dạng, xác định giống đối tượng gây án tới 80% và giống hệt chân dung kẻ bị nghi cầm đầu băng cướp là Nguyễn Chí Dũng SN 1966, nguyên quán Hà Tĩnh, đăng ký hộ khẩu tại huyện Bình Long tỉnh Bình Phước, có cả một “đống” tiền án, tiền sự, được giới giang hồ đặt cho biệt hiệu là “Dũng chim xanh”.

Phá án, cơ quan điều tra kết luận từ năm 1997 đến 11-2001, Dũng “chim xanh” cùng đồng bọn thực hiện 55 vụ án, trong đó có 26 vụ cướp, 4 vụ cướp giật, 23 vụ trộm, 1 vụ hiếp dâm trẻ em và 1 vụ giết người, chiếm đoạt trên 230 triệu đồng, 40,5 chỉ vàng 24K, 25 xe máy các loại và 188 bộ hồ sơ đăng ký xe môtô.

Phát huy hiệu quả trên, sau đó họa sĩ Võ Tấn Thành đã tiếp tục được yêu cầu vẽ hàng chục chân dung đối tượng khác qua mô tả của nạn nhân, nhân chứng, trở thành cộng tác viên của lực lượng cảnh sát. Họa sĩ Võ Tấn Thành cho biết, ngoài chân dung đối tượng, ông cũng đã thực hiện hàng trăm chân dung liệt sĩ theo yêu cầu và mô tả của thân nhân họ.

Bên cạnh việc vẽ theo phương pháp cổ điển, vừa qua ông còn mày mò nghiên cứu, cho “ra lò” phần mềm căn bản về dữ liệu kỹ thuật nhận dạng người để xử lý trên máy tính, không chỉ giúp cho công tác điều tra tội phạm mà cả việc thể hiện chân dung các liệt sĩ... Ngoài ra, ông họa sĩ ngót nghét “lục tuần” này còn có các “tài lẻ” như vẽ hình ngược trên gương và vẽ được cả tranh trong vỏ chai vốn không thể thò tay vào...

Cùng với Kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc của Bộ Công an tặng, mới đây họa sĩ Võ Tấn Thành cũng đã được Tổng liên đoàn Lao động tặng bằng Lao động sáng tạo.

BÙI THU HIỀN - (Theo CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm