Đồng nghiệp cùng thời của Nguyễn Tiến Dũng đến buổi tưởng nhớ.
Yêu nước, chính trực, không lùi bước trước bất cứ thế lực nào để chống tiêu cực, để bảo vệ sự thật; luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên; luôn đứng về phía người lao động nghèo, người yếu thế trong xã hội; đấu tranh không mệt mỏi cho nữ quyền; tài hoa, lãng mạng… là những gì các đồng nghiệp, những người làm việc với Lý Tiến Dũng đã nói về ông.
Đó là ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bà Lê Thị Thu (Út Hường) - nguyên Chủ tịch Hội Phụ Nữ TP.HCM, bà Nguyễn Thế Thanh – nguyên Tổng biên tập báo Phụ Nữ, bà Vũ Kim Hạnh - nguyên Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, các nhà báo Nguyễn Hồ, Bạch Mai, Mai Bá Kiếm…
Nhà báo Vũ Kim Hạnh chia sẻ về Lý Tiến Dũng.
Do đâu mà các đồng nghiệp, thân hữu đáng kính lại nói về Lý Tiến Dũng như thế? Bởi trong cuộc đời làm báo của mình, từ vai trò một phóng viên báo Phụ Nữ cho đến vai trò tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết ông đều có những bài viết chống tiêu cực, dự báo xã hội đáng giá, tạo độ rung xã hội như: Ốc bươu vàng xào chuối Panviet, Dải yếm đào quấn chân quan chức, Sự tích trầu cau, Bóng tối trên biển sáng, Licksin - những lâu đài trên cát, Nỗi ám ánh trên đồng ruộng, Người nghèo trước sự tăng trưởng kinh tế, Giáo dục đào tạo - cơ may nào cho con nhà nghèo, Tư duy lại tương lai, Hai tuyến nhân vật quanh bàn cờ tham nhũng, “Kênh thông tin” của băng nhóm xã hội đen…
Ông Trần Quốc Thuận nói rằng Lý Tiến Dũng là một trong những nhà báo đầu tiên cảnh báo rất sớm về vấn nạn lợi ích nhóm. Nhà báo Vũ Kim Hạnh cũng cho rằng những bài báo của nhà báo Lý Tiến Dũng còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.
Đồng nghiệp thế hệ sau của Lý Tiến Dũng đến tưởng nhớ ông.
Trong cuộc đời mình, Lý Tiến Dũng còn được nhớ đến bởi sự khẳng khái suốt cuộc đời ông. Ông tình nguyện đi bộ đội, ra chiến trường. Thời trẻ ông bỏ thi môn Lịch sử Đảng để phản đối câu hỏi, chỉ ra một sai lầm của bài giảng. Ông phản đối việc sáng tác bài hát cách mạng theo hướng khô khan, mà cổ vũ sáng tác nhạc cách mạng theo hướng trữ tình, lãng mạn. Ở vị trí tổng biên tập, ông ký văn bản phản đối một phó Ban Tuyên giáo Trung ương về cách quản lý báo chí máy móc…
Về tiểu sử, Lý Tiến Dũng cũng được yêu mến bởi có một gia đình đáng kính trọng và một quá trình phấn đấu đáng khâm phục. Ông sinh năm 1959, là con trai của giáo sư nổi tiếng Lý Chánh Trung, cũng là một nhà báo nổi tiếng trước 1975. Ông tốt nghiệp tú tài Trường Petrus Ký, rồi tốt nghiệp Học viện Chính trị quân đội. Ông từng làm trưởng ban tuyên huấn của Trường sĩ quan Vinhem Pich sau những năm chiến đấu ở chiến trường K. Sau đó, ông được phong đại úy Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông xin ra khỏi quân đội, trở thành phóng viên chính trị - xã hội báo Phụ Nữ TP.HCM, rồi lên trưởng ban Chính trị - xã hội. Tiếp đến ông được bổ nhiệm vào vai trò tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông mất năm 2016 ở tuổi 59 do bị bệnh ung thư.
Một quyển sách về nhà báo Lý Tiến Dũng với tựa đề Lý Tiến Dũng - hành trình một cuộc đời tập hợp những bài báo của ông, cũng như những bài gia đình, thân hữu, đồng nghiệp viết về ông sẽ được cho ra mắt vào thời gian tới.