Thời gian không trở lại

Mặc dù là tác phẩm kỷ niệm 35 năm cầm bút, song tác giả chỉ đóng vai trò phụ, đánh giá về năng lực, cách sống, tư duy sáng tác lại do những người khác thể hiện. Tôi đã từng biên tập hàng trăm đầu sách nhưng chưa thấy tác phẩm nào độc đáo, lạ lẫm như Thời gian không trở lại.

Từ quyển sách khá dày dặn này (400 trang), ta biết được mối quan hệ xã hội rộng lớn của tác giả và những tình cảm của nhiều giới dành cho một cây bút mà họ yêu mến. Tác phẩm quy tụ hàng loạt tên tuổi trên văn đàn từ Nam chí Bắc như: Sơn Nam, Vũ Hạnh, Kiên Giang, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Lê Văn Thảo, Mai Văn Tạo, Ngôn Vĩnh, Nguyễn Trọng Tân, Từ Kế Tường, Lê Thành Chơn, Đoàn Minh Tuấn, Đào Hiếu, Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương, Trần Mạnh Hảo, Chim Trắng, Lưu Trọng Văn, Võ Phi Hùng... cùng với sự góp mặt của nhiều nhân sĩ, trí thức như Tiến sĩ Trần Thế Ngọc, Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Bảo Lâm, Phó giáo sư - Tiến sĩ Phan Xuân Biên, Tiến sĩ Hà Thiên Sơn, Tiến sĩ Trần Ngọc Châu, Tiến sĩ Đỗ Quang Huân, Luật sư Trần Văn Tạo, Phạm Phú Ngọc Trai... và rất đông những tên tuổi của công chúng như nhạc sĩ Phú Quang, nhạc sĩ Trần Long Ẩn, họa sĩ Hứa Thanh Bình, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, Trần Cảnh Đôn, nhạc sĩ Vũ Hoàng, đạo diễn Nguyễn Ngọc Thủy, ca sĩ Elvis Phương, Đàm Vĩnh Hưng, Nguyên Vũ, Ánh Tuyết, diễn viên Lý Hùng, Bảo Quốc... đặc biệt còn có sự tham gia của tổng, phó tổng biên tập và những ngòi bút xuất sắc của các tờ báo: Nguyễn Công Khế, Lý Tiến Dũng, Lưu Bá Tòng, Nguyễn Thị Kim Khánh, Lê Văn Nghĩa, Phạm Thục, Phùng Thiên Tân, Cát Vũ, Tô Hoàng...

Thời gian không trở lại ảnh 1

Tập sách còn tái hiện những chân dung, tên tuổi một thời trong ký ức của hàng triệu người như nhà thơ Hoàng Cầm, Bùi Giáng, họa sĩ Chóe, nhà báo Chánh Trinh, Huỳnh Bá Thành và có cả Trịnh Công Sơn.

Trong 35 năm cầm bút, Trần Tử Văn đã đóng góp cho văn đàn hơn 30 tác phẩm, chỉ riêng ngần ấy thôi cũng đã cho thấy lòng yêu nghề, sự phấn đấu miệt mài và cả tinh thần trách nhiệm của một nhà văn, nhà báo. Nhà văn Sơn Nam nhận xét: “Trần Tử Văn là một con người của thời đại theo đúng nghĩa của nó: năng nổ, không chịu ở không để khen chê người này, người nọ, anh hành động nhiều hơn nói, nói hơi ít, làm hơi nhiều so với lứa tuổi của mình. Đó là bí quyết thành công của anh”. Nhà văn Vũ Hạnh thì đánh giá: “Bên cạnh sự giản dị trong phong cách sinh hoạt, văn phong của anh còn cho thấy một sự điềm đạm, một nét trong sáng của tính ôn hòa. Và đó có lẽ là những đặc điểm của văn chương hiện đại”. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan nhấn mạnh hơn: “Trần Tử Văn đã làm được nhiều việc cho nghệ thuật và cho cuộc sống. Tuy nhiên, lúc nào cũng thấy anh giản dị và ung dung thơi thới, tưởng như trên đời này không có gì quá quan trọng”. Nhà văn Đào Hiếu nói thẳng thắn: “Trần Tử Văn có một bút pháp không giống ai và cũng không ai bắt chước được. Anh nắm tay lôi nhân vật từ cuộc sống vào trong tác phẩm của mình...”. Nhà văn Ngôn Vĩnh bình luận: “Văn là một cây bút có nhân cách đẹp trong cuộc sống cũng như trên trang viết. Chính nhân cách đó đã tạo sự yêu mến trong nhiều người đối với tên tuổi của anh”...

Với những nhận xét chuẩn mực và quá đỗi chân thành của bạn bè, đồng nghiệp dành cho mình, có lẽ đó cũng là của cải quý giá mà Trần Tử Văn đã tích lũy được trong suốt 35 năm cầm bút của anh.

Riêng Văn thì lại nói về quãng đời đã qua bằng một ý nho nhỏ nhưng lại khá ấn tượng: “Cuộc sống con người ngắn ngủi và quý giá lắm, đừng phung phí thời gian, hãy dùng nó vào những việc giúp ích cho đời”. Đó cũng là ý nghĩa thôi thúc tác giả thực hiện tác phẩm này.

Sách do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.

Theo PHẠM SỸ SÁU (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm