Phim Việt giờ vàng: càng xem càng sạn

Lời thoại ngớ ngẩn, tình tiết “ngây thơ”

Bộ phim Chạy án phần 2 đã kết thúc. Tuy dư luận đánh giá khá cao nhưng đây không phải là bộ phim không có sạn, thậm chí là nhiều sạn. Sự “ngây thơ” của đạo diễn khiến cho nhiều tình tiết phim mắc phải các lỗi ngớ ngẩn, trẻ con, bộc lộ sự bất cẩn trong chuẩn bị lời thoại và các tiểu tiết trong phim, coi thường khán giả.

Khán giả còn nhớ cảnh bà Dung- mẹ của Cao Thanh Lâm và cô người yêu – Hoa hậu Minh Phương đi chạy chọt để xin cho Lâm thoát cảnh tù tội. Bà này cầm một cái túi vào một cơ quan nhà nước. Hai nhân viên bảo vệ thấy vậy nói: “Chắc lại vào chạy án đây“…. Nhưng sượng nhất là ngay cảnh sau đó, bà Dung cầm túi quà về và hai anh chàng nay lại nói một câu như trẻ con: “sếp không nhận quà”!. Rồi ngay sau đó, ông Thứ trưởng Cẩm- chồng bà Dung- về thăm bố đẻ lại cầm ngay một cái túi giống hệt cái túi mà bà Dung vừa cầm đi biếu lúc trước (?). Chẳng lẽ tình tiết này là do có sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Sự dễ dãi của các nhà làm phim khiến các phim đang mắc phải những lỗi ngớ ngẩn, coi thường khán giả.
Sự dễ dãi của các nhà làm phim khiến các phim đang mắc phải những lỗi ngớ ngẩn, coi thường khán giả.

Chưa hết, bộ phim Chạy án còn có chi tiết mà những khán giả khó tính không thể chấp nhận, đó là cảnh phim khi cô hoa hậu Minh Phương thuê thám tử theo dõi Cao Thanh Lâm, xem anh ta có “bồ bịch” và tái nghiện không. Không hiểu những thám tử nghiệp dư này có chút nghiệp vụ gì không, nhưng những hành động “tác nghiệp” một cách lộ liễu, lố bịch khi theo dõi Thanh Lâm khiến người xem cảm thấy giống như “một trò hề”.

Hai thám tử này đóng vai xe ôm theo dõi công khai trước cửa nhà Lâm- một biệt thự trong ngõ, thường không có nhiều người qua lại. Hễ Lâm ngoài là hai anh chàng này nổ xe chạy theo sát nút ngay. Đáng buồn cười là hai chàng thám tử đó hành động lộ liễu như vậy, thế mà nạn nhân (Cao Thanh Lâm) không hề hay biết gì (?)…. Nếu ý đồ của đạo diễn là xây dựng hai nhân vật thám tử là “rởm” thì cũng vô lý, vì một người đẹp từng nổi tiếng giang hồ, lại chi tiền mạnh tay như Minh Phương thì không thể thuê thám tử “rởm” như vậy được.

Chưa kể đến hàng chục lỗi khác của bộ phim. Cậu công tử ăn chơi bạt mạng như Cao Thanh Lâm lại là một chuyên gia “quá siêu” về tin học; ông đại gia bị bệnh tiểu đường nhưng bữa ăn của ông ta bày toàn những món nhiều đường mà bác sĩ khuyến cáo người bị bệnh này kiêng ăn như: bánh mỳ, dưa hấu…

Nhưng dù sao thì bộ phim Chạy án phần 2 cũng đã kết thúc. Điều đáng buồn là sau một bộ phim ít sạn thì VTV lại chiếu một bộ phim nhiều sạn hơn. Gió từ phố Hiến là một ví dụ.

Với lời thoại ngô nghê, có lẽ đạo diễn đang cố “nhào nặn” ra vài nhân vật quê mùa, điển hình như hai đứa cháu của bà vợ ông chủ tịch Hường sinh sống bằng nghề thu mua phế liệu. Cách nói “quê mùa”, ngọng nghịu của diễn viên thể hiện không tự nhiên, tạo cảm giác “gượng ép” cho khán giả. Hơn nữa, ai cũng biết rằng không nhất thiết cứ là nông dân thì mới nói năng kiểu đó và ngược lại, không thể cứ nói năng như vậy thì sẽ trở thành nông dân. Mà kiểu nói vấp, nói nhanh, ngọng nghịu ấy không phải là lần đầu xuất hiện trong các phim Việt, trước đây kiểu nói ấy lúc thì gắn cho những anh chàng thanh niên lông bông, lúc là anh chàng trí thức hơi “lập dị”.

Buồn cười nhất là lời thoại của bộ phim này.

Ông Chủ tịch huyện Hường và một lãnh đạo tỉnh đang đi ô tô trên đê, tự nhiên “cảm hứng” cùng nhau xuống xe, đứng ở bờ đê, “ôn cố tri tân” một hồi rồi lại lên ô tô đi về. Cảnh phim dài lê thê mà chỉ toàn lời thoại.

Cảnh bà giám đốc một công ty may nói chuyện với ông Chủ tịch huyện càng ngô nghê hơn: Ông Chủ tịch huyện bắt tay và nói: “Chúc mừng một năm ngày chị về làm giám đốc công ty”!

Bà Giám đốc: “Ôi, anh không nhắc thì em quên béng đi mất”! (người xem không khỏi băn khoăn vì sao một giám đốc nói chuyện với lãnh đạo huyện lại dùng từ ngữ thân mật kiểu như “quên béng”?)

Khi vào phòng họp, khi ông Chủ tịch huyện đánh giá cao những thành tựu mà bà Giám đốc làm được cho công ty thì bà này lại thản nhiên “khoe” là mình đã “viết nhật ký từng ngày về việc làm ở công ty, trăn trở làm sao để đưa công ty phát triển”. Bà giám đốc này chắc mắc “bệnh đãng trí” trầm trọng vì nếu đã viết nhật ký hàng ngày thì không thể không nhớ cái ngày mình về làm giám đốc cách đây một năm!

Đúng là các nhà biên kịch, đạo diễn đã quá dễ dãi khi xây dựng cảnh phim thiếu logic và thiếu ăn nhập như vậy!

Có thể nói đó là những chi tiết nhỏ nhặt nhưng nếu làm phim cẩu thả và lặp lại ở nhiều phim thì sẽ là không thể chấp nhận. Nó gây một hiệu ứng dây truyền cho độc giả, cảm giác phim trước sạn, phim sau còn sạn hơn thì liệu khán giả có tiếp tục đón xem phim Việt giờ Vàng?

Cách diễn cường điệu, lời thoại dài dòng làm cho chất lượng phim không cao (ảnh cung cấp).
Cách diễn cường điệu, lời thoại dài dòng làm cho chất lượng phim không cao (ảnh cung cấp).

Một bộ phim nữa đang làm nhàm giờ vàng phim Việt là “Những người độc thân vui vẻ”. Phải khẳng định là kịch bản phim của Trung Quốc là khá hay, những tình huống gây cười nhẹ nhàng, thú vị. Nhưng lối cường điệu quá trong cách diễn của các diễn viên hài, những lời thoại dài dòng của bộ phim này làm cho chất lượng phim không cao.

“Sạn quảng cáo”!

Ở đây, chúng tôi không bàn đến tình trạng “loạn” quảng cáo trong khi phát sóng phim gây phản cảm đến khán giả. Vấn đề này thuộc về trách nhiệm của các nhà đài! Còn quảng cáo trong phim một cách quá thô thiển là lỗi của các nhà làm phim.

Việc lồng những hình ảnh của các nhà tài trợ vào các cảnh quay trong phim đã bị lạm dụng đến khó chịu. Các công ty tài trợ cho bộ phim được đăng quảng cáo là điều đương nhiên nhưng hình ảnh của nhà tài trợ đó có thể xuất hiện trước hoặc sau bộ phim, như các nước vẫn làm. Ví dụ gần đây nhất là bộ phim Thiên hạ- một bộ phim dã sử của Trung Quốc, do một hãng mỹ phẩm tài trợ, nhưng hình ảnh về hãng mỹ phẩm đó chỉ xuất hiện sau mỗi tập phim, khi màn hình hiện lên những dòng chữ giới thiệu về ê-kíp làm phim.

Ở nước ta, không biết có phải các nhà làm phim dễ dãi quá hay không khi cho hình ảnh của nhà tài trợ hiện lên ở bất kỳ cảnh quay nào có thể. Bộ phim Chạy án phần 2 đã bị dư luận lên án khi các đại gia toàn ăn thực phẩm hộp Hạ Long, ngủ toàn chăn ga của Sky.

Phim trước sạn, phim sau cũng sạn, chất lượng phim giờ Vàng có thực sự “Vàng”? (ảnh: docbao.com)
Phim trước sạn, phim sau cũng sạn, chất lượng phim giờ Vàng có thực sự “Vàng”? (ảnh: docbao.com)

Phản cảm nhất là bộ phim “Những cánh hoa bay“. Tuy không chiếu giờ Vàng nhưng bộ phim đã quá “lộ liễu” trong cách quảng cáo. Chỉ cần xem một tập của bộ phim này trên Văn nghệ chủ nhật, khán giả biết ngay nhà tài trợ của phim là ai. Cô diễn viên chính đi tắm, máy quay zoom vào cái vòi hoa sen và chữ Toto trên tường. Khi diễn viên chính đi xe buýt thì nhà chờ xe cũng ngập hình ảnh của Toto, máy cũng quay cận cảnh. Chưa hết, cô diễn viên này còn đi làm thêm ở một cửa hàng bán thời trang NEM và mua tặng cho bà chị ở cùng nhà một bộ váy. Bà chị diện bộ váy này và khen: “Váy của NEM đẹp thật đấy, chị đang bàn với bố chị sẽ mua thời trang Nem về làm đồng phục cho nhân viên trong công ty”! Đúng là miễn bình luận!

Cũng là quảng cáo trong phim nhưng khán giả dễ chấp nhận ấy là bộ phim Cô gái xấu xí. Nhãn hiệu thời trang Foci thường xuất hiện trong các cảnh phim vì bộ phim có bối cảnh là công ty thời trang. Hay nước uống của các cuộc họp cổ đông trong công ty luôn là Aquafina và nhóm nữ quái “G7” trong của bộ phim này thì thường ăn cơm ở Highland…

Xã hội hoá làm phim, có nhà tài trợ thì phim có nhiều kinh phí hơn, đầu tư cho chất lượng được tốt hơn chứ không phải tạo ra hiệu quả ngược lại, gây phản cảm cho người xem. Quảng cáo dễ dãi để các bộ phim biến thành một chương trình quảng cáo trá hình như một số bộ phim đang làm sẽ dần làm khán giả chán phim Việt!

Theo CẨM HÀ - (Tổ quốc)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm