Phú Quang: Xuân này, tôi đã dựng được “cái lều” của riêng mình

Sau 20 năm sống và hoạt động âm nhạc tại thành phố mang tên Bác, nhạc sỹ Phú Quang đã quyết định trở về với mảnh đất mang vẻ đẹp cổ kính của ngàn năm văn hiến– nơi tạo nguồn cảm hứng sáng tác nhạc cho anh. Đây không phải là cái Tết đầu tiên của anh ở Hà Nội sau những chuỗi ngày dài sống tại miền Nam nhưng lại là lần đầu tiên anh được đón Tết trong ngôi nhà ấm áp của riêng mình.

Tết ở Hà Nội luôn tạo cho tôi không khí ấm áp của lòng người.
Tết ở Hà Nội luôn tạo cho tôi không khí ấm áp của lòng người.

- 20 năm sống và hoạt động âm nhạc tại TP.HCM, anh đã đón Tết như thế nào?

+ Ở Sài Gòn, người dân luôn đón Tết với không khí ồn ào trong cái nắng, nóng. Ngược lại, tôi chỉ muốn tĩnh lặng, chiêm nghiệm và nhìn lại mình vì những ngày thường tôi đã sống quá ồn ào. Đồng thời, Tết cũng là dịp để tôi được nghỉ ngơi sau những tháng ngày hoạt động âm nhạc mệt mỏi.

Ngoài ra, đi bơi là hoạt động văn hoá rất thích hợp cho cái Tết nóng bức tại Sài Gòn. Đôi khi cảm thấy hứng thú thì đi ăn nhậu cùng đám bạn.

- Trong khoảng 20 năm ấy, đã có một vài lần anh trở ra Hà Nội đón Tết. Vậy những cái Tết đó có gì khác biệt không?

+ Nếu công việc không bận, tôi rất thích về Hà Nội đón Tết hơn bởi Tết ở Hà Nội luôn tạo cho tôi không khí ấm áp của lòng người trong cái rét giá lạnh của mùa đông. Mỗi khi có dịp ra đón Tết Hà Nội, tôi thường đi thăm mộ phần của người thân trong gia đình và thăm hỏi họ hàng, bè bạn. Chiều xuân, tôi dạo bước vào phủ Tây Hồ với một tấm lòng thành kính và để thanh thản tâm hồn.

Tuy nhiên, có những mùa xuân, tôi ra Hà Nội đón Tết nhưng chỉ một mình “án binh bất động” tại khách sạn và tắt điện thoại không liên lạc với ai bởi một điều đơn giản rằng, tôi muốn được nghỉ ngơi, được tĩnh lặng và không muốn nói những lời không thật.

- TP HCM và Hà Nội, một nơi anh đã từng được sinh ra và lớn lên, còn một nơi đã dành cho anh rất nhiều ưu ái trong sự nghiệp. Anh cảm nhận thế nào về không khí Tết ở hai nơi này?

+ Mỗi nơi có một nét đẹp riêng. Sài Gòn thì đón Tết ồn ào và nhộn nhịp trong cái nóng bức. Tuy nhiên, Hà nội thì khác hoàn toàn. Tôi luôn nhớ đến Tết Hà Nội với những cảm xúc rất thiêng liêng. Nó tạo cho tôi cảm xúc náo nức, bồi hồi như những đứa trẻ mong đợi đến Tết.

Tết Hà Nội luôn có cái giá rét mà Sài Gòn không bao giờ có. Chính cái lạnh, nó tạo cho con người cảm nhận được sự ấm áp bên người thân yêu và mái nhà hạnh phúc. Chúng tôi thường ngồi với nhau và nói đùa: Tết Sài Gòn hướng “ngoại công” và Hà Nội thì hướng “nội tâm”. Tết Hà Nội mang đậm nét cổ truyền của dân tộc người Việt.

- Lý do nào khiến anh quyết định ra Hà Nội đón Tết năm nay, phải chăng có sự níu kéo nào đó?

+ Không chỉ đón Tết này mà tôi đã quyết định ra Hà nội sống những năm còn lại của cuộc đời. Với tôi, Hà Nội có nhiều niềm thương nỗi nhớ lắm. Tôi về Hà Nội là muốn quay về quê nhà, nơi tôi sinh và muốn gần gũi với những kỷ niệm ấu thơ.

- Đã từng được tận hưởng không khí Tết tại hai miền Nam – Bắc, anh có kỷ niệm sâu sắc đáng nhớ?

+ Kỷ niệm sâu săc của tôi luôn là những hoài niệm, ký ức của tuổi thơ được vui Tết ấm áp cùng mái ấm gia đình có mẹ và có cha bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng xanh. Tôi nhớ, ngày còn nhỏ tự tay mình đã làm cái bánh chưng nhỏ xíu và cho vào nồi đun của mẹ. Cả đêm đó tôi thức háo hức cùng mẹ trông coi nồi bánh chưng và đặc biệt chăm chút cho bánh chưng bé xíu của mình.

Và tôi còn nhớ, hồi mới 13 tuổi, bắt chước ông già làm một câu đối treo ngay trên bàn học là: "Ngõ lầy lội đường trơ xác pháo/ Nhà hương tàn sàn nát đào rơi". Và lúc đó, khi đọc câu đối, ông bố tôi có nói: "Khẩu khí thế này thì khổ thôi con ạ…”. Bây giờ nghĩ lại nhiều lúc thấy mình rất buồn.

- Mùa thu và mùa đông Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng sáng tác nhạc cho anh, vậy cảm xúc của anh mỗi độ xuân về thì sao?

+ Xuân Hà Nội, với tiết trời se lạnh tôi thấy ấm áp, bùi ngùi nhớ thương… Nó gợi lại cho tôi những kỷ niệm buồn vui, trong cái mới có cái buồn dưng dưng.

Niềm vui xuân đến và nỗi buồn của mùa xuân đi qua. Tết là để người ta nghĩ về những điều đã qua. Khi đứng trước bàn thờ tổ tiên là mình được sống lại với tuổi thơ, sống lại với những điều mà mình không còn. Tôi hay nghĩ đến những điều không có thật. Giá như những người thân của mình còn sống và tôi luôn mơ ước gặp họ trong tâm tưởng. Với tôi, Tết Hà Nội rất thiêng liêng và ngày đó không chỉ với hiện tại mà cả quá khứ, cả thế giới tâm linh và cũng như người Việt Nam thì mỗi độ xuân về là những ngầy hạnh phúc, cảm động.

- Lần này được đón một mùa xuân trọn vẹn ở quê hương, cảm nhận của anh như thế nào?

+ Mùa xuân này, tôi có cảm giác hạnh phúc của đứa con xa quê nay trở về và lại được sống trên mảnh đất quê hương. Tôi được sống gần gũi với những ký ức tuổi thơ và không còn cảm thấy cô đơn, lang thang. Cuối cùng thì tôi cũng đã trở về với cội nguồn và biết rõ một điều rằng, tôi không thể rời xa được Hà Nội, trừ cái chết.

- Xuân năm nay anh có gì mới so với những xuân đã qua?

+ Xuân này, tôi đã “dựng” được cái “lều” ở đường Thuỵ Khuê sát bên Hồ Tây của riêng mình để xoá đi lời nguyền “người nghệ sỹ lang thang hoài trên phố…” trong nhạc phẩm “Em ơi Hà Nội phố”. (cười).

ÚT HUỆ - (Theo Tổ quốc)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm