Thông tư mới ban hành đã gây nhiều tranh cãi

những đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật muốn được cấp phép biểu diễn phải làm hồ sơ xin phép gửi về Cục Nghệ thuật biểu diễn. Trong hồ sơ, ngoài các thủ tục khác, còn phải có “một văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận… với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”.

Mới đây, Bộ VH-TT&DL ban hành Thông tư 01/2016 quy định chi tiết thi hành những quy định nói trên và đã ngay lập tức bị nhiều người liên quan phản ứng.

Ngày 13-4, nhiều nhạc sĩ đã bày tỏ thái độ bức xúc.

Theo đó, văn bản cam kết mà Nghị định 15/2016 đề cập đã được Thông tư 01 hướng dẫn biểu mẫu cụ thể cho thấy các đơn vị xin cấp phép chỉ cần cam kết rằng sẽ chi trả nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định. Nghĩa là không cần phải xin phép tác giả ca khúc đó.

Trong khi đó, theo các nhạc sĩ, Nghị định 15/2016 nói bản cam kết được nêu trong Điều 9 phải được hiểu đầy đủ theo câu chữ là “một văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả… với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”. Sự cam kết ở đây là sự cam kết với tác giả và được tác giả ca khúc đó đồng ý cho phép.

“Thông tư đáng lẽ phải hướng dẫn tinh thần của nghị định. Nhưng thông tư đã làm sai lệch tinh thần nghị định. Bởi một bản cam kết giữa hai bên khác hoàn toàn với một bản tự cam kết” - ông Đỗ Văn Chiến (nguyên Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả) cho hay.

Trao đổi với báo giới cùng ngày, nhiều nhạc sĩ lão thành như nhạc sĩ Doãn Nho, Đoàn Bổng, Nguyễn Tài Tuệ đều cho rằng thông tư kể trên đã làm mất quyền của các nhạc sĩ đối với sáng tác của mình.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, đồng thời là giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho rằng sự phản ứng của các nhạc sĩ đối với Thông tư 01 sẽ được hiện thực hóa bằng các văn bản gửi tới nhiều cơ quan chức năng.

Những câu chữ nhập nhằng trong Điều 9 của Nghị định 15/2016 chưa biết hiểu cách nào cho đúng. Phải theo cách hiểu như cách hướng dẫn của Thông tư 01 hay như cách hiểu của các nhạc sĩ? Thiết nghĩ câu trả lời ấy phải được Bộ VH-TT&DL giải quyết thỏa đáng trong tuần sau, khi bộ này phổ biến thông tư nói trên.

Trước đó vài ngày, nhiều nghệ sĩ cũng đã phản ứng với Điều 3 của Thông tư 01/2016 khi thông tư này quy định người mẫu, người đẹp (đạt giải) không được được chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục (nghĩa là không được chụp ảnh nude).

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm), đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực nhiếp ảnh cũng cho hay bản thân cục không được trao đổi về vấn đề này. Đồng thời, cũng theo ông Thành, nhiều nghệ sĩ trong giới nhiếp ảnh cũng bày tỏ sự phản ứng đối với quy định này và cho rằng nó tác động đến quyền tự do sáng tác của các nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Đã có quá nhiều phản ứng của đối tượng bị/được tác động bởi một thông tư ngay khi vừa ra đời. Đó là điều đáng mừng cho thấy sự quan tâm tìm hiểu pháp luật của công dân, đồng thời cũng cho thấy khâu ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần chặt chẽ hơn.

Tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản”. Nếu điều đó chưa được Bộ VH-TT&DL thực hiện trước khi ban hành các quy định trên thì thật sự đáng tiếc.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm