Từ vụ lùm xùm kỷ lục Hội Lim: Góp ý trái tai là bị kiện?

Sự kiện này gợn lên câu hỏi về ứng xử trong tiếp nhận góp ý, phê bình sao cho phù hợp.

Vừa qua, Hội Những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh (Hội NNYQH) đã hai lần gửi đơn cho Bộ VH-TT&DL đề nghị xử lý PGS-TS Nguyễn Văn Huy vì đã “phát ngôn sai trái” về kỷ lục hơn 3.500 người hát quan họ tại Hội Lim 2012. Đến ngày 11-4, ông Nguyễn Hữu Trọng, Chủ tịch Hội NNYQH, cho biết nếu ba ngày nữa Bộ VH-TT&DL không trả lời, ông sẽ tiếp tục đưa việc này ra trước pháp luật. Đây được coi là một sự kiện hi hữu trong lĩnh vực văn hóa. Câu chuyện về lá đơn của hội này đã đặt ra vấn đề về văn hóa ứng xử khi góp ý và phản biện trong các sự kiện văn hóa lễ hội. Chúng tôi đã trao đổi ý kiến với một số chuyên gia về vấn đề trên.

Ai được quyền góp ý? Góp ra sao?

Theo ông Nguyễn Hữu Trọng, Chủ tịch Hội NNYQH, đơn chỉ kiện đích danh ông Huy vì chính chức danh Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, Trưởng ban Di sản văn hóa phi vật thể của Hội Di sản văn hóa Việt Nam của ông. Ông Trọng cho rằng ở vị trí đó, ông Huy không được phép có những phát ngôn “lung tung”, thiếu tính xây dựng như vậy.

Nguyên đại biểu Quốc hội GS-TS Nguyễn Minh Thuyết có ý kiến về vai trò người góp ý “Theo Luật Di sản văn hóa và công ước quốc tế, chúng ta có trách nhiệm bảo vệ di sản, trong đó yêu cầu bảo vệ yếu tố gốc của di sản, không làm sai lệch giá trị của di sản là bắt buộc. Trách nhiệm này là của Nhà nước và toàn dân nhưng trước hết là của những người đang thay mặt toàn dân giữ gìn, phát huy giá trị của di sản là các nghệ nhân quan họ và chuyên gia về văn hóa. Việc nêu ý kiến phản biện là trách nhiệm của chuyên gia ở lĩnh vực mà họ am hiểu, đồng thời đó cũng là quyền của họ và rất cần được khuyến khích”. Ông Thuyết khẳng định niềm tin của mình vào sự am tường về chuyên môn và tấm lòng đối với di sản văn hóa dân tộc của PGS-TS Nguyễn Văn Huy, một trong những nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa hàng đầu hiện nay.

Từ vụ lùm xùm kỷ lục Hội Lim: Góp ý trái tai là bị kiện? ảnh 1

Chương trình xác lập kỷ lục quốc gia về lượng người hát quan họ đã gây nhiều tranh cãi. Ảnh: LÊ HIỀN (Cinet.VN)

PGS-TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng phản biện là bộc lộ chính kiến trước cái sai về bản chất của một sự vụ nào đó, đương nhiên trong ý kiến phản biện sẽ có/phải có tinh thần quyết liệt phản đối, chính vì thế người phản biện cũng phải sẵn sàng một cơ sở lập luận chắc chắn, có sức thuyết phục. Ý kiến của PGS- TS Nguyễn Văn Huy là hoàn toàn đúng. Và cá nhân người phản biện, với trách nhiệm một nhà chuyên môn về nghiên cứu văn hóa, với trách nhiệm công dân, đã đủ tư cách để lên tiếng và phải lên tiếng.

Cần mở ra hội thảo

GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định: “Tùy thuộc vào trường hợp cụ thể mà ý kiến đó được tiếp thu hoàn toàn hoặc không hoàn toàn, thậm chí bị phản ứng. Đó là lẽ thường tình. Hội NNYQH, nếu thấy không đồng tình với ý kiến phản biện, có thể trao đổi trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc có thư trao đổi, gặp gỡ trao đổi để cùng nhau đi đến nhận thức và hành động đúng. Chứ còn kiện ra tòa thì không tòa nào giải quyết những việc như thế”.  PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng quan họ, khi đã được UNESCO phong tặng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã  không còn là sở hữu của riêng Bắc Ninh nữa, mà đã thành di sản văn hóa của cả vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ, của cả Việt Nam. Vậy nên người quan họ không nên nhân danh tình yêu quan họ chỉ của riêng mình, coi quan họ là sở hữu của riêng tỉnh Bắc Ninh để thực hiện những ý tưởng chủ quan và tùy tiện của mình.

PGS-TS Minh Thái cho rằng việc nộp đơn lên Bộ VH-TT&DL của Hội là sai về tình và  trái về pháp luật. PGS-TS Minh Thái đề nghị: “Bộ cũng không nên coi đây là “chuyện riêng”  để “chuyển về cho phía Bắc Ninh giải quyết”, mà rất nên nhân sự vụ này tổ chức một hội thảo về việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quan họ.

Muốn kiện phải chứng minh

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì đương sự trong vụ án dân sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) là cá nhân, cơ quan hay tổ chức. Như vậy, nếu muốn khởi kiện, Hội NNYQH phải là tổ chức được pháp luật công nhận, có quyết định thành lập do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Nếu là cơ quan, tổ chức thì do người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng. Người đại diện là người đứng đầu hoặc người được cơ quan, tổ chức ủy quyền tham gia tố tụng và việc ủy quyền phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật.

Nguyên đơn phải chứng minh lời nói của bị đơn là sai và phải chứng minh tổ chức của mình bị xúc phạm vì lời nói này.

LS NGUYỄN HỒNG LÂM,Đoàn Luật sư TP.HCM

Nên ngồi lại, lắng nghe

Những người tham gia, tổ chức hay người góp ý, phê bình đều có tâm huyết và quan tâm đến hoạt động văn hóa dân tộc. Theo tôi, các bên nên giải quyết sự không đồng ý, thậm chí là những quan điểm trái ngược của mình theo chiều hướng tích cực bằng việc lắng nghe, trao đổi qua lại để tìm ra đâu là cái tốt, cái đẹp của loại hình văn hóa này chứ không nên dùng đến biện pháp đưa nhau ra tòa để quyết ăn thua đủ.

ThS PHẠM HÀ THƯƠNG, giảng viên Trường ĐH
Tôn Đức Thắng TP.HCM

MINH HIẾU ghi

Qua sự việc vừa rồi có thể thấy đang lộ ra một vấn đề về văn hóa trong tiếp nhận ý kiến phản biện trong một bộ phận người dân của ta: Khi được khen thì hồ hởi nhưng khi bị chê hay góp ý thì lại phản ứng gay gắt. Người ta coi thường các chuyên gia, thậm chí có cả việc “bắt nạt” các chuyên gia.  Khi dùng quần chúng tấn công các chuyên gia, họ quan niệm rằng bản thân họ am hiểu về vấn đề đưa ra tranh luận vì họ tồn tại và sống trong cộng đồng. Thế nhưng họ quên rằng chuyên gia là những người am hiểu vấn đề đó một cách khoa học, có lý lẽ, có cơ sở. Bản thân quần chúng không phải ai cũng hiểu vấn đề và những cách ứng xử như trên có thể làm tha hóa quần chúng, khiến cho những hiểu biết chưa đúng càng có dịp được phát huy.

Nhà văn VƯƠNG TRÍ NHÀN

VIẾT THỊNH lược ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm