Ước mơ vươn tới... đạo diễn phim

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng kể thỉnh thoảng anh nhận được vài lá thư của bạn trẻ tâm sự muốn học nghề đạo diễn nhưng lại sợ nghề này không nuôi được bản thân mình. "Nghề này bây giờ không bị... nghèo đâu. Tôi luôn trả lời với họ như vậy. Nhưng...".

"Muốn quá nhiều sẽ không được gì!"

Trong thời gian vừa qua, không chỉ phim mà các chương trình truyền hình như game show, talk show, truyền hình thực tế phát triển mạnh mẽ. Kéo theo đó, các nhà sản xuất chương trình truyền hình tư nhân đang rất cần một đội ngũ thực hiện các chương trình này. Họ mời gọi các tân đạo diễn làm việc với mức lương khá cao. Lương cao, chỉ ở trong phim trường mát mẻ, không phải viết phân cảnh, thức khuya, dậy sớm... nên nhiều bạn trẻ cảm thấy hài lòng.

Sau một thời gian làm phim ngắn tập, đạo diễn Minh Cao được Hãng phim M&T Pictures tin tưởng giao thực hiện phim dài 30 tập Gia tài bác sĩ. Ảnh: H.Lê.
Sau một thời gian làm phim ngắn tập, đạo diễn Minh Cao được Hãng phim M&T Pictures tin tưởng giao thực hiện phim dài 30 tập Gia tài bác sĩ. Ảnh: H.Lê.

Nghề đạo diễn chủ yếu phải tự học qua sách vở, báo chí, phim ảnh... Dù mỗi người chọn một hướng đi nhưng chung qui vẫn là sự kết hợp của lòng đam mê, tài năng và quyết liệt sống chết với nghề. Đừng trông chờ vào cơ hội mà phải tự tạo ra nó. Bằng cách nào đó, mỗi người phải cố gắng làm cho mình một bộ phim để lận lưng!

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng

Và cũng có nhiều đạo diễn "ôm" luôn cả hai công việc: vừa làm việc tại các nhà đài với tư cách đạo diễn các chương trình truyền hình của đài, vừa nghiên cứu kịch bản và chờ có cơ hội làm phim.

Thế nhưng, theo ý kiến của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: "Tôi biết có nhiều bạn đạo diễn trẻ nghĩ rằng bây giờ lo kiếm tiền nuôi sống mình trước, sau vài năm sẽ làm phim. Nhưng sau đó họ không dám bỏ công việc đang thuận lợi để bước vào một thách thức mới mà không biết tương lai như thế nào. Vì thế theo tôi, muốn làm đạo diễn phim là phải làm liền, nếu không sẽ khó làm được".

Vũ Ngọc Đãng lý giải: "Vì sao các sinh viên ra trường khóa đầu tiên khoa đạo diễn Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM lại trụ được công việc đến nay? Đơn giản vì thời đó chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác: một là làm đạo diễn, hai là chẳng làm gì cả. Tôi viết kịch bản phim Những cô gái chân dài trong thời gian dài thất nghiệp. Và khi đã có cơ hội làm phim, tôi phải dẹp bớt những dự án của mình. Thậm chí cả công việc chụp ảnh mà tôi rất yêu thích. Có quá nhiều sự lựa chọn sẽ khiến ta hoang mang, muốn quá nhiều thứ sẽ không được gì!".

Cơ hội do chính mình tạo ra!

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng (bìa trái): “Nếu muốn làm phim hãy làm ngay...” Ảnh: T.T.D.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng (bìa trái): “Nếu muốn làm phim hãy làm ngay...” Ảnh: T.T.D.

"Dù sao việc hành nghề ở trong Nam vẫn còn dễ dàng hơn ngoài Bắc. Một số sinh viên học khoa đạo diễn Trường đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội vào làm ở các đài truyền hình sau khi ra trường. Số khác thì làm phụ tá hoặc phó đạo diễn khoảng hai, ba năm. Sau đó may ra mới có cơ hội trực tiếp làm phim" - Nhật Duy, đạo diễn tốt nghiệp lớp K24, khoa đạo diễn điện ảnh Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh Hà Nội, cho biết. Thế nhưng theo Duy, "dù khó khăn nhưng cơ hội là do mình tạo ra".

Để tạo ra cơ hội ấy, nhiều sinh viên đã phải vay mượn tiền để cố gắng làm một phim ngắn thật ấn tượng rồi tham gia các cuộc liên hoan để mong tìm được một giải thưởng nào đó. Trong năm học thứ ba, Duy đã viết và thực hiện bộ phim ngắn Hộp quẹt bật lửa rồi đem gửi tham gia liên hoan phim ngắn 2007. Bộ phim này đã đoạt giải khuyến khích và tạo được sự chú ý bởi cách làm phim khá lạ, độc đáo. Sau đó, Nhật Duy lại hợp tác cùng Vũ Liêm - một đàn anh tốt nghiệp khoa kịch bản, viết nên kịch bản phim dài tập Cầu vồng ngày không mưa, đi chào hàng ở các hãng phim. May mắn, kịch bản này đã được một hãng phim tư nhân đồng ý sản xuất. Tháng bảy này anh sẽ vào TP.HCM để bắt tay thực hiện phim.

Còn Bùi Nam Yên - sinh viên khoa đạo diễn hệ tại chức Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM - lại chọn con đường làm phụ tá cho các đoàn phim từ mấy năm nay để tích lũy kinh nghiệm. Yên tâm sự: "Cứ mỗi lần nghe ngóng thấy ở trung tâm nào có hỗ trợ làm phim ngắn là cả lớp Yên rần rần gửi kịch bản phim để mong được hỗ trợ làm phim. Sinh viên nghèo, đâu có tiền nhiều. Yên cũng như bao bạn sinh viên khác đều mơ ước sau này tốt nghiệp sẽ có được bộ phim ngắn 90 phút để làm. Bởi thể loại phim này mang một đặc trưng riêng, chặt chẽ và gần với phim điện ảnh. Và hơn hết là đạo diễn thể hiện được tay nghề và bản lĩnh của mình".

Đạo diễn Minh Cao sau nhiều năm lăn lộn làm phim ngắn tập và một số chương trình kịch, game show cho Hãng phim truyền hình Bình Dương, giờ cũng đã có cơ hội thực hiện bộ phim dài 30 tập Gia tài bác sĩ cho Hãng phim M&T Pictures. Anh đúc kết: "Hiện nay chúng ta chưa có ngành đào tạo đạo diễn truyền hình. Vì thế, một bộ phận lớn đạo diễn điện ảnh làm công việc đạo diễn truyền hình. Đây là một thiếu sót. Cần phân biệt rạch ròi hai ngành này thì chúng ta mới tránh được sự lãng phí nhân lực như hiện nay".

Từ khi thành lập, Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM đã tổ chức bảy khóa học đạo diễn sân khấu, điện ảnh. Trong đó, có 60 sinh viên tốt nghiệp đạo diễn điện ảnh các khóa. Riêng hệ tại chức đã tổ chức hai khóa học đạo diễn sân khấu điện ảnh, trong đó có 17 sinh viên tốt nghiệp đạo diễn điện ảnh khóa 1.

Theo HOÀNG LÊ - (TT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm