Nghẹ sĩ Trung Dân làm kịch đồng quê

Pháp Luật TP.HCMđã trò chuyện cùng Trung Dân tại nhà anh về sân khấu khá đặc biệt này.

Vì tôi là người nhà quê...

. Sân khấu Sài Gòn đang tăng tốc lôi kéo khán giả với đủ các chiêu thức, đề tài: ma quỷ, tình dục, hài, tâm lý xã hội, tình cảm lãng mạn, lịch sử... Anh không sợ lỗ vốn khi làm kịch đồng quê sao?

+ Sợ chứ! Nhưng thật may khi tâm huyết của chúng tôi tìm được sự đồng cảm từ nhà tài trợ. Nhờ sự đầu tư đó, chúng tôi không còn lo về mặt kinh phí. Những giấy tờ bạn đang thấy là hợp đồng tôi chuẩn bị để ký với nhà tài trợ.

Nghẹ sĩ Trung Dân làm kịch đồng quê ảnh 1

Ngoài những vai nông dân, Trung Dân còn nổi bật với chất hài phản diện và hài châm biếm chống tiêu cực nhưng vẫn không thiếu chất người nhà quê đặc trưng. Trong ảnh: Trung Dân trong một tiểu phẩm chống tiêu cực ở Những người thích đùa 2006.

Hy vọng hình thức kịch đồng quê dân dã, gần gũi với lời ăn tiếng nói đời thường mà chúng tôi đang cố hướng đến như lời thoại kịch Kim Cương lúc trước sẽ được khán giả yêu thích, ủng hộ. Vả lại trong những người thành thị bây giờ, ai mà không xuất thân từ đồng quê, có gốc gác ông bà là người đồng quê. Tuy mang hình thức đồng quê nhưng nội dung kịch Đồng Dao không chỉ là chuyện đồng quê. Vậy nên người thành thị vẫn có thể tìm thấy sự đồng cảm trong đó.

. Anh có thể nói rõ hơn về những gì không chỉ là chuyện đồng quê mà anh gửi gắm trong kịch Đồng Dao?

+ Sau Dòng nhớ, chúng tôi đang chuẩn bị dựng vở Cái giếng khơi do tôi viết. Câu chuyện xảy ra ở một làng bị khô hạn, chỉ còn cái giếng là nguồn sống. Điều tôi muốn nói ở đây là cái gì của dân thì trả về cho dân. Tôi còn có vở Khi nào mình về với ông bà kể chuyện cái đám giỗ ở một làng quê với bao nhiêu bi kịch. Mảnh đất đó trong chiến tranh con cháu giữ lấy vì lý tưởng, còn sau chiến tranh, con cháu tranh giành vì tấc đất là tấc vàng. Trước đây, kịch Tiếng vạc sành ở IDECAF do tôi viết thì nói về những cái chết trắng, chết trẻ do ma túy tàn phá những vùng nông thôn đang đô thị hóa.

Mình là ai, mình có hổ thẹn không khi đốt nhang trước bàn thờ tổ tiên trong nhà... là điều cốt lõi tôi muốn thể hiện trong các vở kịch của mình. Ông bà mình từng dạy giữ nước là giữ cái hồn, cái gốc gác dân tộc. Chúng ta đừng để đô thị, tiền bạc làm mất gốc, mất nước. Chính ông bà sẽ kéo con cháu về với nhau để giữ tình thân đoàn kết, giữ quê hương xứ sở.

. Anh lấy thực tế từ đâu để làm chương trình và viết kịch về nông thôn?

+ Trước nhất, tôi là một nông dân. Lớn lên ở Hóc Môn, gia đình làm nông nên tôi yêu mến, gắn bó và hiểu biết về đời sống nông dân. Thứ hai, khi làm tôi hay đi thực tế về nông thôn để gặp gỡ, lắng nghe nỗi niềm của nông dân. Thứ ba, tôi hợp tác với báo Nông Thôn Ngày Nay về mặt tuyên truyền kiến thức và thời sự nông dân. Thế nênTrên vườn dưới ruộng từng cập nhật các vấn đề thời sự nông thôn như nạn ốc bươu vàng, nuôi hải ly, nuôi cá chim trắng, đốn tràm trồng keo lai, giá thu mua sữa của nông dân bất hợp lý...

Chỉ mong thu hồi vốn

. Kịch Đồng Dao sẽ tồn tại và phát triển với thực lực nào trong tình hình làng kịch đang cạnh tranh khá quyết liệt với sự ra mắt của nhiều sân khấu mới và thiếu hụt nhân lực ngôi sao?

+ Chủ lực của nhóm chúng tôi hiện có các nghệ sĩ: Tú Trinh, Kim Xuân, Diệu Đức, tôi, Hạnh Thúy, Minh Cường, Hồng Thắm, Hữu Quốc, Quỳnh Hương và một số diễn viên mới ra trường. Sắp tới, sẽ có người đến và người đi, tất cả đều do ý thích, tình cảm tự nguyện chứ quyền lợi tiền bạc thì chưa có.

Nghẹ sĩ Trung Dân làm kịch đồng quê ảnh 2

Dù đã dọn về thành thị, ở trong ngôi nhà ba tầng lầu tại quận Bình Thạnh, song Trung Dân đã đem cả chất nông dân về đây với một vườn rau xanh um trên tầng thượng nhà mình.

Sài Gòn là đất phồn hoa đô hội nên người dân chịu bỏ tiền ra giải trí khiến người ngoài, trong đó có tôi nhìn vào tưởng làm sân khấu kịch dễ. Nhưng làm rồi mới biết bán một cái vé không dễ. Hiện chúng tôi chỉ mong mỗi xuất thu hồi đủ vốn để làm vở tiếp. Điều khó nhất đối với chúng tôi là điểm diễn chưa cố định. Nhà đầu tư đã hứa và cho biết đang tích cực tìm. Đồng dao là bài hát của bọn trẻ chăn trâu nên bây giờ chúng tôi diễn chạy show du mục, sẵn sàng đến với công nhân, học trò để tìm khán giả.

. Anh có thể tiết lộ bí quyết để có được nhà đầu tư cho kịch Đồng Dao trong khi chương trình kịch nông thôn Trên vườn dưới ruộng có tiếng của anh lại bị ngưng vì không tìm được nhà tài trợ. Đồng Dao có phải là Trên vườn dưới ruộng nối dài?

+ Tôi làm Trên vườn dưới ruộng hơn năm năm, phát định kỳ hằng tuần trên Đài truyền hình Bình Dương với bao tâm huyết. Khi chương trình này kết thúc cách đây hai năm vì không còn tài trợ, chính tôi cũng đi chạy tài trợ. Nhưng chân tôi không dài, người tôi không đẹp, chương trình không xài mỹ phẩm cao cấp nên xin không được. Không biết vì sao lần này có nhà đầu tư lại tự tìm đến tôi để bàn chuyện làm kịch Đồng Dao. Tôi còn có cả nhà tài trợ làm tiếp một năm Trên vườn dưới ruộng nữa. Chương trình này ngoài chuyện đời sống nông thôn còn lồng ghép rất nhiều thời sự và kiến thức nông nghiệp cho nông dân. Ở kịch Đồng Dao không có phần tuyên truyền kiến thức nông nghiệp.

. Cảm ơn anh và chúc kịch Đồng Dao thành công.

HÒA BÌNHthực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm