Việt Nam dàn dựng 100 kiệt tác sân khấu thế giới

Công chúng là người được hưởng lợi nhiều nhất

Sau những thử nghiệm và công diễn thành công một số tác phẩm lớn như “Otenlo”, “Macbet” (của Shakespeare- sân khấu Anh), “Trưởng giả học làm sang” (của Moliere- sân khấu Pháp), “Người tốt thành Tứ Xuyên) (của B.Brech-sân khấu Đức), “Lôi vũ” (Tào Ngu-sân khấu Trung Quốc), “Nhà Búp bê” (của Henrik Ibsen-sân khấu Nauy)...

Nhà hát Tuổi trẻ đã để lại những ấn tượng khó quên với khán giả sân khấu cả nước. Không những vậy, đã có những vở kịch kinh điển do Nhà hát dàn dựng nhiều lần được mời tham dự Liên hoan sân khấu thế giới như vở “Macbet” tại Liên hoan sân khấu quốc tế Bắc Kinh năm 2003 và Liên hoan sân khấu quốc tế Thượng Hải năm 2005.

NSND Lê Khanh trong một cảnh của vở diễn "Âm mưu và Tình yêu".
NSND Lê Khanh trong một cảnh của vở diễn "Âm mưu và Tình yêu".

Đây là những thành công ban đầu, tạo tiền đề cho Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục thực hiện “100 kiệt tác sân khấu thế giới” do Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch giao phó. Dự án được triển khai với nguồn kinh phí của Bộ phối hợp với các nhà tài trợ đầu tư, cũng là bước khởi đầu của việc xã hội hoá nghệ thuật sân khấu nước nhà. Được biết khoản kinh phí dự trù cho việc dàn dựng và biểu diễn các tác phẩm là 1,5 tỷ đồng cho 4 vở diễn mỗi năm.

Vui mừng được tiếp nhận dự án nghệ thuật tầm cỡ này, đạo diễn, NSND Lê Hùng, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng, người được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án này chính là nhân dân. Ông nói: “Nhân dân chính là người trực tiếp được tiếp nhận 100 tác phẩm tinh hoa của thế giới tại sân khấu nước nhà, do các nghệ sĩ trong nước biểu diễn. Những tác phẩm này hẳn ai cũng đã từng nghe nhưng không phải ai cũng đã được đọc hay có thời gian để nghiền ngẫm nó”. Ông Hùng cho rằng, dự án này sẽ là bước đi dài trong lộ trình vừa bảo tồn vở kịch truyền thống vừa tiếp thu tinh hoa thế giới của các nhà hát trong nước.

Nói về sự đầu tư “có tính bứt phá” này, Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh khẳng định: “Cùng với sự phát triển không ngừng của kinh tế thì nhu cầu thưởng thức văn hoá của khán giả ngày càng nâng cao. Do vậy, bên cạnh những tác phẩm kịch truyền thống chúng ta cũng cần “góp vào thực đơn” để khán giả tiếp cận với những món ăn mới, lạ, những tác phẩm kinh điển thế giới.

Tuy nhiên, các vở diễn có thu hút được khán giả hay không lại phụ thuộc vào khả năng diễn xuất, cách hoá thân vào các nhân vật lịch sử của từng diễn viên. Như vậy vấn đề đặt ra là các anh, em nghệ sĩ phải phấn đấu hơn, vừa nâng cao trình độ, vừa học hỏi kinh nghiệm biểu diễn sân khấu các nước để sân khấu lịch của Việt Nam không bị thụt lùi”.

Giải thích về con số “100 tác phẩm”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: “Nếu chúng ta chỉ dừng lại việc dàn dựng 2 hay một vài vở kinh điển thì không đủ, bởi rất nhiều tác phẩm kịch lớn ấy mặc dù đã được ra đời cách đây hàng trăm năm, hàng ngàn năm trước nhưng tư tưởng nghệ thuật và tính giáo dục của nó vẫn đồng hành với khán giả hôm nay”.

Việc thực hiện 100 kiệt tác sân khấu thế giới được coi là một cuộc cách tân trong lĩnh vực kịch nói nước nhà.
Việc thực hiện 100 kiệt tác sân khấu thế giới được coi là một cuộc cách tân trong lĩnh vực kịch nói nước nhà.

Hiện nay Bộ đang kêu gọi các nhà đầu tư tài trợ cho các kiệt tác sân khấu thế giới này từ nay cho đến năm 2020. Với 100 kiệt tác, các nhà đầu tư có quyền lựa chọn tác phẩm mà mình yêu thích và tất nhiên họ sẽ được quảng bá hình ảnh của mình trong mỗi buổi công diễn trước khán giả. Nhiệm vụ của Nhà hát Tuổi trẻ trong thời gian tới là trình Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch danh sách những tác phẩm lớn sẽ được dàn dựng và công diễn.

Nghệ thuật phải vươn lên sự sang trọng

Với các diễn viên, những người trực tiếp thực thi dự án này đều chung một niềm hạnh phúc, nói như NSND Lê Khanh, được diễn các tác phẩm cũng là lúc những mỗi người chúng ta được “ngộ” ra nhiều điều. Những vấn đề như tình yêu đôi lứa, quyền lực, tình cha con, sự bon chen trong cuộc sống... cho đến nay vẫn là những đề tài nóng hổi cho dù đã được các nhà văn đề cập cách đây hàng thế kỷ.

“Nhiều người bảo hình như chúng tôi đang mạo hiểm và chắc nhà phải giàu lắm mới dám bỏ tiền ra diễn những vở này. Nhưng đợi đến bao giờ để chúng ta giàu theo đúng nghĩa, điều tiên quyết phải là khát vọng vươn lên trong nghệ thuật. Nếu như chúng ta cứ diễn những vở nhỏ nhỏ, xinh xinh, dễ hiểu để khán giả xem xong về quên ngay thì đó không phải là đỉnh cao của nghệ thuật.

Nghệ thuật phải vươn lên sự sang trọng, chúng ta cần tập cho khán giả quen từ tác phong đến trang phục khi đi xem một vở diễn lớn, có như vậy thì sân khấu kịch nước nhà mới thực sự đi vào chuyên nghiệp hoá. Tất nhiên chúng ta phải mất nhiều thời gian hơn để khán giả quay trở lại với loại hình nghệ thuật này. Tôi cũng tin rằng: Có tác phẩm chân chính, có diễn viên chân chính thì cũng sẽ có khán giả chân chính”, NSND Lê Khanh bộc bạch.

Nói như Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: “Dự án dàn dựng “100 kiệt tác sân khấu thế giới” kéo dài đến năm 2020 tại sân khấu nước nhà, có sự phối hợp giữa Nhà nước và tư nhân thực hiện lần này sẽ đánh dấu mở đầu cho một tầm nhìn mới, suy nghĩ mới về sân khấu kịch nước nhà”.

THANH HÒA - (Theo Tổ quốc)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm