Xây đắp nền Văn học nghệ thuật lớn mạnh

Dự hội thảo có đồng chí Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; gần 200 đại biểu là các nhà khoa học, nghiên cứu, giảng dạy văn học nghệ thuật (VHNT), các nhà quản lý báo chí trong nước. GS-TS Phùng Hữu Phú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận - Trưởng ban chỉ đạo hội thảo.

Trong đề dẫn, GS-TS Đinh Xuân Dũng đề cập, đặc trưng nổi bật của hiện thực hôm nay là sự chuyển động, biến đổi, biến động không ngừng, mau lẹ, phức tạp và khó lường trên tất cả các bình diện, các lĩnh vực đời sống, trong các mối quan hệ xã hội cơ bản và trong từng cá thể. “Ngắm bắn” mục tiêu di động đó, cần hơn bao giờ hết là bản lĩnh, là tài năng, là sự mẫn cảm, vừa tâm huyết, vừa tỉnh táo… của những người làm công tác VHNT.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh: Quan hệ giữa VHNT và hiện thực đất nước hôm nay là một vấn đề rất cơ bản, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển đúng hướng của VHNT nước nhà, hiện nay và nhiều năm tới. Giải quyết tốt vấn đề cơ bản đó sẽ thể hiện rõ vai trò tích cực, to lớn của VHNT đối với đời sống đất nước… Đảng ta luôn hướng VHNT bám sát cuộc sống đương đại, kêu gọi, khuyến khích văn nghệ sĩ gắn bó sâu sắc, máu thịt với hiện thực đất nước và cuộc sống con người đang diễn ra.

Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới” cũng nêu rõ: Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải tiến hành một cuộc đấu tranh gian khổ và phức tạp giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa cái tốt và cái xấu, cao thượng và thấp hèn… để tiếp tục xây đắp cho nền VHNT ngày càng lớn mạnh, với những tác giả, tác phẩm có tầm vóc xứng đáng với dân tộc.

Đó là định hướng rất cơ bản, quan trọng; là lời nhắn gửi chân tình của Đảng và nhân dân ta đối với VHNT nước nhà và văn nghệ sĩ. Định hướng đó xuất phát từ việc đánh giá cao vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của VHNT đối với xã hội, con người nói chung và sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước ta hiện nay nói riêng.

Đồng chí Tô Huy Rứa cho rằng, chúng ta không phủ nhận lúc này, trong cuộc sống, cái xấu, cái tiêu cực đang có những biểu hiện phức tạp, chưa ngăn chặn và khắc phục được. Song, sự nghiệp đổi mới, với những thành tựu to lớn, mang ý nghĩa lịch sử, vì nó có nguồn gốc sâu xa từ sức mạnh vĩ đại của cái tích cực, cái đẹp, cái mới đang chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống cả dân tộc, của từng tập thể, cộng đồng và từng con người… Cần phải có sự tham gia tích cực của VHNT - lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp để dẹp cái xấu. Tất nhiên, hiệu quả của sự tham gia đó phải bắt nguồn từ đặc trưng và sức mạnh của VHNT, từ tài năng và tấm lòng của văn nghệ sĩ.

Tham luận của các nhà nghiên cứu tiếp tục lý giải mối quan hệ giữa VHNT và hiện thực trên cơ sở tư duy lý luận mới và thực tiễn VHNT mới; lý giải các xu hướng vận động và biến đổi của hiện thực đất nước hôm nay với tư cách là đối tượng của nghệ thuật; đánh giá những thành tựu, khuynh hướng, hạn chế, thiếu sót trong nhận thức; phản ánh, khám phá hiện thực đất nước hôm nay của VHNT.

Nhiều tham luận đi sâu phân tích, lý giải những vấn đề đang đặt ra đối với báo chí, nhiếp ảnh, văn học, sân khấu, mỹ thuật, kiến trúc…, như: Văn học hiện thực trong tầm nhìn hiện đại (GS-TS Trần Đình Sử); Phản ánh, sáng tạo, hiện thực với lý tưởng xã hội và lý tưởng thẩm mỹ XHCN của chúng ta (GS-TS Mai Quốc Liên); Văn học hiện thực hôm nay và sự đồng hành của hơn bốn thế hệ viết (GS Phong Lê); Văn học nghệ thuật và báo chí trong cuộc sống (Nhà báo Phan Quang); Đạo đức văn chương (GS Trần Thanh Đạm)…

Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn trước thực trạng VHNT hiện tại, đồng thời cũng khẳng định xu hướng phát triển hiện thực đất nước hôm nay và trách nhiệm của VHNT, trách nhiệm của các văn nghệ sĩ trong thời kỳ mới.

GS Phong Lê: Một đội ngũ viết hùng hậu, ở nhiều lứa tuổi, ai cũng muốn viết đến tận cùng những trải nghiệm và ao ước của mình, ai cũng mong đến được với cái riêng của mình, đó là điều tự nhiên. Nhưng dẫu sự theo đuổi cái riêng ráo riết đến mấy, thì đứng trước những hiện thực hôm nay, tất cả những thế hệ viết đều có một mẫu số chung cho sự tìm kiếm: Đó là số phận chung của dân và nước. Yêu cầu nhận diện hiện thực hôm nay, và văn học hôm nay, bất cứ ở chặng nào, và với thế hệ nào cũng không được xa rời và quay lưng với những vấn đề cơ bản ấy.

TS Chu Thái Thành: Điều dễ nhận thấy trong những năm qua, VHNT chưa đề cập và thể hiện được những vấn đề trọng đại của đất nước một cách sâu sắc. Có nhiều tác phẩm quá chú ý đến cái tôi mà quên đi cái ta.

Nói chính xác hơn, mối quan hệ giữa cái tôi và cái ta chưa được xử lý một cách hài hòa. Khi cuộc chiến tranh đi qua, việc trở về với cái tôi là cuộc vận động đúng hướng của VHNT. Nhưng chỉ chú ý đến cái tôi một cách cực đoan, coi cái tôi mới là cái có ý nghĩa tối thượng thì lại là một quan niệm sai lầm.

Theo BÌNH NGUYÊN (SGGP)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm