Mộ cổ 'Giồng Ông Tố' 2 lần phá dỡ nhưng bất thành

Khu đất xây dựng Trường Tiểu học Giồng Ông Tố, Trường Mầm non Vành Khuyên trước đây là nghĩa trang Nam Đào - một nghĩa trang cổ xưa nằm trên trục đường Nguyễn Tử Nghiêm, phường Bình Trưng Tây, quận 2. Năm 1998, các cấp ban ngành của UBND TP.HCM tiến hành giải tỏa nghĩa trang.

Những người trong khu vực kể lại trong quá trình giải tỏa, khi tới ngôi mộ song táng, một tốp nhân công đã phá hủy một số bộ phận của ngôi mộ bằng tay chân, sau đó có người bị đột quỵ không hiểu vì sao.

Đơn vị thi công chuyển sang dùng phương tiện cơ giới phá hủy tiếp phần còn lại và cũng gặp sự cố. Máy xúc tự nhiên chết máy, sau đó gàu xúc gần rơi lìa ra khi thực hiện đến phần nấm mộ, buộc phải dừng thi công. Người dân cho rằng ngôi mộ rất linh thiêng nên không ai dám đụng vào nữa. 

Bố cục ngôi mộ từ ngoài vào là bình phong tiền, sân tế, cửa mộ, bệ thờ, cổng mộ, nấm mộ, bình phong hậu. Để tránh học sinh chơi nghịch đụng chạm tới khu mộ, người ta đã xây bao quanh ngôi mộ một bức tường và tạo cửa, những ngày lễ tiết, nhà trường vẫn thực hiện thăm cúng.

Ngôi mộ được xây bằng hợp chất kiên cố, hiện bị phá hủy nghiêm trọng. Một mộ đã bị phá hủy một nửa phần nấm mộ và bia. Cả hai ngôi mộ đều mất bia. Ngày 25-11-2010, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 5360/QĐ-UBND về thực hiện kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn TP. Ngôi mộ cổ trong khuôn viên Trường Tiểu học Giồng Ông Tố được xếp vào diện cần bảo tồn và nghiên cứu. 

Nhóm chuyên viên bảo tồn di tích - lịch sử văn hóa của Trung tâm Văn hóa quận 2 xuống hiện trường để tìm hiểu và nghiên cứu cho biết xung quanh bia khắc chạm hoa văn tinh tế với 33 chữ Hán có nội dung: Quốc hiệu Hoàng Việt, mộ Cung nhân Nguyễn thị, Chánh thất Hàn lâm viện Thị độc học sĩ họ Trần, tước hầu; bia được lập vào mùa thu năm Quý Mùi (1823) dưới triều Minh Mạng, do người cháu là Trần Văn Trường lập.

Ông Nguyễn Hải Đường, thành viên của tổ công tác, cho rằng đây là chứng tích quý hiếm còn lại của cư dân Việt trong tiến trình chinh phục vùng đất Gia Định xưa. Ngoài ra, không rõ cụ thể danh tính của ông quan họ Trần và phu nhân.

Khảo sát hiện trạng ngôi mộ cho thấy đây là một loại hình lăng mộ dành cho các quan đại thần thời Nguyễn ở Nam Bộ, nhìn về hướng đông bắc, bình đồ hình chữ nhật, rộng 6,1 m, dài 8,15 m, cao nhất phần bình phong hậu là 1,9 m. 

Nấm mộ hình hộp chữ nhật dẹt, bám đầy rêu và cỏ mọc xung quanh. Sau khi phá hủy không thành, ngôi mộ cổ trong khuôn viên Trường Tiểu học Giồng Ông Tố cũng không được trùng tu và phục dựng lại kiến trúc và dần trở nên hoang phế.

Bao quanh mộ là hệ thống tường thành kết hợp với các trụ biểu búp sen.

Hoa văn hai bên tường thành cổng vào ngôi mộ.

Bình phong hậu cao 1,9 m, trên có chạm khắc hình nhưng không còn nhận ra.

Nhiều người còn đồn đoán ngôi mộ này là của vợ chồng ông Tố vì gắn với địa danh Giồng Ông Tố, chợ Giồng. Tuy nhiên, cũng có một số người cho rằng địa danh Giồng Ông Tố gắn với ông Trương Vĩnh Tố có mộ ở 33 Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Tây, quận 2.

Những câu chuyện kỳ bí xung quanh khu mộ cổ trong khuôn viên Trường Tiểu học Giồng Ông Tố và tấm bia thất lạc đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Ảnh: Một bia thờ không rõ là của ai nằm ở một góc của khu mộ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm