(PLO)- Những ngày cuối năm, có dịp ghé đến phường Bình Nhâm, phường Hưng Định, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, nhiều người sẽ cảm nhận rõ không khí năm mới đang cận kề khi làng nghề mứt gừng đang hối hả chuẩn bị nguyên liệu để cho ra những mẻ mứt cay nồng, thơm ngát đón Tết.
Nói về món mứt gừng tại đây người dân thường truyền tai nhau “chỉ mỗi Bình Dương mới có” bởi gừng làm mứt sẽ được giữ nguyên củ chế biến theo bí quyết riêng, không thái lát, cắt mỏng như thông thường.
Không ai nhớ rõ làng nghề mứt gừng tại Bình Dương đã hình thành từ khi nào, chỉ biết rằng làng mứt đã tồn tại từ rất lâu, cứ thế nối tiếp từ đời này qua đời kia. Cứ đến độ xuân về, mỗi hộ gia đình lại ra sức chuẩn bị từ vài trăm kí đến hàng tấn mứt gừng để phục vụ thị trường Tết như một đặc sản không thể thiếu. Muốn cho ra một mẻ mứt, người làm nghề phải trải qua quá trình chế biến kì công từ khâu chọn gừng, gọt vỏ, rửa sạch, đem gừng đi xăm rồi ngâm, luộc, sên mới cho ra thành phẩm. Gừng dùng làm mứt được chọn lựa kỹ càng từ những củ gừng vừa phải bởi gừng quá non sẽ không đủ độ cay thơm, gừng quá già lại nhiều xơ, kém ngon. Gừng sau khi được rửa sạch, gọt vỏ sẽ đến công đoạn xăm gừng rồi cho vào các chậu mang phơi nắng. Trong lúc ngâm gừng người dân sẽ vắt thêm chanh tươi vào để giúp gừng có màu trong, đẹp mắt và thay nước sạch mỗi ngày. Sau khi phơi nắng khoảng 3-4 ngày, gừng sẽ được đem đi luộc chín. Gừng luộc chín sẽ được tẩm đường tiếp tục mang đi phơi nắng lần 2, chỉ đến khi nhìn miếng gừng chuyển màu, kẹo đường thì đã đạt chuẩn. Những mẻ gừng sau khi đã ngâm đường sẽ được người dân cho vào thùng bảo quản, đến khi nào cần bán thì mới tiến hành mang ra sên. Vào độ 15 tháng chạp, các hộ gia đình sẽ đỏ lửa để bắt đầu sên mứt, cung ứng cho thị trường. Thâm niên hàng chục năm làm nghề, bà Vân (74 tuổi) cho biết gia đình năm nay chuẩn bị khoảng 200kg mứt để phục vụ Tết. Hộ bà Vân hiện vẫn đang sản xuất mứt gừng bằng phương thức xăm thủ công. “Các củ gừng lớn có khi phải xăm cả tiếng đồng hồ mới xong. Lực xăm vừa phải, đều tay, cẩn thận để củ gừng không bị nứt vỡ”, bà Vân cho biết. “Các công đoạn làm mứt gừng nguyên củ tốn khá nhiều công sức nên nhiều gia đình đã không còn mặn mà với nghề. Hiện mỗi khu vực chỉ còn lác đác vài hộ gắn bó với công việc này”, bà Vân chia sẻ thêm. Ông Lý Hoàng Vân, hộ gia công gừng bằng máy để cung cấp cho các cơ sở làm mứt, chia sẻ: “Nếu xăm bằng tay trung bình một ngày chỉ có thể làm được khoảng 5kg gừng tươi, ngược lại dùng máy tôi có thể xăm lên đến 20kg/ngày”. Các củ gừng được xếp ngay ngắn lên vỉ trước khi đưa vào máy xăm do ông Vân tự chế. Các miếng mứt gừng vừa ra lò có màu vàng nâu đẹp mắt, mềm dẻo, cay nhẹ, thơm mùi đặc trưng. Mứt gừng hiện có giá 150.000 đồng/kg, bảo quản được từ 4-5 tháng. Theo bà Hai Phùng, hộ gia đình gắn bó lâu năm với nghề, bà đã bắt tay làm từ tháng 8 đến nay để vừa bán lẻ vừa phục vụ nhu cầu Tết. Hiện gia đình bà đã làm được hơn 100kg gừng. “Trung bình 5kg gừng tươi sẽ ra cho 5kg mứt, không quá hao hụt so với ban đầu. Hiện tại do giá gừng, đường tăng cao nên gia đình bà cũng tăng mức hơn 30.000 đồng/kg so với thời điểm năm ngoái”, bà Phùng chia sẻ. Video: Bưởi Diễn hàng chục triệu xuống phố chào Tết