Đồng Nai: Nhan nhản ‘cò’ lừa người lao động

“Tuyển công nhân bốc xếp lương từ 370.000 đến 500.000 đồng/ngày; nữ bán cà phê trong căn tin lương 5 triệu đồng/tháng; công nhân chăm sóc vườn hoa cây cảnh ở Đà Lạt lương 4,5 triệu đồng/tháng, bao ăn ở… ”. Những tờ quảng cáo kèm số điện thoại liên lạc kiểu này dán nhan nhản khắp nơi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và nhiều người tìm việc bị “trấn lột” tiền “cò” mà chẳng biết kêu đến ai…

Giao trứng cho ác

Anh Thập Minh Thống (28 tuổi, quê huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) hiện đang tạm trú tại ấp 5, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai kể: Ngày 20-8, anh thấy quảng cáo dán trên cột điện tuyển bốc xếp với mức tiền công 500.000-700.000 đồng/ngày nên gọi điện thoại theo số máy trên tờ rơi. Qua điện thoại, người tên Tài hướng dẫn anh đón xe buýt từ Đồng Nai lên khu vực phường Linh Xuân (Thủ Đức, TP.HCM) sẽ cho người ra đón. Đến nơi, Tài đưa anh vào quán cà phê ven quốc lộ 1A, bảo anh Thống đưa chứng minh nhân dân và đóng 300.000 đồng để làm giấy tờ. Sau khi lấy tiền, ghi giấy, Tài trả lại chứng minh nhân dân, đưa anh một số điện thoại, bảo anh đón xe buýt đến khu vực ngã tư Bồn Nước, phường An Bình, TP Biên Hòa (Đồng Nai) gọi điện thoại theo số máy Tài cho sẽ có người ra đón đưa về chỗ làm. Đến nơi, anh gọi vào số máy mà Tài đưa cho nhưng không liên lạc được. Biết bị lừa, anh Thống liền gọi điện thoại lại cho Tài nhưng anh ta không nghe máy.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Cường ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai cũng gọi điện thoại cho Tài xin làm công nhân bốc xếp. Vẫn khu vực phường Linh Xuân, anh Cường cũng nộp “phí” 300.000 đồng cho một chỗ làm ma.

Bà Liên, người bán nước ở ngã tư Bồn Nước, phường An Bình, TP Biên Hòa (Đồng Nai), cho biết: Từ đầu năm đến nay bà chứng kiến nhiều người đến khu vực này ngồi chờ để nhận việc bốc xếp nhưng chờ hoài mà chẳng có ai đến đưa đi nhận việc. Có người khi gọi lại cho những kẻ lừa đảo để đòi tiền thì bị đe dọa là sẽ bị “xử đẹp” nếu còn gọi điện thoại quấy rầy.

Tài (Hoàng) làm “cò” thu tiền người lao động nhưng không giới thiệu việc làm. Ảnh: T.DŨNG

Tờ rơi tuyển dụng Tài dán khắp nơi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: T.DŨNG

Hàng trăm nạn nhân

Sáng 27-8, chúng tôi điện thoại cho Tài để tìm việc làm. Qua điện thoại, Tài tiếp thị các công việc như căn tin, bán cà phê ở Bình Dương với mức lương 5 triệu đồng/tháng bao ăn ở. Nếu muốn đi làm thì mang chứng minh nhân dân, tư trang đến cầu vượt Linh Xuân.

Qua tiếp cận, Tài tiết lộ thật ra mình tên Hoàng, 24 tuổi, quê ở Thanh Hóa, vào nghề đã hơn bảy năm. Tài cho chúng tôi xem website của Công ty TNHH Thương mại Vận tải bốc xếp Hoàng Hà (trụ sở ở 15/9 quốc lộ 1A, Dĩ An, Bình Dương) và khoe công ty là do Tài làm giám đốc. Tài cho biết trên trang web ghi tuyển lao động nhiều lĩnh vực nhưng thực chất chỉ tuyển lao động bốc xếp, làm vườn và nữ đi bán cà phê, massage. Vốn điều lệ ghi trên website này lên đến 1,9 tỉ đồng (?!).

Tài cho biết nếu tuyển lao động bốc vác, đi làm vườn tại Đà Lạt thì thu mỗi người 300.000 đồng phí dịch vụ giới thiệu. Ngoài ra, các chủ vườn sẽ trả cho Tài 800.000 đồng/người tiền công giới thiệu. Còn khi giới thiệu được người đi bán cà phê, tiếp viên karaoke và massage, Tài không thu tiền mà nơi nhận lao động sẽ trả cho Tài 1,5 triệu đồng/người. “Việc họ vào những chỗ đó làm có phù hợp hay không, quan hệ giữa họ với chủ là việc của họ, tôi không quan tâm” - Tài nói.

Trong khi trò chuyện, Tài liên tục nhận điện thoại của người đi tìm việc làm. Ai gọi đến Tài cũng yêu cầu mang chứng minh nhân dân, quần áo và 300.000 đồng để đóng phí.

Địa chỉ của website lại là công ty khác. Ảnh: TD

Website công ty Tài trên mạng. Ảnh: T.DŨNG

Chỉ là công ty ma

Chiều 3-9, chúng tôi đến địa chỉ 15/9 quốc lộ 1A, khu phố Bình Đường 2, phường An Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương để xác minh về công ty của Tài. Thật bất ngờ, tại địa chỉ này trưng bảng hiệu to tướng là trụ sở của Công ty TNHH Vạn Long. Qua tìm hiểu, Công ty Vạn Long là tên cũ, còn ở địa chỉ trên hiện là khách sạn Kim Sơn. “Ở khu vực này chỉ có khách sạn và khu nhà trọ của công nhân, không có Công ty TNHH Thương mại Vận tải Bốc xếp Hoàng Hà” - một người dân địa phương khẳng định.

Qua nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi xác định được có ít nhất bốn nhóm người làm “cò” lao động không đàng hoàng kiểu như Tài. Hai nhóm do Tài cầm đầu hoạt động ở khu vực cầu vượt Linh Xuân và Trường ĐH Nông Lâm (Thủ Đức, TP.HCM). Hai nhóm khác do một người tên Tuấn, một người tên Hằng hoạt động ở khu vực cầu vượt An Sương, quận 12 (TP.HCM). Ước tính mỗi ngày có hàng chục người tìm đến các nhóm này xin việc và mất khoản tiền môi giới nhưng việc làm thì không thấy đâu.

TIẾN DŨNG

Đưa vào các “tổ quỷ”

Trong một quán cà phê ở khu vực cầu vượt Linh Xuân, Tài nói: “Chị em đẹp, xấu gì tôi cũng tuyển hết. Nếu chịu đi bán cà phê ôm, karaoke ôm, massage sẽ được chủ quán trả công 3 triệu đồng/tháng, tiền bo, “đi” khách được hưởng trọn. Nhận việc sẽ ở lại làm luôn, làm một thời gian sẽ được về thăm gia đình, khi quen sẽ được chủ cho sử dụng điện thoại để liên lạc. Còn nếu bán cà phê bình thường thì lương chỉ 2,7-3 triệu đồng/tháng, không bao ăn ở nhưng hiện giờ không tuyển nữa”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm