Bắt đầu đăng ký nuôi chó

Ngày 19-9, Thông tư số 48/2009 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật có hiệu lực.

Nội dung quan trọng nhất được nhiều người quan tâm là kể từ 19-9, người nuôi chó phải thực hiện đăng ký với UBND cấp xã, phường và được cấp sổ quản lý. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên cho thấy việc triển khai quy định này ở TP.HCM có nơi làm được bước thống kê, còn chủ yếu vẫn chờ hướng dẫn của TP.

Mới chỉ làm “sơ sơ”

Thông tư 48 quy định tại các đô thị, nơi đông dân cư, kể cả vùng nông thôn (trừ vùng sâu, vùng xa), tổ chức, cá nhân nuôi chó phải đăng ký với trưởng thôn, trưởng ấp hoặc tổ trưởng dân phố để lập danh sách, trình UBND xã, phường cấp sổ quản lý chó. Sổ quản lý chó phải ghi rõ ngày, tháng, năm sinh; loài, giống, tính biệt, màu lông; ngày gia đình bắt đầu nuôi, thời gian tiêm phòng các loại vắc-xin, số lô.

Triển khai quy định này, bà Lý Hồng Tiết Hạnh, Phó Chủ tịch UBND phường 7 (quận 5), cho biết phường đã thống kê ghi nhận gần 200 hộ có nuôi chó. Ông Tô Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Chánh (Hóc Môn), cũng cho biết trước đây xã có sổ ghi chép số lượng chó nuôi dựa vào thống kê chó được tiêm phòng. Tuy nhiên, con số không chính xác do có trường hợp người nuôi chó nhưng không tiêm phòng. “Hiện quy định người nuôi chó phải đăng ký thì số lượng sẽ đầy đủ hơn, chính quyền giám sát chặt chẽ hơn” - ông Tùng nhận định.

Theo ông Thái Nguyên Phương, Chủ tịch UBND phường 4 (quận 10), hiện phường đang thống kê danh sách các hộ nuôi chó hiện có trên địa bàn phường. Khoảng đầu tháng 10, phường sẽ nắm rõ danh sách này để tổ chức tuyên truyền cho các hộ dân về việc làm sổ đăng ký nuôi chó, cách thức quản lý chó, các mức phạt nếu vi phạm... “Bước đầu, phường chỉ chủ động thống kê trước để khi có hướng dẫn của TP thì có thể bắt tay triển khai thực hiện ngay” - ông Phương cho biết.

Chủ yếu chờ hướng dẫn

Tương tự, phường 4 (quận 10), các tổ dân phố ở phường 6 (quận 5) cũng đang thống kê lại số hộ nuôi chó để chờ khi có hướng dẫn của TP mới triển khai thực hiện. “Chúng tôi biết hôm nay là ngày Thông tư 48 có hiệu lực nhưng phường vẫn chưa thể thực hiện ngay được vì còn nhiều điều cần phải có hướng dẫn cụ thể. Chẳng hạn, thông tư chỉ nói là giao cho phường cấp sổ quản lý chó nuôi nhưng việc tổ chức, thực hiện, xử phạt thì chưa biết ra sao...” - ông Lê Tấn Tài, Chủ tịch UBND phường này nói.

Bắt chó chạy rong để tránh tai nạn cho người đi đường. Ảnh: TRẦN NGỌC
Bắt chó chạy rong để tránh tai nạn cho người đi đường. Ảnh: TRẦN NGỌC

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Châu, Chủ tịch UBND xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), khẳng định xã chưa thể triển khai quy định cấp sổ quản lý chó nuôi vì đến nay vẫn chưa có chỉ đạo hay hướng dẫn thực hiện cụ thể gì từ cấp trên.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng trạm Phòng chống dịch và Kiểm dịch động vật (Chi cục Thú y TP.HCM), cho biết Chi cục đang tham mưu cho Sở NN&PTNT kế hoạch thực hiện các nội dung của Thông tư 48. Trong đó, nội dung được chú ý hướng dẫn thực hiện là việc cấp sổ quản lý chó nuôi cho các hộ dân. Sau đó, Sở sẽ trình lãnh đạo UBND TP phê duyệt để triển khai thực hiện đồng loạt ở các phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.

Tuy nhiên, ông Nguyên nhận định việc thực hiện quy định đăng ký chó nuôi cần có thời gian, không thể một sớm một chiều. Do vậy, công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục vẫn là trọng tâm. “Khi thực hiện Thông tư 48 thì các quận nội thành tương đối thuận lợi, còn những huyện ngoại thành sẽ gặp khó khăn do địa bàn quá rộng” - ông Nguyên nhận định.

Được giải thích, dân sẽ đồng thuận cao

Bà Lý Hồng Tiết Hạnh, Phó Chủ tịch UBND phường 7 (quận 5), kể khi phường phổ biến quy định đăng ký chó nuôi với địa phương thì không ít bà con cười, cho là chuyện lạ. Tuy nhiên, khi được phường giải thích cặn kẽ mục đích của việc đăng ký thì nhiều người đồng thuận.

Phó Chủ tịch UBND phường 12 (Gò Vấp) Huỳnh Thị Thanh Lan cũng cho biết khi nghe phường phổ biến việc đăng ký chó nuôi là để cơ quan chức năng dễ dàng giám sát công tác tiêm phòng bệnh dại là mọi người ủng hộ ngay.

“Một khi chủ nuôi ý thức được việc đăng ký nuôi chó thì công tác phòng chống bệnh dại sẽ đạt hiệu quả cao” - ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng trạm Phòng chống dịch và Kiểm dịch động vật, Chi cục Thú y TP.HCM, hy vọng.

T.NGỌC - T.HẰNG - V.ĐOÀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm