Chỉnh sửa tải trọng cầu đường, xe đầu kéo sẽ hết "run”

Liên quan đến những bất cập về hạn chế tải trọng cầu đường, Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu Cục Đường bộ không được cắm biển hạn chế tải trọng 30T ở các cầu mới xây. Với các cầu được báo cáo là cầu cũ, đã xuống cấp thì phải lập danh sách để thẩm định, kiểm tra, xem xét hướng dẫn điều tiết khoảng cách tối thiểu phải giữ giữa các phương tiện qua cầu theo hướng tạo điều kiện cho vận tải và đảm bảo an toàn cầu.

Hết cảnh ách tắc vì biển báo lạc hậu

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 11-9, ông Ngô Quang Đảo, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết hiện các khu quản lý đường bộ đã rà soát và gửi báo cáo về Cục. Căn cứ vào đó, Cục sẽ tổng hợp và quyết định điều chỉnh nâng mức tải trọng cầu, đường cho phù hợp với thực tế. Đối với các hệ thống cầu, đường được xây dựng mới sẽ không cắm biển hạn chế tải trọng. Với hệ thống cầu được xây dựng theo tiêu chuẩn H30-XB80 hoặc HL93 thì từ năm 2004, Cục đã chỉ đạo các khu quản lý đường bộ dỡ bỏ biển hạn chế tải trọng nhưng ở một số tuyến đường do địa phương quản lý vẫn tồn tại các biển hạn chế này. Sắp tới sẽ kiến nghị dỡ bỏ, tạo thuận lợi cho các phương tiện đi lại.

Về kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam rằng việc cắm biển báo tải trọng cầu 30 tấn trở xuống là không hợp lý (vì đây chỉ là tải trọng áp dụng đối với xe tải thường trong khi tổ hợp đầu kéo và sơmi rơmoóc thường có tải trọng thiết kế 36-45 tấn), ông Đảo cho biết Cục sẽ tiến hành điều chỉnh. Theo đó, đối với xe đơn (còn gọi là xe cứng hay xe liền có từ hai đến bốn trục) sẽ cho phép trọng tải qua cầu là 30 tấn. Đối với tổ hợp xe sơmi rơmoóc hay xe rơmoóc trọng tải cho phép là 40 tấn. Riêng những xe chở hàng liền khối với trọng tải lớn thì cho phép chở theo tổ hợp, không phải tách rời hàng.

Cần “gỡ” cả việc nhập khẩu, đăng kiểm

Tuy nhiên, theo ông Đảo, việc điều chỉnh nâng mức tải trọng cầu đường sắp tới cũng chỉ có giới hạn, phù hợp với thực tế cầu, đường chứ không thể theo trọng tải mà cơ quan đăng kiểm cấp phép. “Việc cấp phép mà cơ quan đăng kiểm đang thực hiện chưa phù hợp. Lẽ ra khi ban hành tiêu chuẩn nhập khẩu các xe trọng tải lớn vào Việt Nam, Bộ Công thương và đăng kiểm phải lấy ý kiến của đơn vị, xem phương tiện đó có phù hợp với hệ thống cầu đường hay không. Chứ không thể cứ nhập vô tội vạ như hiện nay được” - ông Đảo nói.

Riêng về việc cấp phép lưu hành cho tổ hợp xe sơmi rơmoóc hay rơmoóc, ông Đảo cho biết theo Quyết định 60 thì trên 32 tuyến đường đó phương tiện được phép “vô tư” chạy. Nhưng thực tế, trên tuyến vẫn còn một số cầu chưa nâng cấp, chưa đồng bộ nên vẫn phải duy trì việc cấp phép lưu hành. “Cục đang nghiên cứu để thay đổi việc này, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp vận tải tham gia giao thông”.

Theo ông Đảo, dự kiến trong tuần tới, sau khi hoàn tất việc rà soát hệ thống biển báo, Cục sẽ tổ chức họp báo. Đồng thời, Cục sẽ giải đáp mọi thắc mắc của giới doanh nghiệp vận tải, cũng như báo chí về hệ thống biển báo cầu đường hiện nay.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm