Có một thời coi đá bóng bằng… tai

Ông Huyền Vũ (1915-2005) tên thật là Nguyễn Ngọc Nhung, ký giả thể thao và là bình luận viên đá banh nổi tiếng.

Hồi đó, mỗi lần có trận đá banh nào, người ta hay canh me mở radio ra để… coi đá bóng. Từ trong chiếc radio phát ra giọng nói nhanh nhưng không vấp và rất rõ: “Hôm nay là trận tranh tài giải túc cầu vòng loại giải vô địch thế vận hội 64 giữa hai đội túc cầu Do Thái và đội túc cầu tuyển thủ Thanh niên. Về đội chủ nhà, chúng ta có mặt của cầu thủ Phạm Huỳnh Tam Lang, ngôi 1, ngôi 2, Dương Văn Thà, Phạm Văn Lắm, Phạm Văn Mỹ… Đặc biệt có mặt của thủ môn Bình Dương Phạm Văn Rạng với đôi tay lưỡng thủ vạn năng…”.

Có lúc giọng nói ông Huyền Vũ chậm lại, đều đều: “… Tam Lang bỏ cho Đỗ Thới Vinh. Ngôi 1 ở phía sau sẵn sàng…”; đột ngột giọng ông vang ra thật lớn: “S…ú…t… Cú sút như trái phá…”. Rồi bỗng dưng giọng ông nhỏ lại và buồn tẻ: “Nhưng quả da đụng khung thành bật ra… Ta đã uổng một dịp thắng bằng vàng!”…

Ông Huyền Vũ là cha đẻ của những cụm từ “kinh điển”: “một dịp thắng bằng vàng”, “cứu một bàn thua trông thấy” và chữ đặc biệt để nói về quả bóng: “quả da”… Những cụm từ trên đã đi vào ngôn ngữ đời sống hằng ngày của chúng tôi, đại loại như “thằng Hiệp đã cho tao cọp dê, nó cứu tao một bàn thua trông thấy”.

Họa sĩ Trịnh Cung từng kể: “Tôi nghe ông (tức Huyền Vũ) từ khi còn bé, đến bây giờ vẫn không thể nào quên. Đúng là cho đến bây giờ vẫn chưa ai có thể “bén gót” được ông chứ đừng nói đến thay thế. Hồi đó, khi còn là cậu học sinh trung học, không phải chỉ mình tôi mà cả một thế hệ những học sinh ở Nha Trang như tôi đều mê ông. Vào thời đó chưa có truyền hình, ông Huyền Vũ chỉ có tiếng nói qua “làn sóng điện” chứ không có hình, vậy mà nghe ông, thính giả cứ tưởng như đang được coi một trận đấu thực thụ đang diễn ra từng pha bóng trước mặt mình: “Đi tới trước khung thành rồi, Ngầu đang lừa banh, qua rồi, Há đựng đợi bên trong, đưa banh, Há bỏ cho Ngầu, Liêm ở phía sau sẵn sàng, cú sút như trái phá… nhưng “quả da” đụng khung thành bật ra. Tam Lang lại được banh từ giữa sân, đưa dài lên, cú sút của Tư chéo góc… Dzô! Dzô! Dzô, tuyệt tác. Sân cỏ nổ tung! Rồi Đực, rồi Rạng với đường banh huê mỹ vặn chéo người cứu một bàn thua trông thấy khiến khán giả choáng váng…”. Ông ấy làm tôi ở nhà cũng choáng váng theo”.

Nhiều chuyên gia bóng đá nhận định về tường thuật của ông Huyền Vũ cho rằng ông đã cho khán giả “thấy” cả những gì cần biết đang diễn ra. Ông Huyền Vũ nói năng lưu loát, tuôn trào như suối chảy. Dù không phải là một cầu thủ nhưng tên tuổi của ông dân túc cầu giáo trước đây khó có thể nào quên.

Còn bây giờ, một vài người bình luận “ngắc ngứ, giật cục”, thường phải dừng lại để tìm chữ, tìm tên cầu thủ cho đúng, làm mất cái hứng thú của một trận đấu, không truyền được cho thính giả ngồi nhà cả cái “máu me” của các cầu thủ đang đi banh, lừa banh, bị thương hoặc chiến thắng và ngay cả khi thua trận…

Bây giờ, xem bóng đá qua màn ảnh truyền hình, nghe vài bình luận viên tường thuật mà đôi lúc nghĩ họ đừng nói thì hay hơn. Và những ngày này, tôi có ước muốn được nghe lại giọng nói của ông Huyền Vũ qua trận đấu giữa U-23 Việt Nam và Uzbekistan để ông ấy lây truyền cảm hứng từ những đường đi lắt léo của quả da. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm