Cứu cả ngàn người thoát khỏi thủy thần - Kỳ 1: Những lời tri ân

“Khi cận kề giữa sống và chết, tôi mới hiểu mình vừa được sinh ra lần thứ hai!” - chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM), đã viết như vậy trong email gửi cho chúng tôi đầu xuân Tân Mão 2011 để thêm một lần nữa nói lời tri ân các nhân viên Đội cứu hộ biển Đà Nẵng đã cứu chị thoát khỏi nguy hiểm do bất cẩn trong một lần tắm biển.

Cứu cả ngàn người thoát khỏi thủy thần - Kỳ 1: Những lời tri ân ảnh 1

Nhân viên cứu hộ biển lặng lẽ canh trực cho hàng ngàn người dân và du khách vui đùa với biển. Ảnh: HẢI CHÂU

Đội cứu hộ - hàng rào an toàn

Chị Bích Hạnh kể ngày 2-10-2007, chị từ TP.HCM ra Đà Nẵng công tác và đi tắm biển ở bãi tắm T20. Do chủ quan nên chị hụt chân vào vùng trũng sâu và bị đuối nước. Chị giơ tay kêu cứu trong tuyệt vọng rồi bất tỉnh, không biết gì nữa. Khi tỉnh lại trong bệnh viện, chị mới biết mình vừa được một nhân viên Đội cứu hộ biển Đà Nẵng giành lại mạng sống.

Tháng 3-2009, chị Bích Hạnh trở lại biển Đà Nẵng mong tìm gặp vị ân nhân mà mình vẫn chưa kịp biết tên. Đi dọc bờ biển, thấy các nhân viên cứu hộ túc trực đảm bảo an toàn cho khách tắm biển, chị cảm thấy vui và an tâm hơn hẳn. Có lẽ phải tận mắt chứng kiến tâm huyết và lòng quả cảm của các nhân viên cứu hộ mới thấu hết những dòng thư đầy xúc động của chị:

“Khoảng 5 giờ 30 chiều 15-3-2009, tôi đứng tại trạm cứu hộ bãi tắm T20. Khách xuống tắm biển rất đông, nhiều người bất chấp những tấm bảng cảnh báo “Cấm tắm, vùng nước xoáy”, cứ vô tư đùa vui ở khu vực nguy hiểm. Sau những hồi còi kêu gọi không hiệu quả, các anh cứu hộ đã tập trung xuống biển nắm tay tạo thành hàng rào an toàn cho mọi người giữa sóng lớn mưa to. Hình ảnh của các anh khiến tôi không thể quên và tôi đã bật khóc giữa chốn đông người!”.

“Không ngờ vợ chồng còn được gặp lại nhau”

Cứu cả ngàn người thoát khỏi thủy thần - Kỳ 1: Những lời tri ân ảnh 2

Nhân viên đội cứu hộ biển Đà Nẵng sơ cứu cho khách tắm biển gặp nạn. Ảnh: HẢI CHÂU

Trước đó, ngày 2-5-2003, vợ chồng ông Nguyễn Cam (trú tại C105, Trung tâm Dược phẩm 2, Lê Gia Định, Hà Nội) cũng gửi vào Đà Nẵng lá thư chan chứa tình cảm: “… Lên tàu rời Hà Nội tối 28-4, chúng tôi đến Đà Nẵng trưa hôm sau. Cảm nhận ban đầu là một TP xinh xắn và sạch sẽ. Sau khi đi vòng quanh TP, chúng tôi đến khách sạn Mỹ Khê và bị cuốn hút bởi vẻ đẹp trong xanh với những bãi cát trắng mịn màng của bãi biển trước mặt. Cả hai cảm thấy rất vui và khỏe mạnh nên quyết định xuống tắm ngay.

Chúng tôi thuê phao ra nhảy sóng, được một lúc thì bất ngờ bị cuốn ra xa. Tôi bảo vợ bình tĩnh ôm chặt phao và bắt đầu kêu cứu. Thình lình một cơn sóng to chồm tới bật tung phao đi. Vì không biết bơi, vợ tôi bị sóng đánh chìm. Tôi vội lao vào xốc vợ lên, cố sức vật lộn với tử thần. Vợ tôi hoảng sợ ôm tôi rất chặt khiến tôi bơi rất khó, phải bơi đứng nhoi lên mặt nước để thở và tiếp tục kêu cứu. Sau một hồi vật lộn, vợ tôi ngất đi nhưng một tay vẫn ôm tôi rất chặt, tay kia giơ lên trời mong có người nhìn thấy đến cứu. Tôi tuy còn tỉnh táo nhưng đuối sức nên không kêu cứu được nữa, chỉ rướn người đạp nước để cả hai ngoi lên thở rồi lại chìm xuống...

Chính lúc tôi cảm thấy cái chết đang cận kề thì có một cánh tay túm lấy vai vợ tôi. Tôi gỡ tay vợ ra và để người tự thả nổi, lòng thấy thanh thản vì nghĩ vợ mình đã được cứu sống. Lúc đó, người tôi mềm nhũn, tay chân rã rời, hầu như không cử động được, cứ để sóng cuốn đi. Thực lòng tôi không mấy hy vọng mình sẽ được cứu sống. Nhưng chỉ một lát sau, một thanh niên (sau này tôi mới biết là đội viên cứu hộ biển Đà Nẵng) đỡ lấy tôi dìu dần vào bờ. Tuy còn rất yếu nhưng tôi vẫn ý thức được kỹ thuật sơ cứu hết sức chuyên nghiệp của họ. Xe cấp cứu đến đưa vợ tôi đi trước. Một lúc sau, tôi cũng được đưa lên taxi chuyển đến BV Đà Nẵng.

Trong bệnh viện, vợ chồng tôi nhìn nhau trào nước mắt, không ngờ còn được gặp lại nhau”.

Người đã trực tiếp cứu sống vợ chồng ông Nguyễn Cam là anh Nguyễn Văn Sơn. Đây là một trong những nhân viên cứu hộ to khỏe, giỏi nghề nhất đội nhưng bất ngờ vĩnh viễn đi xa khi mới 32 tuổi sau một cơn tai biến, để lại người vợ trẻ, hai con thơ cùng bao nỗi tiếc nhớ cho cả đội.

Những người thầm lặng

Trên đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp đã được Đội cứu hộ biển Đà Nẵng (thuộc Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng) cứu sống kể từ khi thành lập năm 2000 đến nay. Đội trưởng Nguyễn Quốc Vinh cho hay chẳng bao giờ ghi lại họ tên, địa chỉ các nạn nhân, chỉ khi gặp trường hợp đặc biệt lắm thì các anh mới nhớ. Nhưng lấy bình quân hơn 120 trường hợp gặp nạn được cứu năm 2010 thì trong 10 năm qua, có lẽ đã có cả ngàn người được các anh giành lại sự sống từ tay thủy thần. Đặc biệt, nếu trước đây năm nào cũng có 5-7 trường hợp chết đuối thì năm 2010 là lần đầu tiên không xảy ra bất cứ ca tử vong nào tại 15 bãi tắm du lịch do đội quản lý.

Nhân viên cứu hộ Nguyễn Nữa nhớ mãi lần cứu một em bé mới 10 tuổi bị sẩy chân vào hục ở bãi tắm T18 hồi năm 2002: “Khi nghe tiếng kêu cứu của người nhà, chúng tôi đã phán đoán sự việc, hỏi người nhà cháu bé tắm ở đoạn nào, lập tức tôi lặn gấp ra chỗ cháu để mò tìm. Do bị uống nước, cháu chìm rất nhanh, mất một lúc tôi mới tìm được cháu, đưa vào bờ và sơ cứu hô hấp nhân tạo khẩn cấp. Rất may là cháu nhanh chóng tỉnh lại. Đến bây giờ, người nhà vẫn thỉnh thoảng gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe tôi”.

Có không ít người sau khi được cứu, sợ quá bỏ đi luôn một hơi chẳng biết ở đâu. Nhưng cũng không hiếm người sau khi thoát nạn đã quay lại cảm ơn. “Anh em trong đội luôn tâm niệm mình làm công việc này vì nhân đạo chứ chẳng phải để mong được cảm ơn. Chỉ mong mọi người đừng chủ quan, luôn tuân thủ quy định chung khi tắm biển để tránh gặp nguy hiểm là chúng tôi vui lắm rồi!” - Đội trưởng Nguyễn Quốc Vinh tâm sự.

Mức lương quá bèo bọt!

Nhiều người do yêu cầu công tác hoặc không chịu nổi áp lực khắc nghiệt của công việc nên đã chia tay với đội, với nghề. Tuy thế, lực lượng của đội vẫn không ngừng phát triển, từ 24 thành viên ban đầu nay đã lên 73 người, bao quát 15 bãi tắm du lịch đông khách nhất trên dải bờ biển hơn 55 km.

Phó Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng Phan Minh Hải cho biết hiện Đội cứu hộ biển chỉ được hưởng lương theo ngạch bảo vệ. Phải có thâm niên 10 năm công tác mới được mức lương… 1,8 triệu đồng/tháng, còn mới vào nghề thì chỉ 1,2 triệu đồng. Cộng thêm phụ cấp độc hại 240.000 đồng thì thu nhập cao nhất của họ cũng chỉ 2 triệu đồng/tháng, số tiền quá eo hẹp để trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học chứ chưa nói tới bồi dưỡng để đủ sức vượt qua sóng biển cứu người.

HẢI CHÂU

Kỳ sau: Ngoài biết bơi giỏi phải có cái tâm

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm