Cái gì làm nên tỷ lệ tốt nghiệp cực thấp?

rường THPT Hương Lâm là trường cụm của học sinh năm xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện A Lưới, gồm A Roàng, A Đớt, Đông Sơn, Hương Lâm và Hương Phong. Liên tiếp mấy năm liền, tỷ lệ thí sinh rớt tốt nghiệp THPT cao nhất, nhì tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Học xong lớp 9 lên thẳng lớp 10

Thầy Nguyễn Thanh Toán - Hiệu trưởng Trường THPT Hương Lâm cho biết: “Kỳ thi tốt nghiệp năm nay, toàn trường có 116 em dự thi tốt nghiệp nhưng chỉ có 15 em đậu, giảm 4% so với năm ngoái. Hơn 95% học sinh của trường là người dân tộc, đời sống gia đình rất khó khăn. Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp các em còn phải lên nương rẫy, vào rừng phụ giúp cha mẹ. Nhiều em cả tuần ở trong rẫy làm việc, không đến trường”.

Theo thầy Toán, nguyên nhân tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT quá thấp là vì đầu vào bậc học phổ thông của trường rất thấp, các em học sinh học xong lớp 9 đều được tuyển vào lớp 10, thậm chí yếu kém. Ngoài ra, trong quá trình học tập từ lớp 10 đến lớp 12, đáng ra phải có 40%-50% số học sinh lưu ban nhưng do “ưu tiên” nên chỉ hơn 10% phải lưu ban mỗi năm. Hiện tại, Trường THPT Hương Lâm còn thiếu tới tám giáo viên, phải điều giáo viên cấp hai lên dạy cấp ba để “chữa cháy”. Trường lại không có thư viện hay một phòng chức năng nào phục vụ cho thí nghiệm, thực hành, các môn học đều phải “học chay”!

Cùng chung cảnh ngộ trên còn có trường THCS và THPT Hồng Vân chỉ với 10,9% thí sinh đậu tốt nghiệp. Theo thầy Đoàn Chí Quýnh - Hiệu trưởng trường THCS và THPT Hồng Vân, ý thức về việc học của học sinh cũng như phụ huynh quá kém. Em nào ở lại lớp là bỏ học, nhà trường lại phải đi năn nỉ phụ huynh cho các em quay lại lớp.

“Mong một em đậu cũng vui rồi!”

Năm nay, lần đầu tiên tại Thừa Thiên-Huế, hai trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện A Lưới và Phú Lộc không có thí sinh nào đậu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Điều này phản ánh đúng chất lượng dạy và học của những trung tâm này” - bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên-Huế khẳng định.

Năm học 2007-2008, Trung tâm GDTX huyện A Lưới có 110 học sinh lớp 12, trong đó có 105 học sinh người dân tộc. Tổng kết cuối năm chỉ có một em xếp loại trung bình, 70 em học lực yếu và 39 em xếp loại kém. “Trung tâm như cái thùng, chứa mọi thứ yếu kém về giáo dục ở huyện A Lưới: học sinh cá biệt, học lực yếu kém, học sinh thi tốt nghiệp hai lần không đậu ở các trường phổ thông trong huyện không được dự thi đều đổ về đây đăng ký dự thi. Vì đồng bào, vì nhiệm vụ chúng tôi không thể không nhận mà nhận thì...” - thầy Hồ Măng - Giám đốc Trung tâm GDTX huyện A Lưới bộc bạch.

Một nguyên nhân nữa làm chất lượng giáo dục tại trung tâm này đạt kết quả thấp là việc “quá tải” phòng học và đội ngũ giáo viên giảng dạy quá thiếu. Trung tâm có 14 lớp ở tất cả các khối, từ lớp 6 đến lớp 12 nhưng chỉ có bốn phòng học và bảy giáo viên. Thầy Phạm Đình Minh - Phó Giám đốc Trung tâm GDTX huyện A Lưới cho biết: “Đã nhiều lần trung tâm xin giáo viên bổ sung. Sở đã đồng ý phân chỉ tiêu nhưng không ai chịu lên đây giảng dạy”.

2/120 học sinh đậu tốt nghiệp

Đó là Trường THPT Tây Trà (huyện miền núi Tây Trà). Cả trường có 120 thí sinh dự thi nhưng chỉ có hai em đậu tốt nghiệp, chiếm 1,6%. Năm ngoái, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện miền núi Sơn Tây có 0% thí sinh thi đậu tốt nghiệp. Những con số khiêm tốn này đã làm đắng lòng các sĩ tử, các thầy cô và những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục ở Quảng Ngãi...

Theo thầy Đỗ Ngọc Đức - Hiệu trưởng Trường THPT Tây Trà, học sinh của trường đều là con em đồng bào dân tộc Cor. Các em hổng kiến thức từ THCS nên lên bậc THPT, nghe giảng bài nhiều em cứ thừ người ra. Nhất là môn tiếng Anh, các em nói và viết tiếng Việt lỗi chính tả quá nhiều nên học tiếng Anh càng khó. Việc phụ đạo cho học sinh yếu kém trên cơ sở tăng giờ, tăng tiết (mà chẳng cần bồi dưỡng một đồng nào) được tiến hành từ đầu năm. Thế nhưng cái nền của kiến thức đã hổng nên trong quá trình học, bài sau chồng lên bài trước, cái lỗ hổng kiến thức từ những năm trước lại ngày càng to thêm. Có “đắp” mãi cũng không xong.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà Lê Trường Sơn cho rằng: Sự mất căn bản là nguyên nhân cơ bản cộng với sự khổ nghèo nên chuyện học hành của các em càng khó khăn. Ông cho biết ở huyện miền núi này có đến 85% hộ nghèo. Các em học sinh đến trường chỉ có gạo, mắm và rau rừng tự hái. Mùa mưa gió, nước sông Hà Riềng, sông Trường dâng cao gây cô lập, chia cắt không thể về nhà được nên thầy cô phải góp tiền mua gạo cho các em nấu ăn. Thậm chí hai năm rồi, khi Sở GD&ĐT Quảng Ngãi tổ chức điểm thi dưới Trường THPT Trà Bồng, cách huyện Tây Trà 30 km đường đèo dốc, nhiều em lo ngại không có tiền đi xe nên UBND huyện trích 15 triệu đồng để thuê xe, tổ chức nấu cơm cho các em ăn. Có em vì phải làm kiếm tiền phụ giúp gia đình, bữa học, bữa nghỉ nên không theo kịp chương trình.

Thầy Đỗ Ngọc Đức - hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ban giám hiệu đã động viên các thầy cô phải cố gắng ôn tập cho các em. Theo kế hoạch, từ đầu tháng 7 tới, các em thi rớt tốt nghiệp sẽ về trường để ôn tập trong vòng sáu tuần để dự thi lần hai”.

NGUYÊN LINH - VÕ QUÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm