Dự án Luật Nhà giáo: Không nên cào bằng mức lương giáo viên

Hôm qua (15-6), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà giáo, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cho dự án Luật Nhà giáo. Dự kiến, dự án Luật Nhà giáo sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2010.

Trình độ khác nhau, lương như nhau!

Liên quan đến các quyền lợi của nhà giáo, ngày 23-5-1993, Chính phủ ban hành Nghị định 25 quy định tạm thời chế độ tiền lương của công chức, viên chức hành chính. Theo đó, giảng viên có ba ngạch: giảng viên (10 bậc lương), phó giáo sư và giảng viên chính (chín bậc lương), giáo sư (bảy bậc); giáo viên trung học (THCN, dạy nghề và PTTH) có hai ngạch: giáo viên trung học (10 bậc) và trung học cao cấp (11 bậc); giáo viên tiểu học và giáo viên mầm non chỉ có một ngạch với chức danh giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non (16 bậc lương).

Theo ông Nguyễn Hữu Diễn, nguyên Quyền Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), nghị định này có nhiều chính sách không hợp lý đối với nhà giáo và cần được sửa đổi, luật hóa trong Luật Nhà giáo. Chẳng hạn, ba nhóm giáo viên (trung học cơ sở, tiểu học, mầm non) có trình độ đào tạo khác nhau nhưng được xếp chung một ngạch lương là điều bất hợp lý. Chưa kể, khoảng cách giữa hai bậc lương liền kề trong cùng một ngạch quá nhỏ nên khi nâng bậc lương, chưa có giá trị khuyến khích giáo viên; ngạch lương có quá nhiều bậc dẫn tới những bậc cuối cùng là bậc treo, giáo viên về hưu vẫn chưa được hưởng các bậc của ngạch, chưa bảo đảm vai trò kích thích của tiền lương.

Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT, trong đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục đang chờ Quốc hội thông qua, Bộ GD&ĐT cũng đã dành một phần về việc đề xuất sẽ khôi phục chế độ phụ cấp theo thâm niên. Ủy ban Thẩm tra thanh thiếu niên của Quốc hội hiện cũng có ý kiến đồng ý.

Cũng liên quan đến vấn đề lương, bậc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương Đoàn Thị Minh Công cho rằng thật bất hợp lý khi cùng tốt nghiệp đại học nhưng giáo viên tiểu học ra trường được xếp ngạch giáo viên tiểu học cao cấp. Trong khi giáo viên trung học (THCS và THPT) dù trình độ chuyên môn giỏi, thời gian công tác trên 30 năm vẫn không được xếp ngạch giáo viên trung học cao cấp vì Bộ GD&ĐT không tổ chức thi và chưa phân cấp cho tỉnh tổ chức thi!

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nêu một khuyến cáo của UNESCO: Các nước đang phát triển cần đảm bảo tiền lương trung bình của giáo viên phổ thông khoảng 3,5 lần GDP. Nghĩa là nếu GDP của Việt Nam hiện nay là 1.000 USD/người/năm thì lương của giáo viên phổ thông là 3.500 USD/năm (khoảng 300 USD/tháng, tương đương hơn năm triệu đồng/tháng).

Khôi phục chế độ phụ cấp thâm niên?

Cũng theo Nghị định 25, nhà giáo không còn được hưởng chế độ phụ cấp nghề. Tuy nhiên, tiến sĩ Vũ Văn Dụ, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo viên, Bộ GD&ĐT, cho rằng: “Cắt bỏ phụ cấp thâm niên giáo dục sẽ không thể hiện sự ưu đãi đối với lao động đặc thù. Theo tôi, để có bước đột phá trong xây dựng đội ngũ giáo viên cần phải đưa vào kết cấu tiền lương các yếu tố nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và phụ cấp. Tôi cũng đề nghị nên khôi phục vấn đề phụ cấp thâm niên, đồng thời nên có các phụ cấp mới theo nghề”.

Thực chất, vấn đề lựa chọn “phụ cấp giáo viên theo thâm niên” như trước kia hay “ưu đãi nghề nghiệp” như hiện nay còn rất nhiều ý kiến trái ngược. Tiến sĩ Nguyễn Hải Thập, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, cho biết: “Các nhà giáo trẻ hiện nay lại cho rằng không nên thay thế phụ cấp ưu đãi bằng phụ cấp thâm niên vì mức ưu đãi có lợi hơn. Nó giúp các nhà giáo trẻ mới vào nghề giảm bớt được khó khăn. Nếu chờ phụ cấp thâm niên, mức đó đối với nhà giáo trẻ là quá thấp, không khuyến khích được giáo viên trẻ yên tâm công tác”.

Dự án Luật Nhà giáo gồm 11 vấn đề liên quan đến giáo viên: việc tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; ngạch nhà giáo và tiêu chuẩn ngạch nhà giáo; vấn đề phụ cấp ưu đãi và khôi phục chế độ thâm niên cho nhà giáo; đánh giá, phân loại nhà giáo; công tác bồi dưỡng; rút ngắn và kéo dài thời gian công tác đối với nhà giáo; chính sách nhà công vụ; chính sách ưu tiên đối với con nhà giáo...


Phản hồi của bạn đọc:

Họ tên: Nguyen Trong Lai

Địa chỉ: An Son Kien Hai, Kien Giang

Điện thoại: 0939487...

Email: lnguyentronglai@...

Nội dung:

Tôi hài lòng với bài viết. Tuy nhiên, cần đưa vấn đề trên bàn luận trước công chúng. Ngoài ra, phải xem xét lại những ưu tiên: giáo viên giảng dạy vùng miền khác nhau. Nếu như chúng ta phân biệt cấp đào tạo nên phân theo bằng cấp chứ không nên so sánh trình độ giữa giáo viên PTTH, giáo viên THCS,… Ở cấp học nào thì người giáo viên cũng phải lao động bằng trí óc. Ở cấp THCS trở lên thì phải giảng dạy tất cả các môn học. Cấp Mầm non thì có múa hát. Vệ sinh cho trẻ thì khó hay dễ? Còn giáo viên công tác vùng sâu, vùng xa, hải đảo thì khó khăn trăm bề.

TỐ NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm