Gần 10 năm nuôi sĩ tử trọ thi miễn phí

"Chỉ mong các em có một mùa thi tốt"

Anh Lê Duy (bìa trái) cùng Trần Thị Luyến (quê Vũng Tàu) - một trong 3 thí sinh hiện đang được anh Duy nuôi ăn ở miễn phí. (Ảnh: Đoàn Quý).
Anh Lê Duy (bìa trái) cùng Trần Thị Luyến (quê Vũng Tàu) - một trong 3 thí sinh hiện đang được anh Duy nuôi ăn ở miễn phí. (Ảnh: Đoàn Quý).

Như một thông lệ, gần 10 năm qua cứ tới thời gian này cô Thu (đường Bà Hom, quận 6, TPHCM) và gia đình đã dọn sạch nhà cửa, chỉ còn chờ ngày đón thí sinh về ở miễn phí trong nhà mình trong những ngày thi đại học và cao đẳng.

Nhiều người lúc đầu cũng nói ra nói vào là “không sợ sao”, nhưng cô Thu luôn tin những em có hoàn cảnh khó khăn vì ông bà ta đã có câu “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”, “Áo rách phải giữ lấy lề”… Cô không có chút nào băn khoăn về “thói quen” của mình suốt gần 10 năm qua.

Còn với anh Lê Duy (đường Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp, TPHCM) bắt đầu cho sĩ tử đi thi ở miễn phí trong nhà mình được 2 năm. Giờ này nhà anh cũng đã sẵn sàng để đón các em về ở.

Đã từng trải qua quãng đời sinh viên và từng là một cán bộ Đoàn của Trường Đại học Thủy sản Nha Trang nên anh Duy phần nào hiểu được hoàn cảnh cũng như khó khăn của những sĩ tử con nhà nghèo.

Anh Duy giãi bày: “Biết cuộc sống sau này như thế nào hả em, bây giờ mình có khả năng giúp được mấy em đi thi những gì thì cứ giúp. Anh cũng chỉ mong các em có một kỳ thi thật tốt, một tâm lý tốt trong những ngày thi nơi đất khách quê người.”

Lo cho các em từng giấc ngủ, miếng ăn

“Nhiều đứa tội lắm, nó ở đây mà chẳng dám đi ăn cùng bạn bè vì nó không có tiền, nó đợi bạn bè đi hết rồi mới ra mua ổ bánh mì không hoặc gói mì tôm để ăn cho qua bữa. Những trường hợp như vậy thì tới bữa cơm cô bảo con cô nấu thêm cơm và bảo em đó ngồi ăn chung”, cô Thu tâm sự.

Gần 10 năm nay, mỗi khi mùa thi đến, cô Thu lại lo chuẩn bị chăn đệm đón sĩ tử. (Ảnh: Đoàn Quý).
Gần 10 năm nay, mỗi khi mùa thi đến, cô Thu lại lo chuẩn bị chăn đệm đón sĩ tử. (Ảnh: Đoàn Quý).

Năm nay, mỗi đợt thi cô Thu cho biết sẽ đón khoảng 30 thí sinh về nhà mình ở. Ngoài ra, cô cũng vận động được 5 hộ gia đình gần đó đón các em về ở với giá trọ rẻ. Rồi cô gửi mấy em qua bên chùa Long Nguyên Tự và tịnh xá Lộc Uyển gần đó ở miễn phí. Cô cũng hỏi han các bạn cô xem ai có ý muốn giúp đỡ thí sinh thì cô đưa mấy em qua.

“Tôi cũng đang vận động thêm mì gói, gạo để giảm gánh nặng thí sinh và phụ huynh nhưng đang gặp một số khó khăn vì giá cả tăng cao quá. Ngoài ra, tôi cũng vận động những nhà xung quanh và bạn bè ai có quần áo hoặc sách vở không dùng nữa thì giặt sạch và đem lại để cho các thí sinh khác thi xong đem về làm quà”, cô Thu tâm sự.

Còn với anh Duy, mùa thi năm nay nhà anh cũng sẽ đón khoảng 30 em mỗi đợt thi về ở. Anh cũng đã đăng ký với quán cơm gần nhà nấu cho các em và phụ huynh đi cùng với giá rẻ. Những trường hợp nào khó khăn quá anh nấu thêm cơm và bảo các em ăn chung với vợ chồng anh.

Đến ngày thi, nếu sĩ tử nào không có phương tiện, anh Duy sẵn sàng đưa xe máy, xe đạp cho các em đi. “Nhiều khi anh chị thay nhau chở mấy đứa đi thi vì sợ nó lạc đường, không tới phòng thi đúng giờ, uổng mất một năm thì tội”, anh Duy kể.

Ngoài ra, cũng như năm ngoái vợ chồng, anh Duy sẽ dành một số tiền để làm học bổng cho các em nào đậu trong kỳ thi năm nay. Hiện anh đang cho 3 sinh viên ở nhà anh nuôi ăn ở miễn phí. Đôi khi, anh cho mấy bạn cả tiền đóng học phí.

Cô Thu và anh Duy là hai tấm lòng trong hàng trăm, hàng nghìn tấm lòng của người đô thị với sỹ tử mỗi mùa thi. Chính họ là những người đã dệt lên những câu chuyện cổ tích mùa thi đầy tính nhân văn giữa đất Sài Gòn hối hả.

ĐOÀN QUÝ - (Theo DT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm