Giáo dục thường xuyên: S.O.S!

Tuy nhiên, ngành học này lại đang phải đối diện với hàng loạt vấn đề để tương đồng với giáo dục phổ thông.

Để làm bộ phim Gọi giấc mơ về (đang chiếu mỗi tối trên kênh HTV7), đạo diễn cần tìm bối cảnh một trường học nhỏ bé với vài phòng học loàng xoàng ở Côn Đảo. Khi được giới thiệu đến TTGDTX quận 7, đạo diễn hết sức mừng rỡ vì "tìm cả TP mới thấy bối cảnh phù hợp như vậy".

Phim được phát sóng, thầy trò ngắm ngôi trường của mình mà thấy ngậm ngùi... Khi chúng tôi viết bài này, ngôi trường "nổi tiếng" đó vừa được đập ra để xây lại thành một trường mầm non mới. Còn TTGDTX tạm dời về cơ sở 2 của Trung tâm văn hóa quận 7, đây cũng là cơ sở xuống cấp nên không hoạt động được... Bối cảnh này không chỉ hiển hiện ở TTGDTX quận 7.

Quản lý không đồng bộ!

Theo Bộ GD-ĐT, TTGDTX phải do Sở GD-ĐT quản lý, nhưng thực tế hiện nay việc quản lý không đồng bộ. Có TT thì do Sở GD-ĐT quản lý, nhiều TT trực thuộc phòng giáo dục quận huyện. Vì vậy mới có tình trạng các TT chịu sự quản lý chuyên môn của Sở GD-ĐT nhưng hầu hết lại chịu quản lý nhà nước của quận huyện thông qua phòng giáo dục, "mà phòng giáo dục đã gánh sức ép quá nặng của ngành học phổ thông, mầm non, lại thêm khuyết tật... nên tất yếu họ phải lo ngành học phổ thông trước" - nhiều giám đốc cám cảnh cho biết.

Do việc quản lý không đồng bộ nên 24 quận huyện gần như có 24 chế độ tài chính khác nhau. Cách vận dụng mỗi nơi cũng mỗi khác tùy vào trưởng phòng.

Lớp học 24m2/54 HS

TTGDTX quận 8 có ba lớp xen kẽ. Lớp đầu (tầng trệt) gồm các phòng chức năng, phòng học của trung tâm. Lớp giữa (tầng 1) của HS Trường tiểu học Tuy Lý Vương bên cạnh. Lớp thứ ba (tầng 2) lại là các phòng học của trung tâm (TT). Đó là buổi sáng, đến chiều toàn bộ cơ sở (trừ các phòng chức năng) được trả về cho HS tiểu học. Chỉ đến tối, cả khuôn viên nhỏ với 13 phòng học này mới được dành cho TT.

Sở dĩ có kiểu phân chia tréo ngoe như vậy là do cơ sở này vốn của trường tiểu học được giao cho TT mượn học tạm từ nhiều năm nay. Buổi sáng học trò bổ túc THPT từ tầng hai xuống có thể "xẹt" qua các lớp tiểu học... ngó chơi. Quận 8 năm nay có hơn 600 HS rớt hai nguyện vọng mở cửa đón nhận tất cả, nhưng đến gần ngày khai giảng cũng chỉ có hơn 170 HS đến TTGDTX ở đây đăng ký học.

Cơ sở manh mún nhiều điểm lẻ chật chội, điểm này cách điểm kia vài cây số, không sân bãi... cũng là tình trạng chung của đa số các TTGDTX. Cơ sở chính của TTGDTX quận 7 là một căn nhà phố bốn tầng ngang chưa đến 4m, dài gần 11m. Bởi diện tích quá nhỏ nên ngôi nhà được tận dụng tối đa không gian khiến những ai lần đầu tiên bước vào đều có cảm giác nghẹt thở vì thiếu không khí.

Tầng trệt được dùng để giữ xe giáo viên (GV), tầng lửng làm văn phòng làm việc, tầng 1 làm phòng chức năng, ba tầng còn lại nhờ được lấn ngang qua nhà bên cạnh nên mỗi tầng được ba phòng học sát vách đâu mặt vào nhau, mỗi phòng rộng khoảng 24m2 chứa trung bình 54 HS (cao điểm có lúc chứa đến trên 70 HS). Mỗi HS chưa đến 1m2 (trong khi diện tích qui định mỗi HS từ 3-5m2). Thầy cô ở đây cho biết đến giờ chơi là chịu không nổi, cái khuôn viên 260m2 chứa trên 380 HS ồn như vỡ chợ. Không chỉ sự tù túng chật hẹp, thầy cô ở đây còn lo ngại "có sự cố cháy nổ là mấy trăm con người ở đây khó thoát được vì cầu thang quá nhỏ”.

TTGDTX quận 7 về "nhà mới" có được tám phòng nhưng đến 22 lớp. Ké của một trường THCS bốn lớp, mới dôi ra được văn phòng làm việc và phòng chứa sách, thiết bị. Từ năm rồi thay sách lớp 10, thiết bị được cung cấp nhưng nhiều TT không có chỗ chứa nên nhét hết vô phòng thư viện, chỉ những thiết bị gọn nhẹ mới được GV đem lên lớp cho HS thị phạm (nhưng cũng hạn chế). TTGDTX quận 8 cũng không hơn gì. Dụng cụ thí nghiệm lãnh về cũng dồn vào phòng thiết bị vì không có chỗ chứa...

Cần có một nhạc trưởng!

"Chính cơ chế đã kìm hãm sự phát triển của TTGDTX" - một cán bộ quản lý TTGDTX khẳng định như vậy. Một trong những cơ chế lạ lùng nhất là định biên "một TT dù nhỏ hay lớn cũng chỉ có 15 biên chế", nên có những TT chỉ riêng đội ngũ cán bộ quản lý, thủ quĩ, kế toán, thư viện thiết bị, bảo vệ cũng đã chiếm hơn 10 người. Do vậy lực lượng GV thỉnh giảng ở các TT luôn đông gấp 5-6 lần GV cơ hữu, thậm chí nhiều TT có bộ môn không có cả GV cơ hữu.

Một giám đốc TT nhìn nhận: "GV cơ hữu rất nhiệt tình nhưng đa số không giỏi vì khi tuyển GV, những người giỏi đều về trường phổ thông, chỉ những người không còn nơi đến, đứng cuối danh sách mới phải về TT dạy bổ túc, thậm chí không ít GV bổ túc là GV phổ thông yếu quá được chuyển sang, thế nhưng vẫn phải bố trí làm nhóm trưởng bộ môn". Còn GV thỉnh giảng, không phải TT nào cũng có thể mời được người giỏi, nhất là các môn "chủ lực", với mức thù lao ít ỏi mà các TT có thể trả được.

Tại hội nghị tổng kết năm học của ngành GD-ĐT TP.HCM mới đây, đa số các giám đốc TT đều đề nghị "phải đưa các TT về một đầu mối quản lý là Sở GD-ĐT như các trường THPT, tức cần phải có một nhạc trưởng, thì việc đầu tư mới toàn diện". Trong đợt thay sách giáo khoa và chương trình mới này, ngành GDTX cũng được đặt yêu cầu như giáo dục phổ thông để cùng tiến tới bước thi chung đề, và bằng cấp tốt nghiệp như nhau. Nhưng với những ngổn ngang hiện nay, yêu cầu trên liệu có quá sức!

KIM LIÊN <EM>(Theo TTO)</EM>

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm