Hơn 30.000 cơ hội lập nghiệp cho thí sinh trượt ĐH

Hơn 30.000 cơ hội lập nghiệp cho thí sinh trượt ĐH ảnh 1
Nghề công nghiệp điện có chỉ tiêu tuyển sinh hàng đầu. Trong ảnh: Học sinh học nghề điện tại Trường Kỹ thuật Cao Thắng -TPHCM. Ảnh: N.HỮU

Tại hội nghị triển khai dạy nghề trình độ CĐ năm 2007 do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức ngày 7-9 ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Năm 2007 là năm “bản lề” cho những năm tiếp theo để nâng dạy nghề lên trình độ mới. Đây là điều kiện để doanh nghiệp (DN) ngày càng bám sát hơn với thị trường lao động, tăng khả năng cạnh tranh của nguồn nhân lực nước ta.

Ưu tiên vay vốn để học nghề

Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Nguyễn Tiến Dũng thông báo: Đến nay đã có 55 trường CĐ nghề được thành lập (trong đó có 7 trường tư thục) cùng 23 trường ĐH, CĐ đăng ký tham gia đào tạo nghề trình độ CĐ năm 2007. Trong đó, 20.490 chỉ tiêu dành cho trường CĐ nghề và 9.695 chỉ tiêu cho các trường ĐH, CĐ. Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB-XH, đội ngũ giáo viên tham gia đào tạo đạt chuẩn trình độ đào tạo, nhiều trường đạt tỉ lệ giáo viên có trình độ sau ĐH trở lên. Về tuyển sinh, có 1 trường thi tuyển, 51 trường xét tuyển và 3 trường kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Tiêu chí xét tuyển của các trường đào tạo CĐ nghề là điểm thi ĐH năm 2007 và học bạ THPT.

Học phí sẽ ở mức thu từ 40.000 đồng đến 150.000 đồng/tháng/sinh viên; trung cấp nghề học phí từ 20.000 đồng đến 120.000 đồng/tháng/sinh viên. Đối với các trường không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động đào tạo, học phí được thu theo thỏa thuận giữa cơ sở dạy nghề và người học, bảo đảm nguyên tắc học phí thu đủ để trang trải chi phí cho hoạt động đào tạo.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết Chính phủ sẽ ưu tiên cho học sinh, thanh niên vay vốn từ Quỹ Quốc gia để học, đầu tư tối đa, tốt nhất cho học nghề.

Đào tạo theo nhu cầu DN

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu cần xác định rõ đào tạo nghề phải theo nhu cầu của DN và xã hội. Đặt ra phương châm “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn; nói không với đào tạo không có việc làm” đối với các trường dạy nghề từ nay đến năm 2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Việc đào tạo phải tránh tràn lan, gây lãng phí cho xã hội, lãng phí tiền bạc và công sức của người học. Mỗi trường dạy nghề cần có mối quan hệ ổn định với các DN có nhu cầu. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách khuyến khích DN tham gia đào tạo nghề.

Điện công nghiệp tuyển nhiều nhất

Về cơ cấu đăng ký đào tạo, nghề điện công nghiệp nhiều nhất với 40 trường đăng ký (tổng 3.000 chỉ tiêu); nghề hàn 32 trường (tổng 2.100 chỉ tiêu); nghề công nghệ ô tô: 26 trường (tổng 1.700 chỉ tiêu); nghề cắt gọt kim loại: 22 trường... Nghề ít nhất là điều hành chạy tàu hỏa với 40 chỉ tiêu.

Bộ LĐ-TB-XH dự kiến đến năm 2010, CĐ nghề đạt 7,5%, trung cấp nghề 22,5%, sơ cấp nghề 70%. Sẽ có 90 trường CĐ nghề (trong đó có 40 trường chất lượng cao); năm 2020 sẽ có 250 trường CĐ nghề.

Điện công nghiệp tuyển nhiều nhất

Về cơ cấu đăng ký đào tạo, nghề điện công nghiệp nhiều nhất với 40 trường đăng ký (tổng 3.000 chỉ tiêu); nghề hàn 32 trường (tổng 2.100 chỉ tiêu); nghề công nghệ ô tô: 26 trường (tổng 1.700 chỉ tiêu); nghề cắt gọt kim loại: 22 trường... Nghề ít nhất là điều hành chạy tàu hỏa với 40 chỉ tiêu.

Bộ LĐ-TB-XH dự kiến đến năm 2010, CĐ nghề đạt 7,5%, trung cấp nghề 22,5%, sơ cấp nghề 70%. Sẽ có 90 trường CĐ nghề (trong đó có 40 trường chất lượng cao); năm 2020 sẽ có 250 trường CĐ nghề.

NGUYỄN QUYẾT <EM>(Theo Người&nbsp;lao&nbsp;động)</EM>

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm