Năm học mới: Vẫn căng thẳngtrường, lớp, giáo viên

Sáng 11-8, Ủy ban MTTQ TP.HCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2011-2012.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết: Trong năm 2010, TP đã xây mới 2.276 phòng học và sáu tháng đầu năm 2011 xây thêm 1.095 phòng nhưng do dân nhập cư tăng cơ học mạnh ở nhiều địa phương như Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức… nên vẫn còn tình trạng lớp học vượt sĩ số quy định; một số trường không đáp ứng được nhu cầu học hai buổi/ngày, có trường phải cắt lớp bán trú để đảm bảo chỗ học cho các cháu.

Theo ông Trần Hữu Vĩnh, Trưởng phòng Giáo dục quận Bình Tân, năm học này tại quận tăng gần 6.000 học sinh ở các cấp học, trường, lớp có xây thêm nhưng vẫn không đáp ứng kịp. Năm nay, quận cũng cần 300 giáo viên nhưng Sở mới phân bổ xuống 201 giáo viên. Vài ngày nữa tựu trường, Phòng Giáo dục đành mời thêm giáo viên đã nghỉ hưu và huy động giáo viên dạy buổi sáng đồng thời dạy luôn buổi chiều mới đáp ứng được.

Cùng tình cảnh, bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng Giáo dục quận 5, cho biết hiện nay khối giáo viên mầm non bỏ việc nhiều do việc chăm sóc các cháu quá cực mà thu nhập lại quá thấp, không đủ để sống. Cạnh đó, giáo viên bộ môn năng khiếu như mỹ thuật, âm nhạc… thiếu trầm trọng nên ngành phải chữa cháy bằng việc mời giáo viên thỉnh giảng từ các trung tâm, giáo viên về hưu. Bà Cao Thị Tuyết Mai, Phó Trưởng phòng Giáo dục quận 4, cũng quan ngại khi tuyển dụng giáo viên, phân bổ giáo viên về địa bàn ngoại thành, họ sẵn sàng không nhận nhiệm sở và tìm chỗ cộng tác với các trường tư thục. “Mức thu học phí hiện nay quá thấp, quỹ học phí dành 30% để nâng thu nhập thêm cho giáo viên trong một học kỳ chỉ được 300.000-400.000 đồng, so với đời sống, giá cả hiện nay làm sao mà giáo viên yên tâm được” - bà Mai nói.

Năm học mới: Vẫn căng thẳngtrường, lớp, giáo viên ảnh 1

Hiện nay, giáo viên mầm non, tiểu học vẫn còn đang thiếu. Trong ảnh: Học sinh lớp 5 đang học môn văn tại Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3, TP.HCM). Ảnh: HTD

Nhiều đại biểu cũng lưu ý rằng tình hình các trường đầu năm học đưa ra rất nhiều khoản thu, trước tình hình giá cả tăng như hiện nay, Sở quy định những khoản thu cụ thể, được thu và cũng thòng thêm câu “các khoản thu thêm do nhà trường thỏa thuận với phụ huynh”, rất có thể các trường sẽ đặt ra nhiều khoản thu “lạ” trên tinh thần thỏa thuận.

Kết thúc hội nghị, ông Lê Hồng Sơn cho biết: Sở dĩ trường, lớp đến nay vẫn chưa xây kịp là do vướng đền bù, giải tỏa nên tiến độ còn rất chậm. Việc thiếu giáo viên, TP cũng đã có chủ trương mở rộng tuyển dụng giáo viên ngoại tỉnh, tuyển nhiều đợt trong năm, trước mắt nơi nào thiếu giáo viên thì mời giáo viên về hưu tham gia giảng dạy. Ngành giáo dục TP cũng đã đặt hàng các trường sư phạm đến năm 2016 đào tạo đủ giáo viên mầm non, tiểu học. Về các khoản được phép thu đầu năm học mới như học phí và các khoản thu khác, Sở đã hướng dẫn rõ ràng, chi tiết các trường niêm yết cho phụ huynh được rõ.

Không thu gộp nhiều khoản tiền vào đầu năm học

Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị tổng kết năm học, bà Nguyễn Ngọc Diệp, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT TP Hà Nội, cho biết như trên. Theo bà Diệp, thời gian qua, việc thực hiện quy chế công khai công tác quản lý thu-chi đầu năm học ở một số trường còn lúng túng, chưa rõ ràng nên tạo dư luận trong cha mẹ học sinh. Để giải quyết tình trạng này, trong năm học 2011-2012, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các trường phân biệt các khoản thu theo quy định, các khoản thu của hội phụ huynh, các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân… Riêng với các khoản đóng góp cho hội phụ huynh, cha mẹ học sinh có quyền từ chối các khoản mà ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường yêu cầu nếu không đảm bảo nguyên tắc tự nguyện và không theo đúng nội dung chi mà cha mẹ học sinh đã thỏa thuận.

Đặc biệt, năm 2011, các trường không được thu tiền bảo vệ, vệ sinh, an ninh, trông giữ xe đạp của học sinh mà phải tự cân đối trong nguồn kinh phí được giao.

BẢO PHƯỢNG

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm