Sự “tròn vai” của bộ trưởng Giáo dục

Để đánh giá một cuộc giao lưu (thực chất là người dân chất vấn) quan chức, người ta thường căn cứ vào hai tiêu chí chính: một là hàm lượng thông tin, hai là hàm lượng trách nhiệm (ở Việt Nam, người ta không mấy chờ đợi tiêu chí thứ ba là khả năng hùng biện của quan chức). Và cuộc giao lưu với ông Phạm Vũ Luận không cho phép ai đánh giá cao cả hai tiêu chí ấy.

Xét về mặt hàm lượng thông tin, ông Luận đã đưa ra rất nhiều thông tin và tất cả mọi người có thể tìm thấy chúng trong các… văn bản pháp luật. Ông Luận tỏ ra thuộc bài khi viện dẫn rất nhiều văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo, chủ trương của các cấp, các ngành, đưa ra các số liệu và thông tin chi tiết của một số vụ việc, đồng thời rất thành thạo trong vai trò một người tư vấn tuyển sinh ĐH. Chỉ tiếc rằng, không ai tìm thấy trong câu trả lời của ông những phân tích nguyên nhân và giải pháp, càng không thể tìm thấy quan điểm cá nhân của ông bộc lộ trong bất cứ câu trả lời nào.

Xét về mặt hàm lượng trách nhiệm, do ông Luận đã khéo léo giấu mình vào những quyết định của tập thể khi cung cấp thông tin nên ông không thể hiện được trách nhiệm cá nhân nào trong suốt cuộc chất vấn trực tuyến này. Ông né tránh trách nhiệm trước câu hỏi về tình trạng “rối như canh hẹ” của thí sinh trước những thông tin mập mờ về cuốn Những điều cần biết trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012, tình trạng lương không đủ sống của giáo viên vùng cao, tình trạng phụ huynh xếp hàng cả đêm xin học cho con hay tình trạng lạm thu tại các trường học,… Ông chỉ làm một việc là khẳng định lại những thực trạng đó và đưa ra những bình luận chung chung, vô thưởng vô phạt và đỡ “đạn” bằng các văn bản như đã nói ở trên.

Kết thúc cuộc giao lưu, nếu có điều gì để khen, người ta chỉ có thể khen rằng Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đóng tròn vai diễn của một nhân vật “không nghĩ đến việc để lại dấu ấn cá nhân”.

HỮU LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm