Tín dụng đối với HS, SV: Sẽ nâng mức và thời hạn vay

Hôm qua (15-8), tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị tổng kết một năm thực hiện quyết định của Thủ tướng về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV). Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Chính sách tín dụng sẽ đảm bảo cho tất cả những người có đủ điều kiện trình độ muốn đi học nghề, học ĐH, CĐ đều được đi học. Đây là quyết tâm của Chính phủ và chắc chắn sẽ đủ vốn cho nhu cầu tín dụng của HSSV.

Vốn cho vay: Còn bị động

Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) cho biết dư nợ cho vay tín dụng HSSV tính đến ngày 30-6 đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khối ĐH, CĐ chiếm 66,2%, trung cấp 25,2% và học nghề là 8,6%. Tuy nhiên, ông Lý cũng cho biết UBND cấp xã nhiều nơi còn lúng túng trong việc xác định tiêu chí và cách tính toán, thống kê hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, từ đó gây chậm trễ trong việc cho vay vốn; một số nơi xác nhận chưa đúng đối tượng. Việc dự báo đúng số lượng HSSV có nhu cầu vay vốn còn hạn chế nên bị động, thiếu thống nhất mẫu giấy xác nhận và việc xác nhận khi vay vốn khiến người vay phải chờ đợi.

Một khó khăn rất lớn mà Ngân hàng CSXH phải đối mặt là chương trình có khối lượng tín dụng lớn (30-35 tỷ đồng), có thời hạn vay dài, trong đó trong năm năm đầu chưa có thu nợ quay vòng. Việc triển khai trong năm học vừa qua cho thấy việc bố trí nguồn vốn rất bị động (tạm thời ứng từ nguồn kho bạc), nguồn vốn không ổn định và chưa rõ ràng nên khó khăn trong quá trình triển khai.

Mặt khác, nguồn vốn đang được bố trí theo kỳ học của các trường ĐH, CĐ, THCN trong khi nhu cầu các đối tượng học nghề một năm, dưới một năm diễn ra suốt các tháng. Theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang, có khoảng 30%-40% HSSV của tỉnh vẫn chưa vay được tiền. Bà Nguyễn Thị Phương - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cũng cho biết nguồn vốn cho vay có lúc chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu vay của HSSV.

800 ngàn đồng/tháng là thấp!

Ông Hà Duy Cư (Điện Biên) cho biết hiện nay ông được vay 24 triệu đồng để nuôi hai con học ĐH và trung cấp. Theo ông Cư, gia đình ông đã từng phải vay nóng, lãi suất lên tới 3%/tháng để lo nộp học phí và chi phí ăn ở cho các con. Vì vậy, việc được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp và chưa trả lãi, gốc giúp các con ông yên tâm học tập, bớt được gánh nặng kinh tế. Tuy nhiên, ông Cư cho rằng trong giai đoạn giá cả leo thang, rất cần được nâng mức vay lên một triệu đồng/tháng và kéo dài thời gian trả nợ. Hiện nay mức vay cao nhất là 800 ngàn đồng/tháng, thời gian trả nợ tối đa bằng thời gian cho vay, đồng nghĩa với việc mức tiền trả nợ gốc hàng tháng ít nhất là 800 ngàn đồng. Việc này gây khó khăn vì HSSV mới ra trường lương rất thấp, đặc biệt là HSSV hệ trung cấp.

Cũng có ý kiến cho rằng nên mở rộng đối tượng cho vay: học sinh giỏi có thể vay để học lên cấp cao hơn. Hiện nay nhiều HSSV muốn học lên bậc học cao hơn sau khi tốt nghiệp lại gặp khó khi không thể tiếp tục vay từ Ngân hàng CSXH.

Trả lời kiến nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết việc nâng mức vay là cần thiết. Ông đề nghị các bộ, ngành có liên quan sớm có tờ trình về vấn đề này trước ngày 20-8 để sự điều chỉnh phù hợp.

Nhiều ý kiến cho rằng cần có chính sách tạo việc làm cho những HSSV đã vay vốn để họ có điều kiện trả nợ. Trong ảnh: Sinh viên tìm việc làm tại một hội chợ. Ảnh minh họa: HTD
Nhiều ý kiến cho rằng cần có chính sách tạo việc làm cho những HSSV đã vay vốn để họ có điều kiện trả nợ. Trong ảnh: Sinh viên tìm việc làm tại một hội chợ. Ảnh minh họa: HTD

Nhiều biện pháp kiểm soát nguồn vốn

Đại diện Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM đề xuất cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp-nhà trường-Ngân hàng CSXH: Các doanh nghiệp đầu tư vốn vay qua ngân hàng, sau đó học sinh được vay vốn cam kết về làm việc tại doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Công tác đào tạo phải đảm bảo sao cho khi ra trường HSSV có thể có thu nhập đủ trả nợ. Như vậy trách nhiệm của người học rất lớn. HSSV được nhà nước tạo điều kiện cho vay đi học, ân nghĩa của gia đình đứng ra cho vay thì phải ý thức được trách nhiệm trả nợ”.

Để đảm bảo các khoản nợ được trả khi HSSV có thu nhập, đã từng có ý kiến ghi nợ trên bằng của HSSV. Hiện nay, biện pháp được thực hiện đã hợp tình hợp lý hơn là hướng dẫn HSSV ký cam kết trả nợ trước khi ra trường, cam kết có trách nhiệm thông báo nơi làm việc cho Ngân hàng CSXH, chính quyền nơi cư trú. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với ngân hàng khẩn trương hoàn thành phần mềm quản lý vay nợ của HSSV để đảm bảo việc phối hợp giữa nhà trường, chính quyền địa phương và Ngân hàng CSXH trong việc quản lý nguồn vốn vay.

Đến 30-6-2008, 754.000 HSSV đã được vay 5.292 tỷ đồng. 99,3% HSSV đúng đối tượng được vay, trong đó 14,5% hộ nghèo, 67% hộ cận nghèo.

Tỷ lệ vi phạm rất nhỏ: 0,7% số hộ được kiểm tra không thuộc diện được vay, 77 gia đình và 59 HSSV sử dụng vốn vay sai mục đích.

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm