HS trong cả nước đang bước vào mùa kiểm tra HK1. Với phương châm đổi mới trong dạy và học, ra đề thi sát thực tế nên vài năm gần đây, mỗi dịp vào mùa thi, các trường đều luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo, tạo nên những đề thi khiến không chỉ HS, giáo viên mà dư luận xã hội cũng rất đồng tình, ủng hộ.
Tuy nhiên, mới đây đề kiểm tra HK1 môn Văn Trường THPT Hạ Hòa khiến dư luận một phen tranh cãi gay gắt quanh đề thi này.
Theo đó, ở câu 2, đề thi Ngữ Văn lớp 10 của Trường THPT Hạ Hòa cho biết: “Chi Pu tên thật là Nguyễn Thùy Chi. Cô bắt đầu nổi danh từ cuộc thi Miss Teen năm 2009, hiện là một hot girl được nhiều bạn trẻ yêu thích. Tháng 10 vừa rồi, Chi Pu tung MV Từ hôm nay đánh dấu chuyển mình trở thành ca sĩ. Ngay lập tức, cô vấp phải nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Hương Tràm là người đầu tiên đưa ra quan điểm mạnh mẽ: “Không biết hát thì đừng mang nghề ca sĩ ra để kiếm tiền”. Tóc Tiên, Thanh Lam, Thu Minh, Quốc Thiên, Văn Mai Hương... cũng có cùng quan điểm. Không chỉ vậy, ảnh chế về cô xuất hiện ở khắp nơi. Những đoạn clip xuyên tạc thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.
Mặc cho dư luận “ném đá”, giọng ca “Từ hôm nay” cho biết cô không bị ảnh hưởng nhiều bởi điều này. Hiện, cô vẫn tập luyện thanh nhạc để chứng minh con đường mình chọn là đúng, mỗi tháng cô sẽ cho ra mắt một MV".
Từ đó đề yêu cầu HS hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của mình sau khi ra mắt MV “Từ hôm nay”.
Giáo viên cũng có ý kiến
Nhận xét về đề thi này trên trang cá nhân, TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ Văn Trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội), cho rằng đề bài nói riêng và những tri thức cung cấp cho học sinh nói chung phải gần gũi với hiện thực cuộc sống.
Đó là những hiện thực tinh lọc, có giá trị nâng cao năng lực thẩm mỹ, hướng tới mục đích nhận thức, giáo dục nhân cách cho học sinh chứ không phải nhặt nhạnh mọi thứ hiện thực xô bồ, thậm chí rẻ tiền... mang vào học đường. Do đó, cô rất thất vọng khi có giáo viên ra đề thi như thế này.
Phát biểu trên Dân Trí, TS Văn học Phạm Hữu Cường cho biết đề Văn liên quan đến Chi Pu có những ưu điểm nhất định. Nó giúp cho học sinh có khả năng hóa thân, tưởng tượng vào nhân vật để bày tỏ quan điểm và suy nghĩ riêng của mình, kích thích khả năng sáng tạo của các em. Nó có thể hướng các em ít nhiều đến việc quan tâm đến các vấn đề thời sự của đời sống xã hội hoặc những hiện tượng tương đối gần gũi với tuổi học trò.
Tuy nhiên, theo TS Cường, về mặt sư phạm cũng như về chuyên môn, đề thi này còn nhiều hạn chế như: Tính giáo dục không cao, nhất là khi liên quan đến việc các nghệ sĩ “ném đá” nhau. Do đó, nó có tác động không tốt về mặt giáo dục với các em.
Thứ hai, không nên để các em học sinh quan tâm đến những lùm xùm trong giới showbiz vì không phù hợp với lứa tuổi của các em.
Thứ ba, việc ra đề Văn, ngoài kích thích được trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của các em, về mặt giáo dục cũng như tính sư phạm, chúng ta hoàn toàn có thể ra những đề thi với các hiện tượng tích cực hơn của đời sống.
“Tóm lại theo tôi, không nên ra những dạng đề như vậy bởi ngoài tầm suy nghĩ của các em và tính giáo dục không cao”, TS Cường khẳng định.
TS Cường cũng đề nghị Bộ GD&ĐT nên có giới hạn nào đó quy định về việc ra đề Văn mở thế nào cho phù hợp với lứa tuổi HS, có tính giáo dục và phù hợp với sự phát triển của đất nước.
Thảo luận thì được, ra đề thi không ổn
Bạn đọc Pháp Luật TP.HCM cũng đã lên tiếng về đề thi này.
“Em thấy đề này cũng có cái hay của nó. Cái nạn ném đá không suy nghĩ trên mạng xã hội đang lan tràn lắm. Cái đề giống như cho các em đặt mình vô vị trí người khác để có cái nhìn khách quan hơn thành ra có chửi hay ném đá cũng chậm tay suy nghĩ trước một chút. Nhưng câu này tới 7 điểm thì hơi quá”, Nguyễn Nhất Minh lên tiếng.
“Đoạn hóa thân hoàn toàn không thuyết phục. Không phải HS nào cũng muốn làm ca sĩ, yêu thích ca hát. Làm sao các em ấy có thể hoá thân để mà biểu cảm. Như tôi là tôi cũng chịu thua!”, bạn đọc Yến Lê phát biểu.
Trong khi đó, bạn đọc Trương Hiệu cũng đưa ra nhận xét: Đề thi không ổn, không có tính phản biện. Đề về quan điểm nhận thức xã hội về một hiện tượng, lối sống thí được chứ không nên đi sâu vào yếu tố chuyên môn về lĩnh vực nào đó, vì có những em không biết gì âm nhạc ca sĩ thì sao mà làm?”.
Đi ngược với suy nghĩ của nhiều người khi phản đối việc ra đề thi kiêu này, bạn đọc Minh Ngô lại có cái nhìn đa chiều hơn: “Đề kiểm tra này thật ra không to tát, không cần nắm rõ lý lịch Chi Pu, không cần biết nhạc Chipu, vì đề không yêu cầu thế. Yêu cầu là hóa thân vào nhân vật để bày tỏ quan điểm cá nhân về việc không hát hay thì có nên đi hát hay không? Bạn nào xuất sắc hơn có thể bày tỏ quan điểm về sự khát khao nổi tiếng ở bọn trẻ, về cái gọi là tự trọng nghề nghiệp theo các cách nhìn khác nhau.
Chúng ta quen cách nhìn văn học là tháp ngà, đề văn phải là khuôn vàng thước ngọc nên hơi sốc thôi. Thực ra học Văn có quyền tiếp cận đa chiều về cuộc sống chứ không chỉ trong sách vở. Với những đề văn kiểu này, nó có thể giúp HS sáng tạo và thể hiện bản thân.
Tuy nhiên, nếu nó là đề thi thì không ổn, vì đề thi đòi hỏi nhiều kỹ năng và kiến thức tổng hợp, đánh giá khả năng cảm thụ văn chương, khả năng trình bày về các vấn đề xã hội. Và nếu có câu hỏi như này trong đề thi, cũng chỉ nên yêu cầu viết ngắn 200-300 chữ bày tỏ quan điểm, điểm số không đáng kể. Hoặc thiết kế phần mở rộng, có hai câu hỏi cho HS lựa chọn.
Nhưng nếu là đề kiểm tra 1 tiết, nghĩa là nó chỉ làm nhiệm vụ đánh giá một phần kỹ năng của các em thì tôi thấy không vấn đề gì. Chỉ khi đề không rõ ràng hoặc tối nghĩa mới cần điều chỉnh thôi, chứ đề này HS tha hồ mà phóng bút. Cái duy nhất tôi thấy không ổn, là nó là đề kiểm tra học kỳ nên thiết kế vậy là chưa đảm bảo các yêu cầu tổng hợp. Chưa kể nó chiếm tới 7 điểm là quá cao”.
Ý kiến của bạn về đề thi này nói riêng và vấn đề vận dụng đổi mới đề thi trong giảng dạy hiện nay như thế nào. Pháp Luật TP.HCM trân trọng tiếp nhận ý kiến của bạn đọc.