Xử phạt giáo viên: Quan hệ thầy trò sẽ ra sao?

Dự thảo nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến người dân. Pháp Luật TP.HCM tiếp tục ghi nhận những ý kiến đóng góp của giới luật sư, các thầy cô giáo, nhà quản lý trong ngành giáo dục về nhóm các hành vi vi phạm quy định đối với nhà giáo và người học.

Luật sư BÙI QUỐC TUẤN, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Dự thảo nghị định không khả thi

Luật sư BÙI QUỐC TUẤNĐoàn Luật sư TP.HCM

Nghị định số 138 ngày 22-10-2013 đang có hiệu lực, nay dự thảo nghị định mới để thay thế cần bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Phạm vi điều chỉnh của Luật Giáo dục quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động giáo dục.

Theo dự thảo nghị định, tổ chức, cá nhân có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học bị phạt 10-20 triệu đồng, xâm phạm thân thể người học bị phạt 20-30 triệu đồng. Đi kèm mức phạt này, người vi phạm phải xin lỗi công khai, nếu là giáo viên (GV) có thể bị đình chỉ dạy 1-6 tháng. Cần phải hiểu như thế nào là có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự? Về việc này, theo quy định, nếu lĩnh vực truyền thông thì khiếu nại lên Sở Thông tin và Truyền thông để xử lý, còn vấn đề khác thì phải khởi kiện ra tòa án để giải quyết theo dân sự. Do đó, không thể cứ căn cứ vào hành vi rồi xử phạt thì chưa ổn. Hành vi này khó xác định để xử phạt nên dự thảo của nghị định không khả thi về vấn đề này.

Trong trường hợp phụ huynh xúc phạm nhân phẩm, thân thể của GV thì bị xử phạt theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong trường hợp gây thương tích sẽ bị xử lý theo luật hình sự về tội cố ý gây thương tích.

Còn đối với các GV trường tư, làm việc theo hợp đồng, nếu gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của học trò thì tùy theo mức độ để xử lý. Nếu nghiêm trọng sẽ bị xử lý về mặt hình sự mà luật đã có quy định. Còn nếu xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì quyền của người giám hộ trong học sinh (HS) có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường danh dự, nhân phẩm.

ThS VŨ HOÀNG SƠN, GV Trường Tiểu học Bình Hòa,  quận Bình Thạnh, TP.HCM:

Quy định sẽ khiến giáo viên không dám “trách phạt, la rầy” học sinh

ThS VŨ HOÀNG SƠNGV Trường Tiểu học Bình Hòa

Giáo dục vốn dĩ là một ngành đặc thù. GV khi được gọi một chữ “thầy” đã phải nghiêm túc tuân thủ theo các quy định vốn rất nghiêm ngặt của ngành. Ngoài ra, GV còn phải tuân theo các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực của xã hội.

Việc đưa ra các quy định trên sẽ làm cho GV không dám “trách phạt, la rầy” mỗi khi HS sai hoặc phạm lỗi. Một HS vi phạm, GV đã trao đổi với cha mẹ nhưng các em vẫn không thay đổi. Nếu GV “la rầy, trách mắng” sẽ vô tình phạm phải quy định. Cuối cùng, GV là người bị phạt thay vì lỗi đó là của HS.

Quy định của ngành, đánh HS là sai. GV luôn thực hiện tốt điều đó nhưng có một vài trường hợp cá biệt, GV chỉ cần khẻ một cây vào lòng bàn tay, tự khắc em đó sẽ sửa đổi. Nếu như vậy sẽ bị coi là vi phạm, bị coi là “xúc phạm nhân phẩm của người học” vì tùy thuộc vào “cảm nhận” của mỗi người thì thật là khó lường.

Thầy và trò ở một trường phổ thông. Ảnh: HTD

NGUYỄN THỊ HUỆ, GV Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM:

Nghề giáo mà xử phạt hành chính là không phù hợp

Cô NGUYỄN THỊ HUỆGV Trường THPT Nguyễn Du

Tôi thấy không phù hợp khi đưa ra quy định phạt tiền trong lĩnh vực giáo dục.

Việc “xúc phạm nhân phẩm HS bị phạt tiền” cần nói rõ về hành vi như thế nào, chứ không thể GV “la mắng” HS với mục đích muốn các em học tốt cũng bị phạt tiền.

Hơn nữa, việc đưa ra quy định này đi ngược lại với tinh thần tôn sư trọng đạo.

Hơn nữa, việc đưa ra quy định xử phạt như thế sẽ khiến GV không còn yêu nghề, cảm thấy mất niềm tin vào giáo dục.

Từ đó khoảng cách thầy và trò sẽ trở nên xa cách.

Vấn đề không phải đưa ra những quy định để chế tài GV, mà quan trọng là Bộ GD&ĐT phải đưa ra những chính sách để làm sao GV cảm thấy được bảo vệ và tin tưởng. Như thế họ sẽ gắn bó với nghề hơn.

PHẠM THỤY MỘNG THU, Trường THCS Lữ Gia, quận 11, TP.HCM:

Tại sao phải tăng các hình thức chế tài đối với giáo viên

Cô PHẠM THỤY MỘNG THUTrường THCS Lữ Gia

Bản thân tôi thấy rất buồn khi đọc các quy định liên quan đến dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Nghề giáo là một nghề cao quý và quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Vậy mà những chính sách ưu đãi đối với giáo dục càng ngày càng ít.

Trong khi đó tăng cường các hình thức chế tài đối với GV khiến GV mất động lực đối với nghề.

Nghề giáo là ngành chuẩn mực trong xã hội nhưng lại đưa ra mức xử phạt hành chính quá nặng và không phù hợp.

Bởi đa số GV chấp nhận theo nghề là vì yêu và đam mê, vì cái tâm.

Với dự thảo này khiến các nhà giáo cảm thấy không được tôn trọng và mất động lực làm việc.

Một số quy định tại Điều 29 và Điều 32 của dự thảo nghị định:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục; người học.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục; người học.

Kèm theo đó là biện pháp buộc xin lỗi công khai hay đình chỉ giảng dạy 1-6 tháng tùy theo đối tượng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm