Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM, sáng 2-10 đã khẳng định như trên tại hội thảo góp ý cho dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 sắp tới. Hội thảo do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức.
Theo luật sư Hòa, trong Luật Giáo dục, đối với những hành vi nghiêm cấm nhà giáo không được làm, trong đó có nêu vấn đề ép buộc học sinh (HS) học thêm để thu tiền cần phải suy nghĩ lại. “Đọc đến dòng này, tôi thấy ngậm ngùi. Tại sao mình lại đưa vào luật? Việc làm này vô hình trung sẽ khiến người nước ngoài khi đọc Luật Giáo dục của Việt Nam đều nghĩ rằng đa phần các thầy cô giáo đều ép buộc HS đi học thêm để thu tiền nên mới phải đưa vào luật để cấm. Trong khi đó, thực tế không hoàn toàn như vậy. Bản thân tôi đề nghị không đưa vấn đề này vào luật bởi đây không phải là vấn đề phổ biến, nó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”.
Theo luật sư Trương Thị Hòa, không nên đưa hành vi nhà giáo ép buộc học sinh học thêm vào Luật Giáo dục. Ảnh minh họa: HTD và luật sư Trương Thị Hòa (ảnh nhỏ) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: N.Quyên
Luật nêu ép buộc HS để thu tiền, vậy thu tiền là thu như thế nào, ép buộc HS ra sao? Quy định này sẽ khiến giáo viên (GV) rất đau lòng và nó làm mất đi hình ảnh cao quý của nghề giáo. Tôi nghĩ cần phải xem xét lại” - bà Hòa nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư Hòa, Luật Giáo dục vẫn chưa có sự đổi mới, chưa mang dấu ấn riêng. Vấn đề văn bằng, chứng chỉ được công nhận thế nào trên quốc tế theo định hướng hội nhập chưa được quy định bằng những tiêu chí rõ ràng. Vấn đề khen, thưởng, xử phạt nên có những danh hiệu rõ ràng, không đánh giá bằng những tiêu chí chung chung, thiếu tính khích lệ.
Cũng tại buổi hội thảo, vấn đề về giáo dục trẻ tự kỷ, nâng chuẩn GV cũng được nhiều đại biểu quan tâm.
Liên quan đến trẻ tự kỷ, bà Phạm Phương Thảo, cựu chủ tịch HĐND TP.HCM, cho biết trong Luật Giáo dục cần đặt ra vấn đề can thiệp sớm với trẻ tự kỷ, vì nếu không can thiệp sớm lúc mầm non thì sau này điều trị rất khó khăn. Nhiều cuộc hội thảo gần đây cho biết chưa có luật nào, từ nào nói về đối tượng này trong sự quan tâm của chính sách nhà nước. Nên chăng Luật Giáo dục cần quan tâm vì thực tế có rất nhiều trẻ mắc hội chứng này.
Đồng quan điểm, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP, cho biết Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đều thảo luận rất nhiều nội dung liên quan đến vấn đề này. Trong đó nêu ra hai điều cần làm: giáo dục sớm đối với trẻ tự kỷ và tạo điều kiện cho trẻ tự kỷ hòa nhập. Hòa nhập ở đây có nghĩa là các bé sẽ được học trường tiểu học bình thường, chứ không phải học chuyên biệt. Và phải tạo mọi điều kiện để các trẻ được hòa nhập.