“Amoni gặp ôxy trong không khí sẽ chuyển hóa thành chất nguy hại, uống vào có thể gây ung thư” - BS Lê Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về tình hình sử dụng nước sinh hoạt của người dân TP.HCM tại một số quận, huyện vùng ven, ngoại thành - những nơi còn sử dụng nguồn nước từ giếng khoan,
Biết độc vẫn phải xài
Khảo sát cuối tháng 12-2014 của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy nguồn nước giếng khoan không đạt yêu cầu rải đều nhiều quận, huyện vùng ven, ngoại thành.
Tại xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), chúng tôi ghé hộ ông Võ Thanh Hùng, địa chỉ E8/33 ấp 5. Múc cho chúng tôi xem thau nước có màu ngà vàng, ông Hùng cho biết: “Khi nước mới bơm lên vẫn trong nhưng để một lát là có màu ngà vàng, mùi vị hơi lạ”. Chúng tôi vốc một bụm nước có màu ngà vàng ấy đưa lên ngửi thì thấy có mùi hôi, nếm thử có vị chua đầu lưỡi.
Gia đình ông Hùngvà hàng chục hộ trong xóm sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm này để giặt giũ, tắm rửa, rửa thức ăn, chén bát. Ông Hùng cho biết khi vừa tắm xong da ngứa ngáy rất khó chịu. “Lâu nay chúng tôi phải mua nước đóng bình về nấu nướng, ăn uống” - ông Hùng nói.
Xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn) có khu đồng Mã Lạng qua khảo sát có nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề. Chúng tôi ghé nhà bà Kiên Thị Hoàng, địa chỉ 45/2K ấp Mỹ Huề, giếng khoan nhà bà cách mấy ngôi mộ chỉ vài bước chân. Bà Hoàng cho biết nước giếng bơm lên một hồi là đục, đôi khi có mùi tanh. Trẻ con trong xóm tắm bị ghẻ chóc, mấy đứa cháu bà uống vào bị đau bụng… Thế nhưng từ lâu bà và con cháu trong nhà phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm này.
“Vài năm trước, cán bộ có xuống kiểm tra và thông báo nước chứa nhiều chất độc. Nghe vậy tôi và bà con chòm xóm rất lo. Họp ở xã chúng tôi nói hoài nhưng đâu vẫn vào đó” - bà Hoàng nói.
Tại huyện Củ Chi có xã Trung An cũng nằm trong khu vực có nguồn nước ngầm ô nhiễm nghiêm trọng. Đưa chúng tôi đi tìm hiểu việc sử dụng nước sinh hoạt của bà con trong xã, ông Lê Trí Dũng, Chủ tịch UBND xã Trung An, cho biết xã có gần 3.570 hộ dân thì hầu như tất cả đều dùng nước giếng khoan để nấu nướng, tắm giặt. “Do nước bị ô nhiễm nên một số hộ dùng hóa chất xử lý tạm nguồn nước rồi phân phối lại cho những hộ khác. Tuy nhiên, dù đã qua xử lý, nước vẫn còn chứa nhiều tạp chất gây hại” - ông Dũng nói.
Từ lâu, gia đình bà Kiên Thị Hoàng (xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn) phải sử dụng nước giếng khoan ngay cạnh mồ mả cho sinh hoạt hằng ngày. Ảnh: TRẦN NGỌC
Do nguồn nước ô nhiễm, hộ ông Võ Thanh Hùng (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) chuyển sang dùng nước đóng bình để nấu cơm. Ảnh: TRẦN NGỌC
Ngưng sử dụng nguồn nước nhiễm amoni
Theo BS Nhân, huyện Hóc Môn chiếm tỉ lệ cao nhất về các mẫu nước không đạt chỉ tiêu lý hóa (hơn 99%), kế đến là quận 12 (gần 99%), Củ Chi và Thủ Đức (hơn 98%), Bình Tân (trên 93%), Bình Chánh (hơn 89%)... “Kết quả cho thấy các yếu tố gây ô nhiễm môi trường từ bề mặt đã khuếch tán và thẩm thấu xuống tầng nước ngầm đã làm nguồn nước bị ô nhiễm” - BS Nhân nhận xét.
BS Nhân giải thích, nước ngầm có độ pH thấp, hàm lượng sắt tổng số cao khiến nước có màu vàng, mùi tanh, vị chua. Đáng chú ý là amoni trong nước ngầm khi gặp ôxy trong không khí sẽ chuyển hóa thành nitrat và nitrit. Nitrit khi vào cơ thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt khi kết hợp với các acid amin trong cơ thể sẽ tạo thành nitrosamine, một chất gây ung thư.
“Do vậy, các hộ dân tại những khu vực nước giếng nhiễm amoni nên ngưng sử dụng và thay thế nguồn nước khác” - BS Nhân khuyến cáo.
Cũng theo BS Nhân, qua khảo sát cho thấy số phường, xã có nguồn nước nhiễm amoni là khá nhiều. Đây là điều đáng lo.
Trước tình hình cấp bách này, ngày 30-6, TP.HCM quyết định lập năm đoàn giám sát việc cung cấp nước sạch trên địa bàn TP. Các đoàn không chỉ tổ chức giám sát mà còn đôn đốc việc thực hiện cung cấp nước sạch trên địa bàn TP.HCM. Lãnh đạo TP yêu cầu phải đảm bảo 100% hộ dân TP được sử dụng nước sạch trong năm 2015.
Gần 96% mẫu nước không đạt chỉ tiêu lý hóa Cuối tháng 12-2014, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã lấy 1.400 mẫu nước giếng khoan tại bảy quận, huyện (12, Bình Tân, Thủ Đức, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi) để xét nghiệm. Trong đó có 1.125 mẫu lấy tại các khu phố chưa phủ mạng lưới cấp nước sạch và 275 mẫu tại các điểm có nguy cơ ô nhiễm (gần khu chăn nuôi, nghĩa địa, bãi rác, cầu tõm…). “Kết quả khiến mọi người giật mình vì có hơn 1.360 mẫu (gần 96%) không đạt chỉ tiêu lý hóa. Riêng chỉ tiêu vi sinh có hơn 100 mẫu (trên 7%) không đạt” - BS Lê Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết. 37 phường, xã qua khảo sát có nước giếng nhiễm amoni. Cụ thể: - Thới An, Thạnh Lộc, Tân Thới Nhất, Tân Thới Hiệp, Tân Hưng Thuận, Tân Chánh Hiệp, Hiệp Thành, Đông Hưng Thuận, An Phú Đông, Trung Mỹ Tây, Thạnh Xuân (quận 12) - An Nhơn Tây, Bình Mỹ, Hòa Phú, Nhuận Đức, Phú Hòa Đông, Phú Mỹ Hưng, Phước Hiệp, Phước Thạnh, Phước Vĩnh An, Tân An Hội, Tân Thạnh Đông, Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) - Huyện Hóc Môn có tám xã: Bà Điểm, Đông Thạnh, Tân Hiệp, Tân Thới Nhì, Tân Xuân, Thới Tam Thôn, Trung Chánh, Xuân Thới Đông (huyện Hóc Môn) - Bình Chiểu, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh Đông, Linh Trung, Linh Xuân (quận Thủ Đức) |