Dự án được thực hiện từ năm 2010 đến 2014 nhằm giải quyết hậu quả của hóa chất độc hại trong chiến tranh Việt Nam, giảm thiểu sự tàn phá của chất độc đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người tại ba vùng nóng: sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), sân bay Phù Cát (Bình Định).
Số liệu báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 33) cho biết, từ năm 1961 đến năm 1971, Quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ xuống miền Nam Việt Nam, trong đó khối lượng dioxin ước tính là 366kg.
Dioxin là một trong những chất độc nhất mà con người chế tạo ra. Ở hầu hết các khu vực bị phun rải chất diệt cỏ, nồng độ dioxin đã giảm đi đáng kể, nhưng hiện vẫn còn vùng "nóng" về dioxin với nồng độ cao tại các khu vực sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa và sân bay Phù Cát.
Các đại biểu tham gia hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề về xây dựng kế hoạch xử lý dioxin tại các điểm nóng, khả năng tham gia tài trợ cho dự án. Đặc biệt, các đại biểu tập trung vào việc xác định quy mô, mức độ ô nhiễm dioxin tại 3 điểm nóng...
Ông Richard J .Cooke, Chuyên gia tư vấn quốc tế của Văn phòng 33 đã chỉ ra rằng, dự án cần chú ý đến những yêu cầu cơ bản về công nghệ xử lý để đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật và an toàn môi trường của Việt Nam và quốc tế. Nên ưu tiên những công nghệ có khả năng triển khai ngay tại Việt Nam thông qua các điều khoản thương mại, áp dụng trong điều kiện cụ thể về ô nhiễm dioxin tại Việt Nam, công nghệ có mức chi phí hợp lý, cho cả phần thử nghiệm và phần áp dụng thực hiện sau này.
Bên cạnh đó, dự án cần có sự điều phối, hợp tác chặt chẽ thường xuyên giữa Văn phòng 33 và các Bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Quốc phòng. Ban chỉ đạo dự án cũng cần lưu ý đến nguồn tài chính cần thiết cho việc ngăn chặn triệt để ô nhiễm ở khu vực Tây Nam đường băng ở sân bay Biên Hòa và nguồn tiền cho xử lý toàn bộ ô nhiễm tại sân bay Phù Cát./.
Theo Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)