Nhiều rẫy cà phê, tiêu bị bọn bất lương chặt phá

Thời gian gần đây, ở Đắk Lắk liên tiếp xảy ra các vụ phá hoại cây trồng của người dân. Các vụ việc đều được dân trình báo công an nhưng hầu như rất hiếm khi kẻ phá hoại bị lôi ra ánh sáng.

Tiểu nhân và độc ác

Ông Võ Đình Hồng (ở thôn 7, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột) kể ông có vườn cà phê ở khu vực cuối thôn đang ra hoa bói. Chiều mùng 2 Tết, ông nhận được điện thoại từ người dân báo vườn cà phê của ông bị kẻ gian phá hoại. Khi tới vườn kiểm tra, ông bàng hoàng thấy toàn bộ 300 cây cà phê tái canh gần ba năm đang ra hoa bói đã bị chặt đứt lìa thân, lá và hoa rụng tơi tả.

Ông Hồng cho biết để đầu tư chăm sóc diện tích cà phê này gia đình phải vay 30 triệu đồng từ ngân hàng. “Giờ cà phê bị chặt chết hết, không biết sau này lấy gì trả nợ” - ông than. Sau khi phát hiện vụ việc, ông đã trình báo với công an địa phương, những mong tìm ra kẻ phá hoại để xử lý. Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa biết ai là tác giả của trò phá hoại ác độc này.

Tương tự, sau những ngày nghỉ Tết, ông Đỗ Thế Xưởng (ở buôn Kré A, xã Ea K’nếch, huyện Krông Pắc, ra thăm vườn thì phát hiện vườn cà phê đã bị ai đó chặt phá tan hoang. Hơn 200 cây cà phê đang trong thời kỳ ra hoa bị chặt lìa gốc, hơn 50 trụ hồ tiêu cũng bị cắt ngang thân, thiệt hại ước tính khoảng 150 triệu đồng.

Ông Xưởng cho biết gia đình ông đã nhiều lần bị ai đó phá hoại cây trồng, ông đã trình báo cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm, thiệt hại kinh tế gia đình đành gánh chịu.

“Năm 2015, nó phá của nhà tôi 210 gốc cà phê; tiếp đến năm 2016 chúng nó lại phá của nhà tôi 17 gốc tiêu đang trong thời kỳ cho hạt. Cuối năm 2017, kẻ gian còn dồn bàn ghế, vật dụng trong rẫy của tôi phóng hỏa đốt cháy hết. Mỗi lần xảy ra vụ việc tôi đều trình báo công an xã. Công an huyện có xuống quay phim, chụp ảnh nhưng đến nay họ vẫn chưa báo kết quả cho chúng tôi” - ông Xưởng cho biết.

Hiện trường một vụ chặt phá cà phê của người dân trước Tết Mậu Tuất ở TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: TIẾN ANH

Cần điều tra, nghiêmtrị những kẻ phá hoại

Trong năm 2017, ở Đắk Lắk liên tục xảy ra các vụ phá hoại cây trồng của người dân ở các huyện Cư M’gar, Krông Pắc, Cư Kuin, Buôn Đôn, TP Buôn Ma Thuột…

Thượng tá Nguyễn Văn Dân, Phó Trưởng Công an huyện Krông Pắc, Đắk Lắk, cho biết nguyên nhân xảy ra các vụ phá hoại này chủ yếu là do mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày, nảy sinh thù hằn cá nhân. Kẻ xấu thường chọn thời điểm đêm khuya ra tay phá hoại.

“Đối với các vụ chặt phá hoa màu như thế này thì công tác điều tra của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Cái khó khăn thứ nhất, đối tượng lợi dụng vào ban đêm để gây án; thứ hai, những nơi các đối tượng phá hoại thường xa khu dân cư, ít người qua lại nên rất khó phát hiện; thứ ba, khi người dân đi làm phát hiện rẫy của mình đã bị chặt phá thì thời gian xảy ra trước đó rất lâu, dấu vết tài liệu thu thập được để truy tìm rất ít” - Thượng tá Nguyễn Văn Dân cho biết.

Mỗi hecta cà phê, hồ tiêu từ lúc trồng đến khi thu hoạch phải mất thời gian ít nhất ba năm và tốn kém hàng trăm triệu đồng. Để có vốn đầu tư, phần lớn bà con phải vay tiền ngân hàng. Không chỉ đối mặt với thiên tai, giá nông sản bấp bênh mà nông dân còn nơm nớp lo âu bởi những kẻ phá hoại độc ác. Vì vậy, cơ quan chức năng ở Đắk Lắk cần điều tra, xử lý nghiêm những kẻ phá hoại để bảo vệ tài sản người dân và nhằm răn đe những kẻ rắp tâm phá hoại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm