Cấy chỉ, châm cứu: ‘Cứu tinh’ điều trị trẻ tự kỷ

Tới khu vực châm cứu, cấy chỉ của Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, thật xót xa khi phải chứng kiến nhiều bé trông rất đáng yêu, gương mặt khôi ngô nhưng lại gặp khó khăn trong giao tiếp và có những rối loạn với hành vi.

“Để bác… bắt chí cho con!”

“Đầu con có nhiều chí quá, để bác bắt cho con nhé!” - vừa nói BS Văn Công Viên, Phó Trưởng khoa Khám Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, vừa nói vừa đưa kim lên châm cứu cho bé X. trong khi bé vừa ăn bánh vừa chơi với mẹ.

Chị Nguyễn Thị Minh Đức, đến từ quận Thủ Đức, mẹ bé, cho biết làm như vậy bé mới chịu ngồi yên để bác sĩ điều trị. Sinh ra bé phát triển bình thường, thế nhưng sau hai tuổi, chị thấy con có dấu hiệu chững lại, ít nói, khó giao tiếp, ngại tiếp xúc với người lạ. Chị đưa bé đi khám và chữa trị khắp nơi nhưng tình hình không khả quan. Sau khi được một người bạn giới thiệu, chị đưa bé đến chữa tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM. “Sau sáu tháng kết hợp châm cứu và cấy chỉ tại đây, tôi thấy con có những chuyển biến rõ rệt như nói được nhiều từ hơn trước và biết chơi với các bạn” - chị Đức chia sẻ thêm.

Để con không chạy nhảy, la hét trong phòng khám, chị Lý Thị L., sống tại quận Gò Vấp, đã phải ôm chặt lấy con, thủ thỉ trò chuyện. Nhìn con, chị gạt nước mắt, chia sẻ sinh ra bé kháu khỉnh, dễ thương thế nhưng đến 20 tháng, chị gọi hay nói gì bé đều không để ý, không quay lại, chỉ thích xem tivi. Càng lớn bé càng khó bảo, dễ cáu gắt, hiếu động, chạy nhảy khắp nơi nhưng không biết đâu là trò chơi nguy hiểm. Gia đình chị đã đưa con đi đến nhiều bệnh viện và các trung tâm chuyên biệt dạy kỹ năng cho trẻ tự kỷ nhưng bệnh tình của con không hề giảm. Gần đây, tìm hiểu trên mạng Internet, chị L. biết đến phương pháp điều trị tự kỷ bằng y học cổ truyền nên liền đưa con đến viện để chữa trị.

BS Trương Thị Ngọc Lan, Viện phó kiêm Trưởng phòng Đào tạo - Nghiên cứu khoa học - Chỉ đạo tuyến Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cho biết từ giữa năm 2015, viện đã bắt đầu tiếp nhận chuyển giao phương pháp cấy chỉ từ BV Châm cứu Trung ương.

Một năm rưỡi trước đây, viện chỉ điều trị từng kỹ thuật đơn lẻ như cấy chỉ, châm cứu rồi xoa bóp, day ấn huyệt, đại trường châm, thủy châm, nhĩ châm. Từ tháng 8-2017, BV Châm cứu Trung ương đã chuyển giao nguyên một gói về phương pháp điều trị tự kỷ với một loạt thủ thuật kết hợp bằng y học cổ truyền. Vì thế bệnh nhi tới đây sẽ được điều trị theo đúng phác đồ mà BV Châm cứu Trung ương đang thực hiện và sẽ điều chỉnh thêm dùng thuốc y học cổ truyền do viện nghiên cứu và sản xuất.

Một bệnh nhân nhí đang được các bác sĩ thực hiện phương pháp châm cứu. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bác sĩ đang cấy chỉ một bệnh nhân. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Trẻ bớt hiếu động, tăng ngôn ngữ giao tiếp

BS Lan cho hay việc tác động các huyệt vị bằng phương pháp điện châm, thủy châm, cấy chỉ, châm cứu, xoa bóp nhằm thanh nhiệt, tỉnh thần, bổ dưỡng khí huyết, giúp lưu thông máu lên não tốt hơn, cân bằng âm dương. Ngoài ra, những phương pháp này sẽ giải quyết và làm cải thiện những triệu chứng như bứt rứt, mất ngủ, thiếu tập trung, giảm chú ý của trẻ. “Và thực tế đã chứng minh trong suốt hơn một năm qua, nhiều bé khi sử dụng các phương pháp trên ngủ nhiều hơn, giấc ngủ ngon hơn, vì thế các bé tập trung, bớt bứt rứt hơn” - BS Lan nhấn mạnh.

Hiện trung bình một tuần viện điều trị 10-30 ca bệnh nhân nhí và quá trình điều trị phải kéo dài. Trong hơn một năm qua, viện đã điều trị khoảng 100 trẻ. 

Là người trực tiếp điều trị cho các bé, BS Viên bổ sung thêm, tùy vào bệnh lý của mỗi bé sẽ có hướng chữa trị khác nhau. Đối với những bé ở thể tăng động thì việc châm cứu bất khả thi cho nên chỉ có thể sử dụng cấy chỉ. Với phương pháp này, kim đưa vào sẽ được rút ra ngay sau đó cho nên dù bé có chạy nhảy cũng không ảnh hưởng. Còn đối với bé bị rối loạn ngôn ngữ sẽ sử dụng châm cứu.

“Tuy không thể chữa khỏi bệnh tự kỷ nhưng chúng tôi khẳng định với việc sử dụng các phương pháp y học cổ truyền có thể hỗ trợ điều trị tự kỷ theo khuynh hướng cải thiện các triệu chứng. Và thực tế đã cho thấy điều đó, nhiều em bé khi tới viện khó ngủ, không biết làm gì dù được mọi người chỉ dạy. Thế nhưng sau một thời gian dài điều trị, bé đã có thể sắp xếp đồ đạc theo như người nhà hướng dẫn, khả năng tập trung và nghe lời của bé trở nên tốt hơn” - BS Lan nói.

Thế nhưng BS Lan nhấn mạnh gia đình đóng một vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh tự kỷ. Cha mẹ cần nói chuyện với trẻ hằng ngày, mọi lúc mọi nơi, hãy luôn ở bên con nếu có thể để có thể dạy trẻ các kỹ năng về giao tiếp, chấn chỉnh hành vi của trẻ. Đặc biệt, việc chữa trị căn bệnh này đòi hỏi thời gian dài, vì thế cần có sự hợp tác và sự kiên trì, nhẫn nại của gia đình các bé.

Năm 2012, BV Châm cứu Trung ương đã thành lập khoa Tự kỷ. Trong suốt những năm qua đã có khoảng 4.000 bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện. Hằng năm có khoảng 800 trẻ bị hội chứng tự kỷ đến điều trị. Đến nay, hiệu quả của phương pháp này được xác nhận có đến 60% trẻ tự kỷ qua điều trị có thể hòa nhập theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới như các bé biết giao tiếp, biết làm những sinh hoạt cá nhân, có khoảng 20%-25% trẻ có thể đi học bình thường.

Phương pháp này có hiệu quả cao nhất đối với trẻ dưới ba tuổi, đặc biệt với trẻ khoảng 20 tháng, đây là thời gian vàng để điều trị cho trẻ tự kỷ. Còn đối với trẻ trên sáu tuổi mới bắt đầu can thiệp thì tỉ lệ hòa nhập, đi học được rất thấp, càng lớn các bé càng ít có khả năng hòa nhập với cộng đồng. Do đó, phụ huynh cần chú ý theo dõi, phát hiện sớm các biểu hiện tự kỷ ở trẻ để có thể can thiệp kịp thời.

BS NGUYỄN QUỐC VĂNTrưởng khoa Điều trị tự kỷ - bại não, BV Châm cứu Trung ương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm