Đây là một trong những hình thức tác động vào huyệt đạo như thuỷ châm, từ châm, laser châm... bằng cách chôn vùi catgut (một loại chỉ dùng trong phẫu thuật, có khả năng tự tiêu sau một thời gian nhất định) vào huyệt đạo nào đó nhằm kích thích huyệt đạo, tạo cân bằng âm dương, điều chỉnh chức năng tạng phủ… nhờ đó mà hết bệnh. Liệu có chứng cớ khoa học nào về phương pháp điều trị này không?
Chúng tôi giới thiệu ý kiến của BS Phạm Ngọc Thanh, nguyên trưởng đơn vị tâm lý và hiện là cố vấn khoa tâm lý, bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, người đã có nhiều kinh nghiệm điều trị tự kỷ cho trẻ và có nghiên cứu chuyên sâu về hội chứng này:
Không phải chỉ bạn đọc báo thắc mắc, mà cá nhân tôi trong quá trình thăm khám tự kỷ cho trẻ gần đây cũng thường xuyên nhận được câu hỏi của một số phụ huynh có con em tự kỷ về phương pháp mới điều trị chứng tự kỷ và tự kỷ ám thị bằng cấy chỉ y khoa.
Tự kỷ khác với tự kỷ ám thị
Mọi phương pháp tác động vào huyệt đạo đều phải được thực hiện đúng thủ thuật. Ảnh: N.T Hiện có sự nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ này. Tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh được biểu hiện bởi những khiếm khuyết về quan hệ xã hội (như kém tiếp xúc mắt, thích chơi một mình, không biết chia sẻ với người khác…), khiếm khuyết về giao tiếp (chậm nói, không có khả năng đối thoại, có ngôn ngữ riêng, không biết chơi tưởng tượng…) và có một số hành vi rập khuôn (như thích quay bánh xe, đi nhón chân, khó thích ứng khi thói quen được thay đổi…). Chứng tự kỷ đã được BS Kanner mô tả lần đầu vào năm 1943.Trong khi đó, ám thị là một kỹ thuật tâm lý được dùng để diễn tả sự biến đổi trong hành vi của chúng ta, gây nên bởi một thông báo gửi đến tâm trí (ví dụ như “tôi không mắc bệnh”). Mức độ của biến đổi đó phụ thuộc vào sự khêu gợi trực tiếp của thông báo đối với các cảm giác của chúng ta. Ám thị có thể được định nghĩa là bất cứ một kinh nghiệm nào khơi dậy cảm giác hay cảm xúc của chúng ta. Ám thị có thể là một từ ngữ, một câu văn được viết hay đọc lên. Nó có thể là một vật thể chúng ta trông thấy hay một biến cố chúng ta gặp phải. Tự kỷ ám thị là một ám thị chúng ta tự gây ra cho mình. Kỹ thuật này đã được Emile Coué áp dụng như một giả dược (placebo) để điều trị bệnh nhân vào đầu thế kỷ 20. Chưa có bằng chứng khoa học Theo một số tài liệu, cấy chỉ còn được gọi là chôn chỉ, vùi chỉ... là đưa chỉ tự tiêu vào huyệt vi của hệ kinh lạc để duy trì sự kích thích lâu dài tạo nên tác dụng điều trị như châm cứu liên tục. Như vậy cấy chỉ catgut vào huyệt vi là một phương pháp châm cứu đặc biêt được dùng cho các bệnh mãn tính và các bệnh khó châm cứu… Một số bệnh viện y học dân tộc phía Bắc có sử dụng phương pháp này để điều trị một số chứng bệnh. Tuy nhiên, hiệu quả chưa được đánh giá đầy đủ. Chưa có chứng cớ khoa học nào về hiệu quả của châm cứu và cấy chỉ trên bệnh nhân có chứng tự kỷ.Cần nhấn mạnh rằng, các nhà khoa học chưa chứng minh nguyên nhân chính xác gây chứng tự kỷ nên hiện nay vẫn chưa có thuốc để chữa lành chứng này. Chứng cớ khoa học cho thấy nếu dấu hiệu tự kỷ được phát hiện sớm từ 18 tháng tuổi và trẻ được can thiệp sớm bằng phương pháp tâm lý giáo dục thì trẻ có thể phát triển khá hơn, nhưng vẫn mang chứng tự kỷ suốt đời. Bị nhiễm trùng do cấy chỉ trị hen suyễn Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM từng tiếp nhận điều trị một nữ bệnh nhân 37 tuổi, ngụ ở Kiên Giang, bị nhiễm trùng do cấy chỉ chữa hen suyễn. Bệnh nhân cho biết, đã đến phòng mạch tư của một bác sĩ đông y cấy loại chỉ tự tiêu dùng trong phẫu thuật lên các huyệt nhằm trị suyễn. Hơn mười ngày sau, các vết cấy sưng lên, có mủ và gây đau nhức. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định nhiều vết cấy chỉ cấy vào huyệt đạo đã bị sưng viêm do nhiễm trùng. Bệnh nhân được tháo chỉ, cho uống thuốc chống nhiễm trùng rồi xuất viện.
BS.CK2 Lê Hoàng Sơn, giám đốc bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM; phó trưởng khoa y học cổ truyền, đại học Y dược TP.HCM cho biết cấy chỉ trị hen suyễn là một phương pháp điều trị đã được ngành y học cổ truyền áp dụng từ thập niên 70 – 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, ngày nay phương pháp này ít được sử dụng mà thay bằng cách dùng thuốc. Về nguyên nhân nhiễm trùng vết cấy ở bệnh nhân trên, theo BS Sơn, không phải do phương pháp mà vì kỹ thuật và các dụng cụ thực hiện chưa được vô trùng. Ngoài ra cũng có thể do người bệnh không chăm sóc vết cấy đúng theo hướng dẫn.“Tai biến trong cấy chỉ trị suyễn theo các bác sĩ y học cổ truyền thường rất ít xảy ra, song cần phải thực hiện đúng thủ thuật. Đặc biệt nên tránh đâm kim quá sâu các huyệt ở thành ngực”, BS Sơn lưu ý. Duy Nhân |
Theo BS Phạm Ngọc Thanh (SGTT)