Trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, cử tri TP.HCM và tỉnh An Giang đã có kiến nghị gửi Bộ Y tế liên quan đến vấn đề mức sinh thấp và già hoá dân số.
Xem xét mở rộng danh mục khám chữa bệnh BHYT
Cử tri TP.HCM cho biết năm 2023, tổng tỉ suất sinh là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
Đồng thời, chi phí điều trị vô sinh quá cao; việc khám, xét nghiệm, điều trị vô sinh chưa được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả có thể gây khó khăn đối với nhiều trường hợp vô sinh, hiếm muộn.
Do đó, cử tri TP.HCM kiến Bộ Y tế xem xét hỗ trợ BHYT chi trả đối với việc điều trị vô sinh.
Trả lời kiến nghị trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì Quỹ BHYT không thanh toán khi người có thẻ BHYT tế sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét để bổ sung mở rộng danh mục dịch vụ khám chữa bệnh đáp ứng nhu cầu của người dân nhưng đảm bảo cân đối Quỹ BHYT.
Già hóa dân số là vấn đề lớn của cả đất nước
Còn cử tri tỉnh An Giang phản ánh rằng theo số liệu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, từ năm 2011, Việt Nam bắt đầu quá trình già hóa dân số với tỉ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số.
Dự kiến vào năm 2036, Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già với tỉ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20% và tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên trên 14%.
Điểm cơ bản tạo ra các thách thức đối với Việt Nam là nước ta có khoảng 20 năm để chuyển từ xã hội già hóa dân số sang xã hội dân số già, trong khi Pháp là 115 năm, Thụy Điển là 89 năm, Hoa Kỳ là 69 năm. Như vậy, trong khi các nước có hàng trăm năm hoặc hơn nửa thế kỷ để từng bước thay đổi chính sách, ứng phó với sự già hóa dần dân số, thì Việt Nam chỉ có khoảng 1/4 thế kỷ.
Theo cử tri, già hóa dân số nhanh tạo ra thách thức và cơ hội đối với Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn; tạo ra các tác động đa chiều, đến nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến an sinh xã hội và văn hóa... ảnh hưởng đến cơ cấu xã hội, kinh tế, trong đó trước mắt là cơ cấu lao động và tăng trưởng kinh tế.
Từ đó, cử tri tỉnh An Giang đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, áp dụng những chủ trương, biện pháp nhằm giải quyết vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra thách thức rất lớn cho hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí và hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta.
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác dân số, đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, chương trình, đề án về công tác dân số trong tình hình mới nhằm thích ứng với già hóa dân số, như Nghị quyết 21-NQ/TW, Nghị quyết 137/NQ-CP, Nghị quyết 42-NQ/TW, Nghị quyết 68/NQ-CP...
Để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số, đặc biệt để thích ứng với già hóa dân số, nhiều biện pháp đã và đang được triển khai, như: Quyết định 1579/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; Quyết định 588/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030; Thông tư 01/2021/TT-BYT hướng dẫn một số nội dung để địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số...
Bộ Y tế đang tiến hành xây dựng Đề án xây dựng, phát triển nhân viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng và cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng đang triển khai nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỉ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số; xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.
Bộ Y tế đã đưa vào đề xuất xây dựng Luật Dân số chính sách thích ứng với già hóa dân số và dân số già, nhằm xây dựng giải pháp góp phần thích ứng với già hóa dân số, dân số già.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, giải quyết vấn đề già hóa dân số là vấn đề lớn của cả đất nước, cần sự phối hợp, tham gia của các bộ, ngành để đề xuất giải pháp cụ thể, phù hợp, hiệu quả.