Cẩn trọng với dịch bệnh hô hấp HMPV đang lây lan ở Trung Quốc

(PLO)- Dịch bệnh hô hấp đang lây lan ở Trung Quốc là do một loại virus thông thường, người dân không nên quá lo lắng nhưng cũng không được chủ quan.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ cuối tuần qua, một số trang thông tin điện tử nước ngoài đã thông tin về đợt bùng phát dịch bệnh hô hấp xảy ra tại Trung Quốc với nhiều ca mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người có tên HMPV (Human Metapneumovirus), đồng thời cho hay dịch bệnh lây lan nhanh với triệu chứng tương tự như cúm, COVID-19...

HMPV là virus rất xưa

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM), cho rằng HMPV không phải virus lạ hay virus mới. HMPV là một trong các virus gây ra bệnh hô hấp ở con người, dựa trên phân tích di truyền học thì virus này đã xuất hiện và gây bệnh cho người từ rất lâu (cách đây 120-130 năm).

“Virus này rất xưa, nó không lạ, không mới như nhiều người lo lắng. Bệnh hô hấp do virus này gây ra lây theo mùa, triệu chứng của người mắc bệnh giống như cảm, cảm lạnh hoặc cảm cúm. Người dân không nên hoang mang lo lắng” - bác sĩ Khanh nói.

ệnh hô hấp do virus HMPV đang lây lan ở Trung Quốc
Bệnh hô hấp do HMPV đang lây lan ở Trung Quốc. Ảnh: GETTY IMAGES

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng khoa Y tế công cộng (Trường Đại học Y Dược TP.HCM), cũng cho hay HMPV không phải là virus mới, mà đã được các nhà khoa học phát hiện vào năm 2001 tại Hà Lan khi truy tìm tác nhân gây bệnh trong dịch tiết hô hấp của 28 trẻ em Hà Lan bị nhiễm khuẩn hô hấp.

HMPV đã được phát hiện là tác nhân gây bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính phổ biến hàng thứ hai sau RSV (virus hợp bào hô hấp) ở trẻ em dưới 5 tuổi đến khám tại các phòng khám ngoại trú ở Hoa Kỳ.

Hầu như các quốc gia tiên tiến ở Bắc Mỹ, châu Âu, châu Úc đã phát hiện được virus này gây bệnh hô hấp cấp tính cho trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn tuổi. Bệnh do HMPV cũng đã được phát hiện ở Ấn Độ, Pakistan, Hồng Kông và gần đây là ở Trung Quốc.

Việt Nam chưa phân lập được virus này có lẽ là do chưa có được phương tiện chứ không phải HMPV chưa đến Việt Nam.

HMPV ít nguy hiểm hơn COVID-19

Theo bác sĩ Dũng, HMPV và virus gây dịch bệnh COVID-19 (SARS-CoV-2) đều là virus RNA chuỗi đơn. Tuy nhiên, HMPV là chuỗi đơn âm, còn SARS-CoV-2 là chuỗi đơn dương nên chúng rất khác nhau.

HMPV ít lây lan hơn SARS-CoV-2, thường gặp vào cuối mùa đông. Còn SARS-CoV-2 có thể xảy ra vào bất cứ mùa nào với mức độ lây lan nhanh tạo thành đại dịch.

HMPV thường gây sốt nhẹ và các triệu chứng hô hấp như chảy mũi, đau họng, ho, thở ran rít. Trong khi đó, COVID-19 gây triệu chứng nặng hơn như sốt cao, mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu, các triệu chứng hô hấp như ho có thể diễn tiến nặng thành suy hô hấp gây tử vong.

thay-Dung-noi-ve-benh-ho-hap.jpg
PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng khoa Y tế công cộng Trường Đại học Y dược TP.HCM, nói về bệnh hô hấp do HMPV đang lây lan ở Trung Quốc. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“HMPV có mức độ nguy hiểm thấp hơn đáng kể so với COVID-19. HMPV chỉ đáng quan ngại khi xảy ra ở bệnh nhân nhỏ tuổi, người già hoặc người có bệnh nền, trong khi COVID-19 có thể gây tử vong ở bất cứ lứa tuổi nào.

Đến nay chưa có vaccine nào được thử nghiệm đầy đủ và cấp phép để sử dụng cho phòng ngừa HMPV. Dù vậy, người dân không nên quá lo ngại về dịch bệnh này do mức độ lây lan thấp, ít khả năng gây bệnh nặng" - bác sĩ Dũng nói.

Bác sĩ Dũng khuyến cáo phòng ngừa HMPV cũng tương tự như phòng ngừa các bệnh hô hấp khác (cảm lạnh, cúm…) đó là rửa tay thường xuyên, đặc biệt là rửa tay với xà phòng hay dung dịch sát khuẩn. Hạn chế sờ tay lên mặt, giữ cho nhà cửa và nơi làm việc thông thoáng, tránh tụ tập chỗ đông người, đeo khẩu trang ở nơi công cộng...

Nếu có triệu chứng bệnh hô hấp, người dân nên ở nhà và hạn chế tiếp xúc. Cần đến cơ sở y tế để thăm khám nếu có dấu hiệu bệnh tiến triển nặng, nhất là trẻ em, người già, có bệnh nền.

TP.HCM luôn kiểm dịch y tế biên giới nghiêm ngặt

Tại tọa đàm trực tuyến chủ đề Tìm hiểu về các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam diễn ra mới đây, bác sĩ Trần Việt Phương, Phó Trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - HCDC), cho biết công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống các dịch bệnh quốc tế xâm nhập vào TP.HCM được thực hiện nghiêm ngặt, đặc biệt trong các dịp cuối năm, lễ hội, Tết do lưu lượng di chuyển và nhu cầu đi lại quốc tế tăng cao.

“Chúng tôi luôn thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch y tế biên giới tại cửa khẩu với hai cảng chính là Cảng hàng hải TP.HCM và Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất theo kế hoạch chung của ngành y tế TP.

Cạnh đó chúng tôi cũng chủ động theo dõi và nắm bắt thông tin dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới để chủ động tham mưu, báo cáo cũng như tăng cường quy trình giám sát, đáp ứng tùy theo tình hình dịch bệnh trên thực tế” - bác sĩ Phương chia sẻ.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng thông tin sẽ tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh do virus gây viêm phổi trên người tại Trung Quốc, phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ y tế quốc tế (IHR) của Trung Quốc (CDC Trung Quốc) để cập nhật thông tin. Từ đó chủ động cung cấp, chia sẻ thông tin đầy đủ chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng trong người dân.

Cục Y tế dự phòng cũng khẳng định không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn mùa đông xuân hiện nay với điều kiện thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh hô hấp lây lan.

Khuyến cáo phòng ngừa dịch

Bộ Y tế đã gửi công văn đến Sở Y tế các tỉnh, TP, yêu cầu chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm trong mùa đông xuân.

Cụ thể, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang tại nơi đông người, giữ ấm cơ thể và tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp.

Ngoài ra, cần đến cơ sở y tế gần nhất nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ như ho, sốt, khó thở để được khám và điều trị kịp thời.

Cơ quan y tế địa phương cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh hô hấp và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm