Cảnh báo bệnh giang mai tăng ở cả người lớn và trẻ sơ sinh

(PLO)- TP.HCM ghi nhận bệnh giang mai tăng ở cả người lớn và trẻ em, chuyên gia khuyến cáo dấu hiệu nhận biết sớm và phòng ngừa.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận điều trị một ca mắc giang mai mắt hiếm gặp. Bệnh nhân là nam (43 tuổi, ngụ Long An). Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho hay bản thân có quan hệ đồng giới và đang điều trị nhiễm HIV.

Xuất hiện nhiều ca giang mai mắt hiếm gặp

Trước nhập viện 3 tuần, bệnh nhân phát hiện mắt mờ dần đi, sau đó thấy nổi đỏ ở lòng bàn tay và bàn chân. Bệnh nhân đi khám mắt và được chẩn đoán viêm màng bồ đào cả hai mắt, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Da liễu điều trị.

ca bệnh giang mai - 1
Một ca mắc bệnh giang mai mắt hiếm gặp điều trị tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Ảnh: BVCC

Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc giang mai với kết quả huyết thanh học dương tính.

Một bệnh nhân khác là nam (24 tuổi, ngụ TP.HCM) khai có quan hệ đồng giới nam. Trước nhập viện 1 tuần, bệnh nhân có cảm giác chói mắt và đau quanh mắt. Sau đó không nhìn thấy rõ, kèm xuất hiện nốt đỏ ở mặt và thân mình.

Bệnh nhân khám chuyên khoa mắt có viêm màng bồ đào trái, được chuyển đến Bệnh viện Da liễu. Bác sĩ cho xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhân mắc giang mai mắt. Bác sĩ điều trị theo phác đồ Penicillin G trong 10-14 ngày, bệnh nhân đáp ứng tốt sau 4 tuần điều trị cả về thị lực và thương tổn da.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thanh Thơ, Phó trưởng khoa Lâm sàng 3 Bệnh viện Da liễu TP.HCM, chia sẻ tại TP.HCM, kết quả giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho thấy tỉ lệ mắc giang mai trên những đối tượng quan hệ đồng tính nam có khuynh hướng tăng cao (từ 6,7% vào năm 2011 lên 9,3% năm 2022).

Tỉ lệ nhiễm khuẩn giang mai đứng thứ hai trong mô hình bệnh tật các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục đến khám và điều trị tại Bệnh viện Da liễu. Riêng về giang mai mắt, đây là biểu hiện hiếm gặp của bệnh giang mai.

Viêm màng bồ đào là thường gặp nhất trong bệnh giang mai mắt. Giang mai mắt có thể ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh giang mai, có đến 50% bệnh nhân giang mai mắt đồng nhiễm HIV. Từ năm 2017 đến nay, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM phát hiện 5 trường hợp giang mai mắt. Trong đó có 3 trường hợp đồng nhiễm HIV, 4 trường hợp quan hệ đồng giới nam.

benh-giang-mai.jpg
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thanh Thơ đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

“Khi chẩn đoán nghi ngờ hay đã mắc bệnh giang mai, nên khám toàn diện các triệu chứng về mắt và thần kinh, tầm soát các bệnh lý lây qua đường tình dục khác như HIV, lậu, sùi mào gà… đặc biệt là các đối tượng quan hệ tình dục đồng giới, lưỡng giới và chuyển giới.

Nếu không nhận ra các biểu hiện ở mắt của bệnh giang mai hoặc điều trị chậm trễ sẽ dẫn đến mất thị giác không hồi phục hay mù hoàn toàn” - bác sĩ Thơ khuyến cáo.

Giang mai bẩm sinh có xu hướng tăng

Bệnh viện Da liễu TP.HCM từng được mời hội chẩn với bệnh viện sản khoa ở TP về ca bệnh giang mai là trẻ sơ sinh 3 ngày tuổi. Sau sinh, bệnh nhi đột ngột xuất hiện phát ban trên người, nổi bóng nước, có dấu hiệu trợt da.

Khi thăm khám, bác sĩ da liễu nghi ngờ trẻ sơ sinh mắc giang mai. Khai thác bệnh sử, người mẹ khai có quan hệ tình dục với nhiều người, không biết cha đứa trẻ là ai. Trước đó người mẹ có đi khám thai nhưng không có xét nghiệm tầm soát giang mai.

Các bác sĩ xét nghiệm huyết thanh của hai mẹ con cho ra kết quả đều dương tính với giang mai. Trẻ được điều trị theo phác đồ, sử dụng kháng sinh, điều trị khoảng 10 ngày.

benh-giang-mai3.png
Một trẻ bị bệnh giang mai bẩm sinh. Ảnh: BVCC

Một ca khác là thai phụ khi mang thai không xét nghiệm tầm soát giang mai. Khi sinh, bệnh viện phụ sản nghi ngờ nên xét nghiệm, kết quả sản phụ dương tính với giang mai.

Trẻ sinh ra có dấu hiệu khô da, nổi bóng nước, kết quả xét nghiệm cũng dương tính với giang mai. Do được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ may mắn chưa có biểu hiện nặng như viêm màng não hay co giật. Sau đó trẻ được theo dõi và điều trị ở bệnh viện nhi, còn người mẹ chuyển qua Bệnh viện Da liễu điều trị.

Bác sĩ Thơ cho hay, từ năm 2021 đến nay, Bệnh viện Da liễu ghi nhận tổng cộng 11 ca giang mai bẩm sinh. Các ca bệnh này có khuynh hướng tăng tại các bệnh viện phụ sản, bệnh viện nhi đồng. Khoa Lâm sàng 3 phát hiện giang mai bẩm sinh thường không phải tại bệnh viện mà do được mời hội chẩn với các bệnh viện phụ sản, nhi đồng.

Hiện bệnh viện cũng ghi nhận sự gia tăng của một số ca được chuyển từ Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương hay những bệnh viện tuyến tỉnh.

Giang mai bẩm sinh chia làm 2 giai đoạn, biểu hiện sớm và biểu hiện muộn. Biểu hiện sớm sẽ thấy rõ những bóng nước ngoài da, khô da; biểu hiện muộn sẽ biến chứng thành câm điếc, khó điều trị tái phục hồi.

Dấu hiệu dễ nhìn thấy nhất ở những trẻ bị giang mai bẩm sinh là nổi bóng nước, trợt da trên thân người hoặc phát ban, rất khác với dị ứng thuốc. Có trẻ mắc giang mai bẩm sinh nhưng không được phát hiện kịp thời, đến khi mẹ đưa trẻ đi khám thì đã trong tình trạng nặng.

Bệnh này nếu không được chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ để lại một số biến chứng về thần kinh, tim mạch, có thể gây tử vong.

“Sản phụ khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa sản sẽ được khuyến cáo tầm soát về bệnh giang mai. Tuy nhiên, một số thai phụ không khám thai định kỳ thường xuyên, hay khám ở những cơ sở không được trang bị kỹ thuật để làm xét nghiệm giang mai, dẫn đến khi nhiễm không biết sẽ lây cho con” - bác sĩ Thơ nói.

Khuyến cáo phòng ngừa giang mai bẩm sinh

Theo nghiên cứu, khi mắc bệnh giang mai ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1, 2), nguy cơ lây lan rất cao. Người mẹ mắc giang mai trước 3 tháng đầu thai kỳ, nguy cơ lây cho thai nhi nhiều hơn.

Để phòng ngừa, nên đi tầm soát khi chuẩn bị có thai. Ngoài ra, để bảo vệ cho mẹ và bé, trong quá trình thai kỳ cũng nên tầm soát giang mai, từ lần khám thai đầu tiên, trong 3 tháng đầu của thai kỳ và 3 tháng cuối trước khi sinh.

Đối với nhóm nguy cơ cao, vợ hoặc chồng đã từng bị giang mai, lúc gần sinh cũng nên xét nghiệm để chắc chắn không bị bỏ sót. Nếu lúc này phát hiện thai phụ vẫn dương tính, trẻ sinh ra sẽ được điều trị ngay mà không bị để quá lâu, gây biến chứng nặng.

Ngoài ra, cũng nên tầm soát các bệnh lây qua đường tình dục khác như HIV, lậu, Chlamydia. Vì những bệnh này gây ảnh hưởng đến quá trình mang thai, có thể gây sảy thai, sinh non, vỡ ối sớm hay tử vong trong bào thai.

Bác sĩ TRƯƠNG TRẦN BÍCH NGÂN, khoa Lâm sàng 3 Bệnh viện Da liễu TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm