Gần 100% bệnh nhân muốn khám bác sĩ gia đình

“Bệnh viện quận 2 là một trong những cơ sở y tế công lập áp dụng mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) đầu tiên và thực hiện rất tốt mô hình này”. Thông tin trên được PGS-TS Phạm Lê An, Trưởng Trung tâm Đào tạo BSGĐ thuộc Trường ĐH Y Dược TP.HCM nói tại hội thảo Đào tạo và chi trả bảo hiểm y tế (BHYT) cho BSGĐ do Trường ĐH Y Dược TP.HCM tổ chức vào sáng 28-12.

Bác sĩ kiêm tư vấn tâm lý

Trong lúc ngồi đợi tới lượt khám tại phòng khám BSGĐ của BV quận 2 (TP.HCM) sáng 27-12, ông Trần Hoàng Hải (58 tuổi) cho biết do tuổi lớn nên mắc đủ thứ bệnh mạn tính.

“Tôi vừa bị tim mạch, vừa bị hen suyễn, lại còn huyết áp… Trước đây tôi phải khám nhiều bác sĩ chuyên khoa riêng nên tốn thời gian. Nay chỉ cần đi một bác sĩ ở phòng khám BSGĐ nên giảm thời gian chờ đợi rất nhiều” - ông Hải nói.

“Mà đâu chỉ vậy, bác sĩ ở phòng khám BSGĐ còn hỏi gia cảnh, người thân của tôi để tư vấn những căn bệnh mang tính di truyền như tim mạch, tiểu đường. Sau đó bác sĩ khuyên người thân tôi nên khám định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh tật và điều trị sớm” - ông Hải cho biết thêm.

BS Nguyễn Minh Vũ, một trong những bác sĩ có phòng khám BSGĐ tại quận 2, cho biết ngoài kiến thức y khoa tổng quát BSGĐ còn phải trang bị hiểu biết tâm sinh lý và gia đình. “Cần thiết nhất là lúc nào cũng ân cần, giải thích cặn kẽ cho bệnh nhân. Phải thật sự “lương y như từ mẫu” để lấy sự hài lòng của người dân” - BS Vũ chia sẻ.

Bác sĩ phòng khám BSGĐ thuộc BV quận 2 đang khám cho bệnh nhân. Ảnh: TRẦN NGỌC

Mong triển khai BSGĐ nhiều hơn

PGS-TS Phạm Lê An cho biết kết quả khảo sát tại một số nơi thí điểm mô hình BSGĐ ghi nhận bệnh nhân hài lòng với phòng khám BSGĐ vì gần nhà, giá khám bệnh phù hợp. “Chưa hết, điều bệnh nhân thích nhất ở phòng khám BSGĐ là bác sĩ luôn tận tình, lắng nghe mọi than phiền của họ” - ông An nói.

Theo ông An, kết quả khảo sát cho thấy 99,28% bệnh nhân muốn tiếp tục quay lại khám ở phòng khám BSGĐ trong tương lai. Chưa hết, 99,53% quyết định giới thiệu bạn bè, người thân đến phòng khám BSGĐ.

“Mặc dù mô hình BSGĐ rất có hiệu quả ở một số địa phương nhưng chưa thực sự rộng rãi, người dân mong muốn triển khai nhiều hơn. Nhưng muốn vậy cần đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực y tế và có nhiều chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế thuộc BSGĐ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông mô hình phòng khám BSGĐ để người dân có thể dễ dàng tiếp cận” - ông An nêu quan điểm.

Trao đổi bên lề hội thảo, BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, cho biết bình quân mỗi ngày phòng khám BSGĐ của BV quận này khám cho khoảng 250 người.

Theo BS Khanh, BSGĐ dành nhiều thời gian tư vấn cho bệnh nhân, kể cả người nhà nếu phát hiện bệnh nhân mắc bệnh có tính di truyền. “Phòng khám BSGĐ thuộc BV quận 2 còn kết nối với BV ĐH Y Dược TP.HCM. Do vậy, nếu bệnh nhân của phòng khám BSGĐ ngoài tầm điều trị của BV quận 2 thì sẽ được chuyển đến BV ĐH Y Dược TP.HCM và vẫn được hưởng BHYT. Đây là cái lợi trước mắt của bệnh nhân khi khám tại phòng khám BSGĐ” - BS Khanh chia sẻ.

Nâng mức thanh toán BHYT

PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), nhận định việc triển khai mạng lưới BSGĐ hoạt động hiệu quả không những khắc phục triệt để tình trạng quá tải BV mà còn góp phần cải tổ hệ thống y tế.

Theo PGS Hiệp, phòng khám BSGĐ rất cần được thành lập tại các trạm y tế để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Do vậy, điều kiện để phát triển mô hình BSGĐ tại trạm y tế là nhân lực chuyên trách được đào tạo và có lịch khám cố định; được tăng cường nhân sự để đảm bảo hoạt động khác của trạm y tế. Bên cạnh đó, BHYT phải ký trực tiếp với trạm y tế.

Ông Hiệp cho biết thêm danh mục thuốc được cung cấp phù hợp với quy mô của phòng khám BSGĐ cũng là điều kiện phát triển mô hình này. Bên cạnh đó, trạm y tế cũng cần được hỗ trợ chuyên môn và đào tạo liên tục, được hỗ trợ công cụ quản lý hồ sơ sức khỏe. Đồng thời, cần tính giá dịch vụ phù hợp và nâng mức thanh toán BHYT cho người dân tại phòng khám BSGĐ.

Về nguồn lực, ông Hiệp cho rằng có thể sử dụng những bác sĩ đa khoa đã tốt nghiệp và có thâm niên thực hành lâm sàng trong hệ thống y tế công hoặc bác sĩ phòng mạch tư. Tuy nhiên, muốn tham gia BSGĐ thì họ phải được đào tạo với loại hình phù hợp để cấp chứng chỉ hành nghề BSGĐ. Nguồn thứ hai bao gồm sinh viên y khoa và bác sĩ đa khoa mới tốt nghiệp. Lực lượng này sẽ được đào tạo liên tục ngay khi ra trường gồm chuyên khoa BSGĐ, chuyên khoa 1 BSGĐ, bác sĩ nội trú y học gia đình.

__________________________________

Bộ Y tế vừa ban hành thông tư dự thảo hướng dẫn thí điểm về BSGĐ và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình để lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành.

Theo thông tư dự thảo, người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề BSGĐ hoặc bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn BSGĐ từ ngày 1-1-2020 phải có bằng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa; chứng chỉ, giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình có thời gian tối thiểu chín tháng hoặc một trong các văn bằng: Chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2, bác sĩ nội trú, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành y học gia đình được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam.

PGS-TS LƯƠNG NGỌC KHUÊ, Cục trưởng Cục Quản lý khám
chữa bệnh - Bộ Y tế

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm