Tình người trong vụ cháy tàu cá tiền tỉ

Những đống sắt vụn trong ngổn ngang tro tàn đen kịt, đó là tất cả những gì còn sót lại sau vụ hỏa hoạn xảy ra vào đêm 30-12-2017 và 1-1-2018.

Hàng tỉ đồng tan thành mây khói

Anh Võ Xuân Trọng (thôn Hải Tân, xã Phổ Quang, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) vẫn đi đi lại lại trên con tàu tiền tỉ của mình dù đã thành than chỉ vài ngày trước. Đây là lần đầu tiên anh có ý định sửa tàu có công suất lớn để đi biển dài ngày ở Hoàng Sa nhưng không ngờ tất cả đã tan biến thành mây khói.

“12 giờ khuya hôm đó, thằng cháu đi làm ở khu vực cảng thì phát hiện một đám cháy ở gần tàu và gọi điện thoại cho tôi. Khi vợ chồng tôi vừa chạy ra thì thấy tàu của anh Hải đang bốc cháy. Quá hốt hoảng vì nước xa không cứu được lửa trên tàu, vợ chồng tôi hô hoán mọi người trong đêm. Song khi mọi người đến thì cũng bất lực đứng nhìn vì đám cháy lớn, không thể can thiệp được. Khi những xe cứu hỏa của lực lượng chức năng đến thì tàu của tôi và một tàu khác bên cạnh tàu anh Hải đã cháy thành tro tàn” - anh Trọng nhớ lại.

Anh Trọng kể bảy năm trước, gia đình anh vay mượn tiền của bà con rồi tiền ngân hàng lên đến gần 500 triệu đồng để mua một chiếc tàu công suất 400 CV mang số hiệu QNg 98025 TS và ngư lưới cụ để hành nghề đánh bắt gần bờ. Từ đầu năm ngoái, vợ chồng anh đã thế chấp giấy tờ nhà của mình, mượn một giấy đỏ của người anh để vay ngân hàng hơn 350 triệu đồng để sửa chữa tàu và mua thêm dụng cụ đánh bắt.

Anh Lê Hồng Hải chưa hết thất thần sau vụ cháy tàu cá của mình lan ra thiêu rụi hai tàu cá khác. Ảnh: HUY TRƯỜNG

Cuối năm vừa rồi, vợ chồng anh lại tiếp tục vay mượn được gần 120 triệu đồng sửa tàu để đi chuyến đầu những ngày cuối năm với mong muốn có tiền trang trải nợ nần và chút tiền để tiêu Tết thì không may xảy ra sự cố. Mất cần câu cơm, không những vợ chồng anh mà 10 bạn thuyền cũng đang chịu cảnh đứng ngồi không yên khi cái Tết đang cận kề. “Tôi như hóa điên vì không biết phải làm gì khi cả gia tài đã biến mất quá nhanh. Quăng vào trong đó hơn 1 tỉ bạc vay mượn, giờ Tết nhất nhiều người hỏi nợ rồi cả lãi ngân hàng cả đống tiền, vợ chồng tôi giờ trắng tay biết trông vào đâu đây” - anh Trọng bần thần.

Tàn tro đám cháy tàu của anh Trọng chưa dứt, tiếp đến hai ngày sau đó, con tàu mang số hiệu QNg 95409 TS của ngư dân Nguyễn Thùy (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cũng bốc cháy cuốn theo toàn bộ tài sản trên tàu trị giá hơn 3 tỉ đồng. Dù đã vài ngày trôi qua kể từ khi xảy ra vụ việc, ông Thùy vẫn chưa hết bàng hoàng cho biết tàu cháy không những khiến gia đình ông rơi vào cảnh trắng tay mà còn phải đối diện với số nợ quá lớn không có cách nào giải quyết được.

Tình người trong hoạn nạn

Dù con tàu mình bị thiêu rụi đang được tiến hành sửa chữa lại nhưng anh Lê Hồng Hải (xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ) vẫn như người mất hồn khi kể lại sự việc hôm đó. Khi nghe bà con hô hoán, gia đình anh cũng có mặt để tiến hành dập lửa cứu tàu nhưng như anh nói: “Cứu lửa chỉ như muối bỏ biển”. Lửa cháy nhanh rồi lan ra hai tàu bên cạnh là tàu của anh Trọng và ông Trần Thơm gây thiệt hại tổng cộng trên 3 tỉ đồng.

Khi chúng tôi đến, trên con tàu hư hỏng của anh Hải, nhiều người đang tiến hành sửa chữa thân tàu. Người khuôn ván, người đục đẽo, người lại gò hàn để cố hoàn thành những thiệt hại do vụ hỏa hoạn gây ra. Dù thế, trên khuôn mặt của người chủ tàu vẫn méo mó như khóc. “Cháy tàu của tôi đã đành rồi, còn lan ra hai tàu khác nữa gây thiệt hại toàn tiền tỉ, giờ tôi không biết phải làm sao mà bồi thường nổi cho họ. Tôi lo sửa tàu sớm được ngày nào hay ngày đó để ra khơi kiếm tiền trả nợ, riêng tàu tôi đã cháy mất hơn 1,1 tỉ đồng” - anh Hải nói như khóc.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, gia đình anh Hải được nhiều người đồng cảm, chia sẻ và giúp đỡ anh sửa chữa lại con tàu. Theo ngư dân này, hiện tại gia đình anh phải vay thêm tiền để sửa tàu. Chính quyền địa phương khi biết việc cũng đến động viên, chia sẻ cùng gia đình anh cũng như những ngư dân không may chịu thiệt hại trong vụ việc vừa rồi. Bà con ngư dân ở vùng biển Phổ Quang cũng xót ruột về việc tàu của anh bị cháy nên đã tập trung giúp đỡ sửa tàu trong thời gian vừa qua.

Nghĩ tàu cá không dễ cháy nên không đưa vào nghị định

Về PCCC thì tàu cá không thuộc diện quản lý của chúng tôi. Trước kia không ai nghĩ tàu cá dễ xảy ra cháy nổ cho nên khi xây dựng nghị định về PCCC không đưa tàu cá vào diện này, đây cũng là một điểm vướng về pháp lý. Và nghị định cũng không đề cập đến việc nếu ngư dân để xảy ra cháy nổ tàu cá thì sẽ bị xử lý như thế nào, cơ quan nào xử lý. Muốn hạn chế nguy cơ cháy tàu thì trước mắt phải đưa tàu cá vào diện quản lý của nhà nước.

Đại tá VÕ ĐỨC NGUYỆN,
Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ngãi

Trong lúc trao đổi với chúng tôi về việc tàu cá bị thiêu rụi do tàu anh Hải cháy lan sang, anh Trọng dù rất buồn nhưng vẫn động viên mọi người bên tàu anh Hải cố gắng sửa chữa sớm để vươn khơi. “Giờ thì mất hết rồi nhưng cái này cũng không phải lỗi của anh Hải. Nguyên nhân vẫn đang được cơ quan chức năng xác minh thêm. Xui thì cùng chịu chung chứ biết làm sao bây giờ” - anh Trọng chia sẻ.

Ông Võ Xuân Cẩm, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phổ Quang, sau khi thông tin cho chúng tôi về tình hình các vụ cháy tàu cá vừa xảy ra đã cho chúng tôi biết thêm ngay sau vụ việc xảy ra, nghiệp đoàn cùng chính quyền địa phương đã đến động viên, chia sẻ cùng các chủ tàu những mất mát do sự cố gây nên. Đồng thời, chính quyền cũng vận động các tổ chức, cá nhân và bà con cùng giúp đỡ để các ngư dân phần nào đó khắc phục thiệt hại và đón một cái Tết được ấm áp hơn.

Cái rét ngoài trời như đang cắt da thịt nhưng trên bến cảng này vẫn đầy hơi ấm tình người, từ những lời động viên, cái bắt tay nhau để cùng hướng đến một ngày tươi đẹp hơn ở phía trước.

Điện, xăng dầu là “thủ phạm” chủ yếu

Ngày trước thường ít xảy ra cháy tàu cá vì tàu thường có công suất nhỏ nên hệ thống điện và chất cháy trên tàu ít, có xảy ra cháy thì có thể dập được. Hiện tại, phần lớn tàu cá đều có công suất trên 400 CV, đánh bắt xa bờ, dàn điện và dầu trên mỗi tàu lên đến cả chục ngàn lít nên mỗi khi cháy thường không dập tắt được. Lượng gas trên tàu cũng lớn, trong khi ngư lưới cụ và thân tàu dễ bắt lửa. Mặt khác, dù dàn điện trên tàu được lắp đặt chuẩn nhưng khi tiếp xúc nước mặn lâu ngày có thể gây ôxy hóa rồi chập mạch điện dẫn đến cháy nổ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm